Nghiên cứu phương án tối ưu trong lựa chọn sách giáo khoa những năm học tới
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Nội vụ…
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGKGDPT giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch, 1 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư, phát triển GD&ĐT.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đến hết tháng 5/2020, cấp tiểu học đã ban hành xong khung chương trình từ lớp 1 đến lớp 5; biên soạn xong tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, tổ chức dạy thử nghiệm. Cấp trung học đã hoàn thiện dự thảo khung chương trình giáo dục địa phương từ lớp 6 đến lớp 12. UBND tỉnh ban hành Quyết định 299, ngày 14/4/2020 về Quy định tiêu chí chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, kết quả đã lựa chọn được 44/46 đầu sách giáo khoa của 5 bộ sách, công bố công khai.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu, làm rõ thêm những nội dung liên quan đến kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết. |
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại thông qua đợt giám sát tại một số huyện, thành phố thời gian qua như: Chưa có hệ thống nhà trẻ công lập dành cho trẻ từ 7 tháng tới dưới 3 tuổi nên rất khó khăn đối với nhiều gia đình có con nhỏ.
Việc sáp nhập trường tiểu học và THCS được thực hiện song đã nảy sinh một số bất cập. Ở nhiều nơi, có những trường tiểu học có từ 35-40 lớp, trong khi đó, theo quy định không quá 30 lớp/trường. Nhiều trường đã đạt chuẩn nhưng sau khi sáp nhập lại không đạt do vượt quá số lớp quy định. Tỷ lệ trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày ở các huyện còn thấp. Việc lựa chọn sách giáo khoa cho các năm học tới vẫn còn những băn khoăn.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ đã giải trình, làm rõ những nội dung về tồn tại, hạn chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khái quát kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGKGDPT
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua, đồng thời phân tích các giải pháp khắc phục.
Về những bất cập xung quanh việc sáp nhập các trường, cấp học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quan điểm của UBND tỉnh không chỉ đạo máy móc. Thời gian tới, căn cứ vào thực tế số lượng các trường, lớp, quy mô dân số, khoảng cách vị trí địa lý, UBND các huyện, thành phố có thể đề xuất với tỉnh sáp nhập hay không sáp nhập trên tinh thần bảo đảm nâng cao chất lượng dạy học.
Đối với vấn đề lựa chọn sách giáo khoa, đây là vấn đề rất quan trọng phải cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Kết thúc kỳ 1 và cả năm học 2020-2021, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá, thảo luận, bỏ phiếu đề xuất UBND tỉnh lựa chọn những bộ sách sao cho phù hợp nhất.
Về bố trí học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học sẽ thực hiện theo lộ trình trên cơ sở lực lượng giáo viên được bổ sung, cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư cũng như nhu cầu của phụ huynh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát lại nhu cầu học, ăn bán trú của phụ huynh học sinh bậc tiểu học để các địa phương, ngành giáo dục tổ chức thực hiện.
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Trần Văn Lâm đánh giá cao kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGKGDPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua, đồng thời nhất trí với những giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, tồn tại của UBND tỉnh.
Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư hơn nữa đối với các bậc học, nhất là bậc mầm non; hỗ trợ kinh phí đối với các huyện ngân sách còn khó khăn để xây dựng, nâng cấp trường, lớp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Sớm khắc phục tình trạng mất cân đối giáo viên các bộ môn. Đẩy nhanh lộ trình tổ chức học bán trú đối với học sinh tiểu học ở những nơi chưa thực hiện, nhất là học sinh khối lớp 1. Nghiên cứu đưa ra phương án tối ưu đối với việc lựa chọn sách giáo khoa ở các năm học tới.
![]() |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu tại buổi giám sát. |
Tại buổi giám sát, UBND tỉnh kiến nghị với T.Ư tạo điều kiện bố trí kinh phí ngân sách T.Ư hỗ trợ địa phương thực hiện Quyết định số 1436, ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giai đoạn 2017-2025, nhằm đầu tư cho các trường tiểu học, THCS tại các khu công nghiệp và các trường thuộc các xã khó khăn về nguồn thu ngân sách.
Chính phủ chỉ đạo có biện pháp quản lý giá sách giáo khoa mới, tránh tình trạng độc quyền, tạo gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục có cơ chế chính sách thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; điều chỉnh chính sách tiền lương cho nhà giáo và cán bộ quản lý để họ yên tâm công tác.
Ý kiến bạn đọc (0)