Người “giữ lửa” và đưa khảm trai Việt vươn xa
BẮC NINH - Về Liên Bão, nhiều người biết đến Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đình Vinh – người dành hơn 30 năm gắn bó với nghề khảm trai, thổi hồn vào những tác phẩm tinh xảo mang đậm dấu ấn văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc. Với tâm huyết gìn giữ tinh hoa nghề truyền thống và khát vọng sáng tạo không ngừng, ông đã góp phần đưa nghệ thuật khảm trai Việt Nam vươn xa, lan tỏa tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đất nghề nuôi dưỡng người tài
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đình Vinh từ lâu đã là một cái tên tiêu biểu trong nghề khảm trai xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh, vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, quê hương của những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào và bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời.
![]() |
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đình Vinh bên tác phẩm khảm trai “Huyết chiến Bạch Đằng Giang năm 938” được làm trong 5 năm. |
Những ngày cuối tháng 6, xưởng khảm trai của nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh tuy không quá nhộn nhịp nhưng vẫn rộn ràng với hàng chục sản phẩm bàn ghế, tranh, quà tặng… được hoàn thiện, xếp gọn sẵn sàng giao cho khách. Ở một góc nhỏ, ông lặng lẽ miệt mài với những công đoạn cuối cùng của tác phẩm Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni – tác phẩm ông kỳ công thực hiện suốt gần 10 năm. Dù chỉ rộng khoảng 80 cm, nhưng từng chi tiết được trau chuốt đến độ hoàn mỹ: từ biểu cảm nhân vật đến làn sóng nước sinh động, chân thực như lay động trước mắt người xem. Không chỉ mang giá trị vật chất, tác phẩm ấy còn chứa đựng tâm hồn và tinh thần của người nghệ nhân – biểu tượng cho sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, kỹ thuật và cảm xúc.
Tạm nghỉ tay, ông vừa pha ấm trà sen ướp, vừa kể cho chúng tôi những câu chuyện đời, chuyện nghề của mình trong suốt hành trình 30 năm. Sinh ra và lớn lên tại thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, tỉnh Bắc Ninh, nhưng ít ai biết ông lại có quê gốc ở thôn Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Hà Tây xưa (nay là Hà Nội) - cái nôi của nghề khảm trai lừng danh với những tác phẩm tinh xảo và độc đáo. Thời trẻ, bố ông là bộ đội đặc công đóng quân và huấn luyện tại đất Hoài Trung và kết duyên với mẹ ông ở đây.
Dù không sinh ra và lớn lên ở quê cha nhưng dường như nghệ thuật khảm trai truyền thống của làng Chuôn đã in sâu vào tâm hồn ông từ khi còn là một đứa trẻ. Đến năm 1989 (học xong lớp 8), ông trở về quê cha để học nghề. Thật may mắn, ông được theo học nghệ nhân Trần Bá Dinh - người giữ “lửa nghề” cho làng nghề Chuôn Ngọ. Sau 8 năm say mê, khổ luyện, học từ tư thế làm việc cho đến các công đoạn chế tác sản phẩm, các sản phẩm của ông được nghệ nhân Trần Bá Dinh đánh giá cao, đó chính là động lực cho ông đi tiếp con đường của riêng mình và từng bước khẳng định tài năng trong nghề khảm trai.
Mang trong mình tình yêu sâu đậm dành cho nghệ thuật truyền thống, ngay từ ngày ngồi trên ghế nhà trường, ông luôn ấp ủ khát khao được lan tỏa vẻ đẹp tinh xảo về nghệ thuật khảm trai trên gỗ đến một miền đất mới, mang những tinh hoa của khảm trai Chuôn Ngọ đi xa hơn. Ông thành lập cơ sở chế tác khảm trai Vinh Lan tại nhà riêng ở xã Liên Bão, nơi ông và gia đình vừa làm nghề, vừa đào tạo thế hệ trẻ, truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu cho lớp kế cận.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh tự hào, ông có một hướng đi riêng trong phong cách tạo tác khảm trai, từ độ bền của sản phẩm đến chiều sâu giá trị văn hóa, ý tưởng lịch sử ẩn trong từng nét chạm khắc.
Hành trình giữ lửa nghề và trở thành Nghệ nhân Nhân dân
Được cho là một kỹ thuật cực kỳ khó và đòi hỏi sự khéo léo bậc nhất, những tác phẩm khảm truyền thần, tái hiện chân dung một cách sống động của ông nhanh chóng gây tiếng vang lớn nhờ sự tinh xảo, độc đáo. Với nghệ nhân Vinh, sự tỉ mỉ, linh hoạt trong cách phối màu hay nguyên vật liệu đều rất quan trọng trong việc làm ra một tác phẩm hoàn chỉnh, có hồn, thể hiện sống động thần thái và cảm xúc của nhân vật. Nhưng quan trọng hơn cả là ý nghĩa ẩn sau từng nét khảm trai của bức tranh đó.
Ông Vinh luôn tin rằng lớp kế cận sẽ gìn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề, bởi “Sắc thái cội cành thể hiện ở hoa lá; Tinh thần tổ tiên trường tồn trong cháu con”. Ông hy vọng lớp trẻ sẽ khắc sâu trong tâm khảm những giá trị tốt đẹp của văn hóa, truyền thống dân tộc, từ đó không ngừng sáng tạo, tìm ra những đột phá mới để nghề truyền thống không bị mai một mà ngày càng trường tồn, phát triển. |
Tác phẩm “Huyết chiến Bạch Đằng Giang năm 1288” được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục bức tranh lớn nhất, duy nhất đang trưng bày tại Khu di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một trong những tác phẩm khảm trai của Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh dành trọn tâm huyết. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự hấp dẫn, bắt mắt qua vẻ đẹp long lanh của ánh trai, mà còn được tô đậm bởi cái hồn cốt lịch sử, nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, nghệ nhân Vinh còn nhiều tác phẩm nổi tiếng độc đáo, được giới chuyên môn đánh giá cao, tiêu biểu như tác phẩm “Bác Hồ cười” đoạt giải tinh hoa làng nghề năm 2008; “Thiên đô chiếu” (hay Chiếu dời đô) đoạt giải tác phẩm tiêu biểu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2010, được trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh, Thái Bình, Bảo tàng Quốc gia; “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập” đoạt giải sản phẩm tiêu biểu năm 2012 và được xác lập kỷ lục Việt Nam do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2014; “Đôi câu đối khảm ốc” đoạt giải B Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức. Gần đây nhất là tác phẩm đĩa khảm ốc “Bách Nhi Đồ” vừa được UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận là 1 trong 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024.
Ông Vinh chia sẻ: “Với những kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy trong nghề, tôi đã làm ra hàng trăm tác phẩm tranh gỗ khảm trai tinh xảo được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả khách nước ngoài tìm đến đặt mua. Đặc biệt, quá trình làm, những tác phẩm về đề tài lịch sử được sự trợ giúp tận tình từ các sử gia Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan… càng thôi thúc tôi chăm chút sáng tạo nghệ thuật chạm khảm và có được những tác phẩm gắn với văn hóa lịch sử; thể hiện tinh thần yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, sức mạnh đoàn kết dân tộc… để yêu và hiểu thêm về đất nước, dân tộc, cung kính với các bậc tiền nhân, tổ tiên”.
Đáng chú ý, bức tranh khảm trai “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập” đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu “Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khảm trai lớn nhất Việt Nam”. Bức tranh được chính tác giả coi là “tâm nguyện cả đời mình”. Ông Vinh cũng cho hay, mục đích làm bức chân dung khổ lớn về Bác Hồ là để thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ vị Cha già dân tộc, đồng thời gửi thông điệp về nguồn cội cho giới trẻ ngày nay.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đình Vinh có nhiều tác phẩm để đời về các danh nhân nổi tiếng, các tác phẩm khảm trai có nội dung văn hóa, nghệ thuật, chiến tích lịch sử cha ông đã từng được xác lập kỷ lục Việt Nam. Ngày 19/7/2024, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông đã không quản ngày, đêm hoàn thiện nhanh nhất bức tranh khảm trai khắc hoạ chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từng chi tiết thể hiện nội tâm đôi mắt với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; những nét miệng, nụ cười nồng hậu, khuôn mày hay cả sợi tóc… cũng được thực hiện một cách tỉ mỉ và chân thật nhất. Với sự tập trung vào chi tiết và thần thái, tác phẩm không chỉ cuốn hút mà còn lan tỏa cảm xúc, gợi nhớ về vị lãnh đạo kính yêu. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chân thực và tính thẩm mỹ, bức chân dung khảm trai cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tình yêu và lòng biết ơn đối với một người lãnh đạo xuất sắc.
Khi được hỏi về tương lai ngành khảm trai trong bối cảnh nghề truyền thống đang đối mặt với không ít thử thách từ sự thay đổi của xã hội và sự cạnh tranh của công nghệ, ông Vinh lo ngại thế hệ trẻ có thể bị cuốn vào những ngành nghề mới mà không còn hứng thú với những nghề truyền thống. Hơn 3 thập kỷ gắn bó, ông Vinh thấu hiểu sâu sắc những gian nan nghề và đòi hỏi sự khắt khe trong bộ môn nghệ thuật này.
Ông tâm sự: “Nghề khảm trai không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, phong phú về gu thẩm mỹ mà quan trọng hơn, người nghệ nhân cần phải trải qua cả quá trình khổ luyện miệt mài, thậm chí một người làm nghề phải cần tới 10 năm trở lên mới có thể đạt được đến sự điêu luyện như các thế hệ đi trước. Lúc ấy, tác phẩm mới đạt đủ độ "chín" và có "hồn”. Dẫu vậy, ông Vinh luôn tin rằng lớp kế cận sẽ gìn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề, bởi “Sắc thái cội cành thể hiện ở hoa lá; Tinh thần tổ tiên trường tồn trong cháu con”. Ông hy vọng lớp trẻ sẽ khắc sâu trong tâm khảm những giá trị tốt đẹp của văn hóa, truyền thống dân tộc, từ đó không ngừng sáng tạo, tìm ra những đột phá mới để nghề truyền thống không bị mai một mà ngày càng trường tồn, phát triển.
Ghi nhận tài năng và những nỗ lực của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đình Vinh, UBND tỉnh cùng nhiều bộ, ban, ngành, hiệp hội đã trao tặng những danh hiệu cao quý như: Giải thưởng doanh nhân tiêu biểu, nghệ nhân làng nghề Việt Nam, nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh. Đặc biệt, năm 2020, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và mới đây, ông là 1 trong 6 nghệ nhân toàn quốc được công nhận “Nghệ nhân Nhân dân”. Đó là động lực để ông tiếp tục nỗ lực cống hiến hết mình cho việc bảo vệ, phát huy giá trị nghề, giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc.
Ý kiến bạn đọc (0)