Vượt lên số phận, lan tỏa nghị lực sống
BẮC NINH - Trong dòng chảy cuộc sống, có không ít người dù mang trong mình những khiếm khuyết về thể chất nhưng lại sở hữu nghị lực phi thường, sống có ích cho xã hội, truyền cảm hứng tới nhiều người. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tấm gương như thế.
Niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống
Năm 2018, chị Trần Thị Thu (sinh năm 1987) ở xã Trường Sơn, giáo viên mầm non không may ngã từ tầng 2 xuống đất. Chị bị gãy đốt sống cổ, đứt tủy sống phải nằm điều trị nhiều năm ở các bệnh viện. Là mẹ đơn thân, cuộc sống vô cùng khó khăn, mọi chi phí thuốc men, chăm sóc đều do bố mẹ đẻ gánh vác. Do sức khỏe không bảo đảm, chị đành phải từ bỏ nghề giáo viên. Nằm liệt một chỗ, không biết bao đêm chị ngoảnh mặt vào tường âm thầm khóc, muốn kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, được nhiều người động viên cùng với nghị lực của bản thân, chị đã từng bước vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã.
![]() |
Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh tổ chức giao lưu cờ tướng. |
Sau nhiều năm kiên trì tập luyện, sức khỏe của chị cải thiện hơn. Dù phải ngồi xe lăn tính đến nay hơn 7 năm, chị vẫn tự phục vụ bản thân, đồng thời bán sản vật của quê hương (mật ong, trà, dược liệu...) tại nhà. Công việc làm ăn thuận lợi, lượng khách đông, chị bán hàng online giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện chị đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, thay thế căn nhà cũ, chật hẹp trước kia. “Chính sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của địa phương, người thân đã tiếp thêm động lực, thắp sáng niềm tin để tôi bước tiếp”, chị Thu tâm sự.
Anh Trần Văn Bộ (sinh năm 1979), phường Yên Dũng bị liệt tứ chi từ một vụ tai nạn giao thông. Nhiều tháng nằm bất động trên giường bệnh, chân tay anh teo dần, dây thần kinh các chi tê liệt, mất cảm giác. Không cam chịu số phận, anh vẫn kiên trì cố gắng vươn lên mỗi ngày, từ những việc nhỏ nhất nhằm tự phục vụ sinh hoạt cá nhân như nhờ người nhà buộc thìa vào tay tập xúc cơm, nối dài thêm bàn chải để tập đánh răng... Hơn 20 năm luyện tập kiên trì, bền bỉ, một số ngón tay đã cử động được cho dù còn yếu ớt và phải ngồi xe lăn. Nhà có cửa hàng tạp hóa, là người ham học hỏi, anh tìm hiểu thị trường, tiếp cận giao dịch thương mại điện tử. Giờ đây, anh có thể gài bút vào kẽ ngón tay để viết, dùng mu bàn tay và khuỷu tay bấm chuột máy vi tính, tự bán hàng cho khách. Từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, hiện anh là chủ một siêu thị bán hàng tự chọn tại nhà với hơn 2 nghìn mặt hàng, số tiền đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Mỗi câu chuyện của người khuyết tật vượt lên số phận chính là một bài ca về lòng nhân ái, của nghị lực phi thường. Đó không chỉ là hành trình vươn lên của cá nhân mà còn là minh chứng cho giá trị của sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội. |
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 70 nghìn người khuyết tật, trong đó số người bị nặng, đặc biệt nặng chiếm gần 80%. Hằng năm, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người khuyết tật, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, hội, nhà hảo tâm đã tích cực, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên. Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với nhiều đơn vị vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng xe lăn, đồ dinh dưỡng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật tự làm...
Lan tỏa yêu thương, gieo hạt giống nghị lực
Cùng với sự quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, nhà hảo tâm, không ít người khuyết tật còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, có nhiều việc làm thiện nguyện vì cộng đồng. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, năm 3 tuổi, chị Đỗ Thị Huế (sinh năm 1982) ở phường Từ Sơn bị lao cột sống, để lại di chứng khiến đốt sống biến dạng, không thể đi được. Suốt từ năm lớp 1 đến đầu năm học lớp 3, vì sức khoẻ yếu, mẹ phải cõng chị đến lớp. Do mặc cảm, tự ti, theo học đến lớp 7, chị nghỉ học, đi làm nhiều nghề trang trải cuộc sống như thợ may, bán hàng...
Với mong muốn được hòa nhập cộng đồng, tham gia nhiều hoạt động xã hội, năm 2013, chị Huế cùng một số người bạn thành lập Câu lạc bộ khuyết tật Bắc Ninh với 10 thành viên. Chị được mọi người tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Đến nay, câu lạc bộ có hơn 60 thành viên tham gia. Năm 2024, chị được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Ninh với gần 70 thành viên. Đây là nơi gắn kết những người cùng cảnh ngộ, có hoàn cảnh khó khăn, cùng an ủi, động viên, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
![]() |
Chị Đỗ Thị Huế (bên trái) tặng nhà hảo tâm bức tranh do các thành viên Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh tự làm. |
Mặc dù chỉ cao 130 cm, nặng 40 kg cộng với sức khỏe yếu song chị Huế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cùng Ban chủ nhiệm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hội nghị, tọa đàm... tạo sân chơi bổ ích cho các thành viên trong câu lạc bộ; truyền cảm hứng, năng lượng sống tích cực cho mọi người. Chị còn kết nối, vận động các mạnh thường quân tặng tiền, xe lăn, đồ dùng có giá trị cho thành viên; tổ chức các bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị ở các bệnh viện...
Đồng hành cùng người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều chương trình thiết thực như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”, “Xe lăn cho người khuyết tật”, các lớp dạy nghề may, tin học, làm hương, đan lát… Các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ xây nhà tình thương, cấp học bổng cho con em người khuyết tật… được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, sự đóng góp từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã tạo động lực để họ vươn lên. Những chuyến xe nghĩa tình, những suất quà trao tay không chỉ có giá trị về vật chất mà còn khơi dậy lòng nhân ái trong xã hội, thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật bước tiếp hành trình cuộc đời.
Dù đạt được kết quả tích cực song cuộc sống của nhiều người khuyết tật vẫn còn không ít khó khăn. Tình trạng người khuyết tật thất nghiệp, thiếu ngành nghề phù hợp, hạn chế tiếp cận dịch vụ công cộng vẫn còn. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh (mới) được thành lập, cơ hội hỗ trợ người yếu thế, trong đó có người khuyết tật, được mở rộng hơn nhờ quy mô tổ chức lớn hơn, nguồn lực xã hội hóa phong phú hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng tham mưu tỉnh xây dựng chiến lược dài hạn và bền vững cho người khuyết tật, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề đến việc làm và hòa nhập cộng đồng.
Để người khuyết tật có sức khỏe, việc làm, thu nhập ổn định, vững tin vào cuộc sống cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chính quyền, ngành chức năng cần tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh để có chính sách hỗ trợ sát thực tiễn. Phát triển các mô hình đào tạo nghề - tạo việc làm gắn với thị trường, phù hợp từng dạng khuyết tật. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, xóa bỏ rào cản tâm lý, kỳ thị người khuyết tật. Tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong đào tạo, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập tốt hơn. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật bằng chính sách ưu đãi phù hợp.
Sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội sẽ là nguồn động lực to lớn để người khuyết tật có cơ hội thực hiện ước mơ, khẳng định giá trị bản thân. Qua đó góp phần làm đẹp hơn bức tranh nhân văn của quê hương Bắc Ninh ngàn năm văn hiến.
Ý kiến bạn đọc (0)