Nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phụ nữ
BẮC NINH - Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, những tấm gương tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu, từ nông thôn đến thành thị, từ cán bộ đến doanh nhân, giáo viên, công nhân… đang từng ngày góp phần làm rạng danh vùng đất Bắc Ninh giàu bản sắc.
Sáng tạo từ những điều giản dị
Nhận thức rõ vai trò của tri thức trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, những năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thái (xã Yên Phong) đã khởi xướng và duy trì hiệu quả mô hình “Tủ sách gia đình”. Đây không chỉ là mô hình mang giá trị giáo dục, mà còn là một điểm sáng trong việc cụ thể hóa phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”. Với cách làm đơn giản nhưng thiết thực, Chi hội đã vận động mỗi gia đình hội viên xây dựng một “góc sách” nhỏ trong nhà - nơi lưu giữ sách báo, truyện, tài liệu pháp luật, sách nuôi dạy con, kỹ năng sống, kinh nghiệm sản xuất...
![]() |
Mô hình làm phân bón từ rác hữu cơ nông nghiệp của chị Đàm Thị Tuyến (xã Gia Bình) cho hiệu quả cao. |
Là Chi hội trưởng, chị Cao Thị Nguyên hiểu việc xây dựng “Tủ sách gia đình” tạo không gian đọc và thói quen đọc sách trong gia đình cho hội viên phụ nữ, trẻ em là việc làm hết sức cần thiết để góp phần xây dựng gia đình “Có kiến thức” và “Có nếp sống văn hóa” theo tiêu chí của mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”. Ngày đầu thành lập chỉ có 50 gia đình hội viên có tủ sách gia đình, đến nay trên địa bàn thôn có 100 tủ sách gia đình và 1 Câu lạc bộ Phụ nữ khuyến đọc.
Lan tỏa tinh thần yêu sách và xây dựng “Tủ sách gia đình” góp phần không nhỏ trong việc hình thành sớm và duy trì bền vững thói quen đọc sách của các thành viên trong gia đình, đặc biệt người già và trẻ em, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học. Mô hình cũng trở thành cầu nối để Chi hội lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ môi trường… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên và các thành viên trong gia đình. Mô hình được đánh giá cao không chỉ bởi hiệu quả thiết thực trong cộng đồng mà còn bởi sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ chính hội viên.
Nếu như ở Đông Thái, việc xây dựng “Tủ sách gia đình” góp phần bồi đắp tri thức, vun đắp nhân cách thì tại khu phố 3 (phường Vũ Ninh), mô hình “Biến rác thành tiền” lại mang đến một hướng đi sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường gắn với hoạt động nhân đạo, từ thiện - đúng với tinh thần “lấy việc nhỏ làm việc lớn”, “lấy cái lợi chung làm kim chỉ nam” của phong trào phụ nữ địa phương. Xuất phát từ thực tế khu dân cư đô thị thường phát sinh lượng rác tái chế lớn, Chi hội phụ nữ khu phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân chung tay bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, phong trào “Mỗi người dân - Mỗi ngày một việc góp phần bảo vệ môi trường”.
Năm 2021, với cách làm linh hoạt, hiệu quả, Chi hội thành lập Tổ phụ nữ thu gom rác thải tái chế. Hội viên được hướng dẫn phân loại rác ngay tại nhà, đặc biệt là thu gom các loại rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy, lon bia… định kỳ mang đến điểm tập kết của Chi hội. Nhờ mô hình, Chi hội có quỹ để tặng quà và thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền tuy không lớn nhưng là tấm lòng và sự góp sức của hàng chục hội viên đã kịp thời được dùng để tặng quà Tết, hỗ trợ sách vở cho học sinh khó khăn, giúp đỡ hội viên khi đau ốm.
Điều đặc biệt là từ mô hình này, nhiều gia đình đã thay đổi thói quen sinh hoạt, chủ động phân loại và giảm thiểu rác thải, góp phần làm cho khu phố sạch đẹp, văn minh hơn. Mô hình “Biến rác thành tiền” không chỉ là một cách làm hay trong xây dựng “Chi hội 5 không, 3 sạch”, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm cộng đồng, sự sẻ chia của phụ nữ trong đời sống hiện đại - nơi mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội.
Dấu ấn nữ tiên phong
Bên cạnh những tập thể tiêu biểu, nhiều cá nhân phụ nữ trong tỉnh cũng đang nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình là những nữ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, hội viên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Bắc Ninh thời kỳ mới: Năng động, sáng tạo và trách nhiệm với cộng đồng.
![]() |
Phụ nữ Bắc Ninh ứng dụng hiệu quả men vi sinh IMO vào trồng trọt và chăn nuôi. |
Điển hình như chị Bùi Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất con giống Sơn Mai (xã Đại Lai), chủ trang trại nuôi gà bằng cám thảo dược. Mỗi năm Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng vạn con gà thảo dược Đông Tảo giống cho người nuôi và gà thảo dược Đông Tảo lai thương phẩm; doanh thu từ 6-7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 500 - 600 triệu đồng/năm. Xuất phát từ ý tưởng làm phân bón từ rác hữu cơ nông nghiệp xử lý bằng vi sinh bản địa IMO tự làm, thay thế cho đầu tư mua phân bón hóa học trong trồng 10 ha lúa của chị Đàm Thị Tuyến (xã Gia Bình); chênh lệch lợi nhuận của 2 vụ lúa đạt hơn 350 triệu đồng...
Bên cạnh những tập thể tiêu biểu, nhiều cá nhân phụ nữ trong tỉnh cũng đang nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình là những nữ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, hội viên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. |
Các dự án thuộc lĩnh vực hợp tác xã và doanh nghiệp cũng có bước đột phá, đổi mới sáng tạo theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Điển hình là dự án nuôi trồng nấm có giá trị dinh dưỡng cao của Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Minh Ngọc, do chị Lương Thị Kim Ngọc (xã Đông Cứu) làm Giám đốc. Với số vốn vay 300 triệu đồng, qua gần 5 năm hoạt động, Hợp tác xã thu được mức lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng (bình quân 330 triệu đồng/năm).
Hiện tại, Hợp tác xã tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ địa phương. Có thể thấy, trên khắp địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu, năng động, sáng tạo, góp phần làm nên diện mạo tươi mới, giàu sức sống cho phong trào phụ nữ. Từ nông thôn đến thành thị, từ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đến gìn giữ bản sắc văn hóa, hỗ trợ khởi nghiệp… đâu đâu cũng thấy dấu ấn của phụ nữ.
Các chị không chỉ tỏa sáng trong những phong trào thi đua yêu nước, mà còn hiện diện sống động trong đời thường, nơi mỗi sáng kiến đều chứa đựng tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực chính là minh chứng sinh động cho bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Họ - những tập thể, cá nhân phụ nữ tiên tiến hôm nay - không chỉ là niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh, mà còn là điểm sáng truyền cảm hứng, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, sẵn sàng đồng hành cùng quê hương trong giai đoạn phát triển mới, đoàn kết hơn và bền vững hơn.
Ý kiến bạn đọc (0)