Phản biện Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040
Quang cảnh hội thảo. |
Thuyết minh "Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040" do UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư; Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) là đơn vị tư vấn. Thuyết minh gồm 6 chương, nêu hiện trạng phát triển vùng huyện, tiền đề, định hướng quy hoạch phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật…
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, các thế mạnh kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững giữa đô thị và nông thôn: đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới phục vụ chương trình mục tiêu nông thôn mới quốc gia và các kế hoạch phát triển nông thôn toàn tỉnh.
Tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn trong huyện. Cung cấp thông tin, cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư trên địa bàn huyện.
Tiến sĩ Ngô Trung Hải phát biểu tại hội thảo. |
Sau khi nghiên cứu báo cáo thuyết minh, các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận bản quy hoạch đánh giá tương đối đầy đủ điều kiện tự nhiên, KT-XH của huyện. Tuy nhiên, quy hoạch sau khi chia tách điều kiện cơ sở hạ tầng còn thô sơ. Để tạo động lực phát triển cho địa phương cần quy hoạch hợp lý hơn, trong đó mở rộng khu vực trung tâm từ xã Phì Điền đến xã Đèo Gia.
Phát triển các trục giao thông chưa hợp lý, đặc biệt trục quốc lộ 279 đi qua Trường bắn Quốc gia khu vực 1 không nên làm trục chính vì liên quan đến quốc phòng. Đưa quốc lộ 31 là trục kết nối trọng tâm liên vùng.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến trục tỉnh lộ 248 kết nối với cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn để có thể vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá trực tiếp qua đây. Đó là những thế mạnh rất thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng.
Việc đặt khu, cụm công nghiệp và chợ đầu mối tại vùng trung tâm là không hợp lý, chưa phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Trong bảo tồn, phát triển văn hoá, du lịch cần chú trọng du lịch sinh thái, du lịch thám hiểm, mạo hiểm.
Theo Tiến sĩ Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, huyện Lục Ngạn có lợi thế rất lớn trong phát triển đô thị nông nghiệp với không gian lớn, đẹp, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp với sản phẩm đặc trưng là vải thiều nổi tiếng thế giới.
Từ thương hiệu vải thiều có thể tạo điểm đến của khách du lịch thế giới, từ đó đẩy mạnh phát triển chế biến nông sản, sản phẩm đặc trưng, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhiều sản phẩm cùng phát triển và đây cũng là xu hướng trên thế giới hiện nay.
Tiến sĩ Ngô Trung Hải khẳng định, với nhiều lợi thế đó, huyện Lục Ngạn không thể là huyện nghèo được. Cần tập trung đưa ra các giải pháp, xây dựng các mô hình kinh tế, xin cơ chế riêng để phát triển. Trong đó huyện tập trung “phát triển kinh tế xanh” với lợi thế hồ Cấm Sơn và hồ Khuôn Thần, vừa bảo tồn sinh thái vừa gắn với du lịch.
Kỹ sư Ngô Quang Tuyên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang nhấn mạnh, Quy hoạch vẫn chưa đánh giá tổng quan về lợi thế, tiềm năng, chưa khái quát được những bất lợi của huyện sau chia tách nhất là về hạ tầng.
Một số ý kiến khác cho rằng định hướng các trục phát triển cần điều chỉnh lại. Vấn đề phát triển kinh tế cần gắn với quốc phòng, an ninh. Quan tâm hơn đến bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn.
Nhà máy phân bón không nên triển khai vì đây là vùng trồng cây ăn quả, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chú trọng giải pháp mới, đột phá, cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực đầu tư…
Sau khi lắng nghe ý kiến các thành viên, ông Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề nghị đơn vị chủ trì giải trình, tiếp thu các ý kiến; đồng thời sớm chỉnh sửa hoàn thiện thuyết minh quy hoạch để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Tin, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)