Phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, phấn đấu xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành đô thị loại IV
Kính thưa các đồng chí;
Thưa toàn thể Nhân dân!
Hôm nay, chúng ta vui mừng có mặt tại đây dự lễ công bố, đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; Bằng công nhận Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. |
Về dự buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hiệp Hòa lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
Kính thưa các vị đại biểu;
Thưa toàn thể nhân dân!
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATK II của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), giáp ranh với các huyện: Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với vùng trung du và đồng bằng, cửa ngõ quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc với các cơ sở và phong trào cách mạng ở miền xuôi. Như vậy, ATK II không những là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý mà nơi đây còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với một thế trận lòng dân vô cùng vững chắc. Nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, gắn với mỗi gia đình, người dân trong vùng di tích ATK II Hiệp Hòa.
Năm 1994, Nhà nước đã xếp hạng quốc gia đối với 8 di tích ATK II. Mỗi di tích đều gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước chuyển trong quá trình chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Dẫu đã trải qua nhiều năm tháng, song ký ức hào hùng về các sự kiện cách mạng diễn ra tại các di tích ATK II; địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Cải cách ruộng đất đợt II tại Soi Vải, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm và rất nhiều địa danh khác của huyện Hiệp Hòa vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, cội nguồn lịch sử cách mạng này luôn được bảo tồn, phát huy giá trị để di tích Quốc gia đặc biệt ATK II trở thành biểu tượng của truyền thống văn hiến, truyền thống cách mạng anh hùng. Mãi được bồi đắp bởi lớp lớp các thế hệ nhân dân huyện Hiệp Hòa, để mỗi người con quê hương Hiệp Hòa nói riêng và Bắc Giang nói chung luôn tự hào, gắn bó với Đảng, với cách mạng.
![]() |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa. |
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể nhân dân!
Xã Xuân Cẩm là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong cải cách ruộng đất thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm được Đảng, Chính phủ chọn mở trường tập huấn cho hơn 200 cán bộ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên về đây học tập từ tháng 10/1954 đến tháng 01/1955. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng như: Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng… đã về thăm nói chuyện với trường tập huấn. Đặc biệt, ngày 08/02/1955, vinh dự cho hội nghị và quê hương Hiệp Hòa, Bác Hồ Kính yêu của chúng ta với tình cảm và trách nhiệm cao nhất đã về dự Hội nghị. Tại đây, Người nói chuyện thân mật tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 tại thôn Cẩm Xuyên; Người làm việc với Ban cán sự Đoàn uỷ Đoàn cải cách đóng tại đình Cẩm Xuyên; động viên, thăm nơi ăn chốn ở của anh chị em cán bộ Đoàn cải cách ruộng đất và thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên xã Xuân Cẩm.
Để ghi nhớ sự kiện này, đồng thời phát huy giá trị to lớn của di tích, giúp cho nhân dânh, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về tình cảm của Bác dành cho mảnh đất, con người Bắc Giang nói chung, huyện Hiệp Hòa nói riêng, năm 2019, UBND huyện Hiệp Hòa đã hoàn thành dự án tôn tạo địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm. Với những giá trị nêu trên, địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể Nhân dân!
Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong đó xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, thu nhập của khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn. Các chương trình, đề án, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hiệp Hòa là huyện có xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa đã đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng tự hào. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19, song với sự tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Hiệp Hòa đã thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Tổng giá trị sản xuất đạt gần 12 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng 13,7%. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới được hưởng ứng với khí thế mạnh mẽ, sôi nổi.
Đến hết năm 2021, toàn huyện có 24/24 xã đạt chuẩn NTM; 03 xã NTM nâng cao, 22 thôn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện và nâng cao, đã đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả tỉnh trong chương trình xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội... Với những kết quả và thành tích đạt được, ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM.
Hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hiệp Hòa long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; Bằng công nhận Di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua.
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể Nhân dân!
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp các điểm Di tích đặc biệt ATK II, Di tích Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng cũng như những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hiệp Hòa tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là: Cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị văn minh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “cán bộ là gốc của mọi công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ đức, đủ tài ngang tầm nhiệm vụ mới”; tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời kỳ đổi mới.
Ba là: Lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ GPMB các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ. Xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp với thực tiễn của huyện trong thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050; triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới; huy động nguồn lực đầu tư các dự án trong chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, phấn đấu huyện Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV vào năm 2025. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng NTM nâng cao. Tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là: Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa- xã hội; ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập, các trạm y tế cấp xã; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và nâng cao toàn diện đời sống của Nhân dân. Đồng thời cấp ủy, chính quyền huyện nhà cần xây dựng kế hoạch cụ thể, dành nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp các di tích ATK II đặc biệt, di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn với phát triển du lịch về nguồn;
Với truyền thống văn hiến cách mạng, anh hùng, với những thành tựu đạt được trong những năm qua, tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa sẽ tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển, phấn đấu xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành đô thị loại IV vào năm 2025, xứng đáng là trung tâm và động lực phát triển phía Tây của tỉnh Bắc Giang.
Tôi xin chúc tỉnh Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa đạt nhiều thắng lợi mới, chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí, Nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cảm ơn!
Ý kiến bạn đọc (0)