Thực hiện dự án khoa học công nghệ gắn với sản phẩm chủ lực của từng địa phương
![]() |
Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bắc Giang điều hành thảo luận tại hội nghị. |
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính; Phó Vụ trưởng Hội đồng dân tộc Quốc hội Triệu Văn Bình; Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Cao Thịnh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Thái Bình, Gia Lai, Đồng Tháp, Lạng Sơn; đại diện lãnh đạo 55 Sở KH&CN của các tỉnh trong toàn quốc; các nhà khoa học, cơ quan chuyển giao hỗ trợ ứng dụng công nghệ các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi.
Về phía tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương dự và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, TP.
Báo cáo của Bộ KH&CN nêu rõ, ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình, toàn quốc có 400 dự án được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng. Các tỉnh đã xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vượt kế hoạch đề ra.
Thông qua thực hiện dự án có hơn 78 nghìn lượt nông dân được tập huấn, chuyển giao tiến bộ KH&CN, đạt 98,3% so với kế hoạch. Công nghệ chuyển giao tập trung vào các nội dung chính: Công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm; công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm; sơ chế nông, lâm thủy sản, dược liệu cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; xử lý môi trường; phòng trừ dịch bệnh; công nghệ, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái...
Giai đoạn này, các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn với kỳ vọng tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hầu hết các dự án ứng dụng KH&CN đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị chủ trì, đồng thời mang lại hiệu quả xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn miền núi, từng bước góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh triển khai 11 dự án KH&CN với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng. Các dự án đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, đào tạo tập huấn cho người dân.
Trong đó có nhiều dự án hiệu quả như: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng” do Công ty TNHH Sinh vật cảnh Hoàng Linh chủ trì thực hiện. Trước khi có dự án, người dân chỉ canh tác rau theo mùa vụ, manh mún. Sau khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng 180-220%. Dự án mang lại lợi nhuận cho Công ty khoảng 350 triệu/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, thu nhập từ 9 -15 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định, những năm qua KHCN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,5%, vượt mục tiêu đề ra và luôn nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện theo hướng bền vững trên cơ sở thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi dần được cải thiện, sung túc hơn.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh xác định phát triển công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là trụ đỡ vì vậy mong muốn thời gian tới Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực hiện hiệu quả các dự án để nhân rộng trong thực tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, một số quy định về quản lý dự án chưa được chi tiết dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp vướng mắc về quản lý kinh phí. Hằng năm, nhu cầu đề xuất thực hiện dự án của các địa phương khoảng 154 dự án/năm nhưng do T.Ư bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN T.Ư còn hạn chế nên chỉ phê duyệt thực hiện 80 dự án/năm. Thời gian cấp kinh phí chậm.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Việc lực chọn tổ chức chủ trì dự án ở một số địa phương mới chỉ chú trọng đến năng lực tài chính vì thế khi thực hiện, đơn vị chủ trì gặp khó khăn như không có mặt bằng sản xuất, không đưa được điện vào vận hành dây chuyền sản xuất, khả năng ứng dụng công nghệ còn chậm… dẫn đến chậm tiến độ dự án, thậm chí có dự án phải dừng lại. 5 năm qua, toàn quốc có 21 dự án dừng thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là do không bố trí được mặt bằng để xây dựng mô hình.
Quá trình tổ chức triển khai các dự án, một số Sở KH&CN chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Là đơn vị tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc Chương trình nông thôn, miền núi, tôi thấy việc nắm bắt tiến bộ kỹ thuật của người dân khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số còn hạn chế. Để bà con có thể tiếp thu ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi đòi hỏi phải có thời gian dài vì vậy đề nghị Bộ KH&CN xem xét điều chỉnh tăng kinh phí cho công tác tập huấn, bảo đảm các nội dung của mô hình, giúp người dân dễ tiếp thu, ứng dụng trong thực tế” - ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì đề xuất.
![]() |
Các đại biểu thăm quan một số gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh Bắc Giang tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang khẳng định: Chương trình nông thôn miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện giai đoạn 2016-2025, đến nay đã thực hiện nửa thời gian, nội dung cơ bản đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Tuy nhiên, khối lượng công việc cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2025 còn rất lớn. Đề nghị Sở KH&CN các tỉnh bám sát mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương 2020-2025, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện các dự án phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương.
![]() |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu kết luận hội nghị. |
Vụ Phát triển KH&CN địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN rà soát, tham mưu cho Bộ bổ sung, chỉnh sửa các quy định để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sản phẩm do Chương trình đặt ra.
Đối với các tổ chức chủ trì dự án, các tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ cần phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để triển khai thành công các dự án. Đồng thời có kế hoạch nhân rộng mô hình sau khi kết thúc.
Minh -Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)