Vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại: Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm
Vi phạm nghiêm trọng
Theo ngành chức năng, CTNH là các chất ở thể rắn, lỏng dễ nổ, dễ cháy, bị ăn mòn, có độc tính, lây nhiễm bệnh tật cho cộng đồng như: Pin điện thoại, bóng đèn điện hỏng, giẻ lau dầu máy móc, rác thải y tế, vỏ thùng phuy, can nhựa chứa xăng, dầu…
Theo quy định, doanh nghiệp (DN), cá nhân để phát sinh chất thải trên cần ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị được cấp phép vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên gần đây vì lợi nhuận kinh tế bất hợp pháp, nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên chuyển giao, vận chuyển, xử lý loại chất thải này trong khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.
![]() |
Chất thải nguy hại tập kết tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam) để xử lý trái phép. |
Các đối tượng này sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu trò như tranh thủ ngày nghỉ, ban đêm, khu vực ít người qua lại, rừng núi hẻo lánh thực hiện hành vi tiếp nhận, chuyển giao, xử lý CTNH. Thậm chí có trường hợp còn móc nối với người nước ngoài để xử lý chất thải trái phép.
Đầu tháng 1/2021, Công an tỉnh phối hợp Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra, phát hiện tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam) có cơ sở đang đốt CTNH gồm bản mạch, vi mạch, IC điện tử… đã qua sử dụng để tách lấy hỗn hợp kim loại chủ yếu là đồng.
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cho biết, tại thời điểm kiểm tra chất thải dạng linh kiện điện tử được tập kết gần khu vực lò đốt và trên xe ô tô BKS 98C-214.30 với số lượng 71,59 tấn. Chủ cơ sở là ông Hoàng Văn Hiệu, trú tại tỉnh Hưng Yên.
Trong số này có 37,091 tấn là CTNH. Số chất thải trên được ông Hiệu mua trôi nổi và thuê xe ô tô vận chuyển từ một người ở tỉnh Hưng Yên đưa về cơ sở tại xã Lục Sơn đốt. Ông Hiệu không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xử lý loại chất thải này. Ngày 8/2/2021 Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định phạt ông Hiệu 425 triệu đồng, buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm, hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý đối với toàn bộ số chất thải trên.
Trước đó, Công an tỉnh phát hiện tại Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Trung Kiên, thôn Vinh Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), bà Diệp Thị Hằng, xã Tân Lập (Lục Ngạn) chuyển giao hơn 5,9 tấn CTNH cho cá nhân không có giấy phép xử lý là ông Nguyễn Ngọc Liêm ở tỉnh Hưng Yên để vận chuyển trên xe ô tô BKS 89C-106.57.
CTNH gồm pin thải điện thoại, máy tính bảng các loại. Cấp có thẩm quyền xử phạt bà Hằng 235 triệu đồng, ông Kiên 225 triệu đồng. Không chỉ vi phạm về chất thải rắn nguy hại, tháng 1 vừa qua, Công ty TNHH TL Trung Việt, Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên) bị phạt 140 triệu đồng do vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo đề án BVMT chi tiết đã được phê duyệt dẫn đến các chất khí độc hại thải ra từ lò hơi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Phát hiện sớm, xử lý nghiêm
Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải CTNH. Từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh phát hiện khoảng 10 DN, cá nhân vi phạm về vận chuyển, xử lý CTNH với lỗi phổ biến như: Tự ý chuyển giao CTNH cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép; tự lắp lò đốt, không bố trí kho chứa theo quy định… Cấp có thẩm quyền đã xử phạt tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Nguyên nhân trước hết là do một số DN vì lợi nhuận bất chính đã phớt lờ các quy định về BVMT. Nhiều tổ chức, các nhân có CTNH phát sinh không ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý và bố trí kinh phí thỏa đáng cho hoạt động này. Ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương có thời điểm chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi sai phạm. Công tác hậu kiểm sau thanh tra chưa được siết chặt.
Ví như trường hợp vi phạm tại xã Lục Sơn (Lục Nam). Ông Hiệu xây dựng lò đốt từ tháng 7/2020, tháng 11 cùng năm đưa vào hoạt động thử nghiệm nhưng đến đầu tháng 1 năm nay mới bị ngăn chặn, xử lý. Khu vực xử lý chất thải trái phép này do ông Hiệu thuê của một cá nhân lấn chiếm đất của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn biện minh, lò đốt CTNH được xây dựng trên đất đã giao cho DN quản lý thì DN phải chịu trách nhiệm. Nói như vậy chưa thỏa đáng vì theo quy định của pháp luật, quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn có trách nhiệm của UBND cấp xã. Cùng đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lục Nam cũng liên đới trong công tác quản lý đất đai, môi trường.
Trước thực trạng vi phạm trong vận chuyển, quản lý, xử lý CTNH có chiều hướng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng các cấp chính quyền, nhất là cấp xã cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Phòng TN&MT, công an cấp huyện, xã tăng cường kiểm tra, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm sai phạm trong công tác quản lý, chuyển giao, vận chuyển và xử lý CTNH trên địa bàn, không để tái phạm, tạo tiền lệ xấu. Sở TN&MT, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh ngoài kiểm tra định kỳ cần tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động quản lý, vận chuyển CTNH.
Để ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, ngày 29/1 Công an tỉnh có công văn yêu cầu tăng cường công tác BVMT, quản lý chất thải rắn. Theo đó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các phòng chức năng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Công an các huyện, TP chủ động nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác BVMT, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền cơ sở xử lý chất thải trái phép. Giám đốc Công an tỉnh quy trách nhiệm cho trưởng công an cấp huyện, đội trưởng đội cảnh sát kinh tế, trưởng công an cấp xã nếu để xảy ra hoạt động xử lý chất thải trái phép mà không phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời.
Còn theo ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, tới đây Sở tập trung rà soát cơ sở phát sinh CTNH có khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm để theo dõi, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, buộc DN phát sinh nguồn thải ký hợp đồng đầy đủ với đơn vị có chức năng.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)