Bắc Ninh: Tạo việc làm, tăng thu nhập từ vốn ưu đãi
BẮC NINH - Một trong những khó khăn lớn của các hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh hiện nay là thiếu vốn để duy trì hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Nhằm tháo gỡ nút thắt này, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai giải ngân nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ gia đình, cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm điều kiện mở rộng hoạt động, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Tăng nguồn thu từ vốn ưu đãi
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn vay đúng đối tượng, đúng quy định. Nguồn vốn này đến từ Quỹ quốc gia về việc làm và ngân sách địa phương được bố trí hằng năm. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng đối với người lao động cá nhân và 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; thời hạn vay lên đến 120 tháng với lãi suất ưu đãi 7,92%/năm (tương đương mức vay dành cho hộ cận nghèo).
![]() |
Chị Vi Thị Mạnh (bên phải), dân tộc Nùng, xã Biển Động được hỗ trợ vay vốn xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. |
Theo đồng chí Đỗ Văn Hiện, Quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến tháng 7/2025, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên toàn tỉnh đạt 3.850 tỷ đồng cho hơn 55,5 nghìn khách hàng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình đã phát triển sản xuất hiệu quả, tăng thêm thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tính đến tháng 7/2025, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên toàn tỉnh đạt 3.850 tỷ đồng cho hơn 55,5 nghìn khách hàng. |
Điển hình là anh Đàm Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Đàm Gia (xã Sơn Động), người từng làm thuê nhiều nơi nhưng gặp khó khăn vì thiếu vốn. Cuối năm 2020, anh quyết định khởi nghiệp tại quê nhà và được vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn Động. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, Công ty anh đã mở rộng sản xuất, xây dựng 3 cơ sở với hơn 100 lao động, chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thu nhập ổn định 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Năm trước, ông Nguyễn Văn Nam, thành viên của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể (xã Nam Dương) được vay 80 triệu đồng để mở rộng quy mô. Hiện tại, gia đình ông vận hành dây chuyền sản xuất mỳ gạo, tạo việc làm cho 7 lao động, mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 6 tấn mỳ, lãi ròng gần 40 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào các mô hình khởi nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm làng nghề. Nhiều khách hàng đã vươn lên xây dựng được thương hiệu sản phẩm, có chỗ đứng trên thị trường như: Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Minh Phương, phường Cảnh Thụy với sản phẩm “Gạo thơm Yên Dũng” được chứng nhận OCOP 3 sao đang liên kết với người dân sản xuất trên 8 nghìn ha gạo chất lượng. Hay như Hợp tác xã Thảo Mộc Linh (xã Tây Yên Tử) sản xuất nấm lim, rượu men lá, măng mai khô… Các hợp tác xã này đều mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 8-10 lao động với mức lương từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Giải ngân nhanh, đúng đối tượng
Xác định chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các phòng giao dịch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm giải ngân nhanh, đúng đối tượng. Hiện toàn tỉnh có 18 đơn vị cấp phòng giao dịch, 5.116 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả. Trong đó, Bắc Ninh cũ có 8 phòng giao dịch với 2.012 tổ, Bắc Giang (cũ) có 10 phòng với 3.104 tổ tiết kiệm và vay vốn.
![]() |
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Sơn Động giải ngân vốn vay cho người dân. |
Quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có cách làm hiệu quả thông qua các hội, đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân với đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố trách nhiệm đã nhận ủy thác, làm “cầu nối” đưa vốn đến tay người có nhu cầu. Theo đồng chí Đỗ Văn Hiện, Quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hiện toàn tỉnh có 18 phòng giao dịch và 5.116 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả. Cụ thể, Chi nhánh Bắc Ninh (trước khi sáp nhập) có 8 phòng giao dịch với 2.012 tổ tiết kiệm và vay vốn; Chi nhánh Bắc Giang có 10 phòng giao dịch, quản lý 3.104 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn Động, sau khi nhận đăng ký nhu cầu từ xã, cán bộ ngân hàng về tận nơi để thẩm định kỹ lưỡng từng dự án. Chỉ những người lao động có kế hoạch kinh doanh khả thi, có thể tạo thêm việc làm cho người khác mới được giải ngân. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn kết hợp giải ngân vốn với việc đào tạo, tập huấn khởi nghiệp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăm sóc cây trồng vật nuôi... giúp người dân nâng cao năng lực và hiệu quả sử dụng vốn vay.
Là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả, đến nay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Tiên Du đang quản lý dư nợ 258 tỷ đồng với 3.703 khách hàng còn dư nợ. Hoạt động cho vay vốn được triển khai đồng bộ với việc tư vấn, hướng dẫn người dân kỹ năng quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố thường xuyên theo dõi, nhắc nhở người vay thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc đúng hạn, đồng thời phối hợp thu hồi các khoản vay đến kỳ hạn định kỳ. Qua kiểm tra thực tế, phần lớn khách hàng đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều địa phương không phát sinh nợ quá hạn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và tạo niềm tin vững chắc trong cộng đồng.
Dù chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, song nguồn vốn hiện tại vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng sau dịch bệnh, mong muốn được vay thêm để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, tạo việc làm lâu dài. Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn, đồng thời kiểm soát chặt dư nợ, thu hồi vốn đúng hạn để quay vòng vốn hiệu quả. Cùng với đó, ngân hàng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng đề án bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội để triển khai Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030”.
Theo hướng dẫn hiện hành, thời gian thẩm định và giải quyết hồ sơ vay là 10 ngày làm việc. Trong thời gian tới, Chi nhánh cùng các phòng giao dịch sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nỗ lực rút ngắn quy trình thẩm định, kiểm duyệt hồ sơ giải ngân, giúp người dân sớm tiếp cận vốn, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc (0)