Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Hướng đi thực tế của nhiều học sinh
Học văn hóa kết hợp học nghề
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026, tỉnh Bắc Ninh có gần 48 nghìn thí sinh dự thi, trong đó đã có hơn 30,7 nghìn em trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Số học sinh còn lại sẽ là nguồn tuyển cho chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp học nghề hệ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang là hướng đi được nhiều học sinh lựa chọn. Ngay sau khi có điểm chuẩn vào lớp 10 trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông đã có nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Hiện số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt chỉ tiêu giao.
![]() |
Giờ học thực hành tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hiệp Hòa. |
Năm học 2025-2026, Trường Cao đẳng công nghệ Việt Hàn Bắc Giang tuyển 1,2 nghìn chỉ tiêu lớp 10 chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường đã tuyển được 1.103 chỉ tiêu trúng tuyển theo nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Thời điểm này, nhà trường đang tiếp tục tuyển đủ số chỉ tiêu còn lại (gần 100 em) theo thứ tự ưu tiên thí sinh có tổng điểm 3 môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10) từ cao xuống thấp và nộp hồ sơ xét tuyển tại đây.
Nhờ làm tốt công tác phân luồng, cùng với việc phụ huynh, học sinh quan tâm hơn đến lợi ích thiết thực từ việc vừa học văn hóa, vừa học nghề. Ông Đỗ Đức Trị, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Yên Phong cho biết: “Đến nay, trung tâm đã tuyển đủ 312 chỉ tiêu ở 7 lớp. Nguồn tuyển dồi dào là điều kiện để Trung tâm ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học. Chương trình đào tạo dành nhiều cho thực hành, thực tập chủ yếu ở các doanh nghiệp nên học sinh đáp ứng tốt các tiêu chí kỹ năng nghề, làm việc nhóm. Nhiều năm học liên tục, chất lượng đào tạo các môn văn hóa của trung tâm được xếp cao nhất khối giáo dục thường xuyên, cao hơn các trường trung học phổ thông ngoài công lập và cao hơn 4 trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũ”.
Theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, các em được học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục tăng. Năm 2025, dự báo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 243 nghìn lao động. Khi học chương trình giáo dục thường xuyên, sau 3 năm hoàn thành, các em vừa được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông như học sinh ở các trường trung học phổ thông vừa có bằng trung cấp nghề để có thể làm việc tại các khu, cụm công nghiệp hoặc tiếp tục thi đại học. Trong quá trình học tập, học sinh còn được hỗ trợ kinh phí. Gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều trung tâm đưa vào sử dụng một số tòa nhà mới khang trang, hiện đại, với nhiều thiết bị phục vụ việc dạy văn hóa và dạy nghề. Học sinh có thể lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp với lực học của bản thân, tài chính của gia đình, khoảng cách địa lí cũng như định hướng nghề nghiệp sau này.
Nâng chất lượng đào tạo
Trước nhu cầu tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn, vừa học văn hóa vừa học nghề không còn là “lựa chọn thứ yếu” mà đang trở thành hướng đi thực tế của nhiều học sinh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tuyển sinh ngành mới để đón đầu nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt ở các lĩnh vực như: Công nghệ bán dẫn, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, kỹ thuật cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện tử để thu hút học sinh. Chủ động mở ngành nghề mới, nâng cao chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra là yếu tố then chốt giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn với người học.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như trang bị cho người học kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu công việc, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục xây dựng chương trình sát thực tế và thị trường lao động. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn".
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
|
Em Vũ Quang Huy làm thủ tục nhập học vào lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hiệp Hòa cho biết: “Em thấy hiện nay các doanh nghiệp quan tâm nhiều tới tay nghề, trình độ thực tế nên đăng ký vừa học văn hóa, vừa học trung cấp điện công nghiệp cho phù hợp với năng lực bản thân. Em chú trọng kỹ năng thực hành để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang quan tâm tìm kiếm nguồn nhân lực có tay nghề, không phải đào tạo lại”.
Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương bảo đảm. Theo rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 90%. Nhiều ngành nghề được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ ô tô, tự động hóa. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động ở một số ngành nghề liên quan đến công nghệ vi mạch, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”, ngành Giáo dục và đào tạo phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục cho biết: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như trang bị cho người học kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu công việc, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục xây dựng chương trình sát thực tế và thị trường lao động. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề cần phải được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, chủ động liên kết với doanh nghiệp để đưa các em đi thực tập nhằm trang bị kỹ năng nghề phù hợp, giúp học sinh tiếp cận trang thiết bị, vận hành máy móc, rèn nguyên tắc, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
Ý kiến bạn đọc (0)