Đường về quê ngoại
1. Chị từ hiệu thuốc trở về nhà, bước vào bếp thấy con bé Nhi đang hì hục với khay bột lớn. Nó loay hoay vừa xem video hướng dẫn cách làm, bàn tay vừa nhào bột và vê viên bánh. Trước lúc rời khỏi nhà chị đã chuẩn bị sẵn bột nếp, đỗ xanh đã xát vỏ, va ni, bột sắn dây, ít đường và mấy thìa vừng. Thấy con gái háo hức muốn tập làm bánh trôi, chị cũng ủng hộ ngay nên để sẵn nguyên liệu trong bếp cho con làm.
![]() |
Minh họa: AI. |
- Mẹ xem, con đã thành công rồi đây này!
Con bé cười hí hửng. Nó vui vẻ khoe với chị hai đĩa bánh nhỏ xinh vừa mới hoàn thành. Chị ngắm nhìn những chiếc bánh trôi tròn xinh, mềm dẻo, trắng ngà mà con gái khoe, lòng lại nao nao nhớ về quê ngoại. Từ nhà ngoại chị lên Đền Hùng chỉ cách vài chục km. Ngày giỗ Tổ năm nào anh chị cũng dành thời gian đưa các con cùng về. Nhắc đến ngày giỗ Tổ, con Nhi mấy bữa trước đã mè nheo, đòi mẹ cho tiền để mua nguyên liệu làm bánh. Nó bảo năm nay sẽ xắn tay vào làm cùng bà và các dì chứ không chỉ ngồi chờ xem mọi người làm và canh bánh chín như mọi năm. Giọng con bé đáo để: “Lớn rồi, phải suy nghĩ như người lớn chứ mẹ nhỉ”. Chị nhìn cô con gái phổng phao, đã ra dáng thiếu nữ chững chạc hẳn lên. Nó lớn thật rồi. Ừ, thì năm nay nó đang học lớp 9 còn gì. Thế là chị về làm dâu xứ này cũng đã 15 năm.
Chị quê ở Phú Thọ, gặp gỡ và nên duyên cùng anh giống như mọi chuyện được sắp đặt an bài. Anh bảo, đó là duyên tiền định. Độ ấy anh là sinh viên trọ ở ngay nhà chị. Nhà chị đất rộng lại ở khá gần trường cao đẳng nghề nên đầu tư xây hai dãy trọ, gồm 8 phòng. Ngoài sinh viên có cả công nhân và những người lao động tự do. Một vài cặp vợ chồng trục trặc, ly thân, thuê ra ở riêng để có thời gian suy nghĩ chín chắn hơn. Có cặp làm lành, có cặp sau thời gian ở trọ thì dẫn nhau ra tòa ly dị. Buồn vui của dãy trọ, người nọ tâm sự người kia, hàng xóm liền kề hiểu rõ hoàn cảnh của nhau rồi đồng cảm, động viên. Nhà chủ và những người thuê trọ lâu ngày cũng coi nhau như chỗ thân tình và cởi mở, quan tâm đến nhau hơn trong cuộc sống.
Bữa ấy, đêm mưa nhẹ, mọi người đang trong giấc nồng sau một ngày lao động mệt mỏi thì chợt nghe có tiếng kêu thất thanh. “Trộm. Bắt lấy nó. Đừng để cho nó thoát. Bớ làng nước ơi. Trộm!”. Tiếng kêu to, tiếng bước chân huỳnh huỵch đuổi theo khiến cả xóm choàng tỉnh. Mọi người nhốn nháo bật sáng chưng đèn, bước ra cửa ngó nghiêng. Nhà ai mất trộm? Nó ở đâu. Nó chạy đâu rồi? Người nọ hỏi người kia. Anh chàng Thiêm nghe tiếng hô hoán liền phi ngay ra theo bóng đen sau khi nhìn thấy bóng nó nấp sau bụi tre đầy gai góc phía cuối dãy trọ. Nó chạy phía này. Đuổi theo. Vừa đuổi vừa hô hào, đến sát nơi Thiêm túm được tay nó, hai bên vật lộn.
Thật không may, Thiêm dẫm phải cái gai, chân tập tễnh rất khó chịu. Lừa lúc Thiêm sơ ý, tên trộm rút côn ra phang tới tấp. Mấy phát đầu, Thiêm tránh được, sau bị trúng đòn, vết thương sượt bả vai, vào cạnh sườn đau điếng. Nén đau, Thiêm tung chưởng, tên trộm bị văng mất cây côn. Thiêm đấm thẳng vào mặt nó. Tên trộm lảo đảo ngã gục. Vừa lúc mọi người kịp chạy đến bắt gọn. Lúc ấy, Thiêm và mọi người mới vỡ lẽ, tên trộm nhân lúc canh khuya, mọi người ngủ say đã lén quẳng miếng bả chó vào trong sân nhà chị.
Chú chó thường ngày lúc nào có người lạ cũng gầm gừ rồi sủa ăng ẳng báo chủ nay vì miếng mồi quên ngay nhiệm vụ, ngoạm lấy ngoạm để. Chừng vài phút sau, con vật tội nghiệp nằm lăn quay, co giật, sùi bọt mép. Tên đồng bọn nhanh tay cắt đứt xích, ôm gọn con chó ra xe. Tên còn lại thấy căn phòng ở gian ngoài nơi cửa sổ khép hờ, nổi lòng tham nấn ná tiến lại, định bụng thò tay chôm chỉa cái điện thoại đang sạc pin không ngờ va phải cánh cửa gây tiếng động. Bố chị choàng tỉnh, mắt nhắm mắt mở cuống cuồng đuổi trộm.
- Điện thoại của bác đây, cô cầm lấy đi.
Trong lúc bố chị đang thao thao kể chuyện và dẫn tên trộm về, chờ công an đến giải quyết, Thiêm rút cái điện thoại trong túi áo đưa cho chị. Chị đón lấy chiếc điện thoại trên tay anh sinh viên nhanh nhẹn, can đảm đã chẳng ngại ngần xông pha bắt trộm. Một thoáng niềm biết ơn ngân lên trong lòng. Chợt thấy từ phía sau, một dòng máu đỏ thẫm loang ra thấm áo.
- Ấy chết, anh bị chảy máu rồi kìa. Vì gia đình tôi mà anh bị nạn. Thật áy náy quá!
Chị hốt hoảng đưa anh về băng bó, rồi đưa lên bệnh viện kiểm tra. May mà chỉ bị rạn xương, anh xin phép thầy chủ nhiệm cho nghỉ vài buổi ở nhà để vết thương hồi phục. Mấy hôm đó, chị sốt sắng sang phòng trọ dọn dẹp, hôm nấu cháo ninh xương, hôm bưng bát canh rau sắn chua nấu cá, bữa đĩa rau sắn xào tỏi mang sang. Toàn những món ăn bình dị nhưng Thiêm thấy rất ấm áp từ đôi bàn tay khéo léo của cô gái đất Tổ. Vị bùi bùi, chua thanh của rau sắn, ngọt đậm đà của cá tươi. Thiêm ngon miệng, chẳng ngại ngần có chị ngồi đấy, ăn liền 3 bát đầy.
- Cô thế này tôi lại cứ muốn ăn vạ mãi thì chết!
Chị cười, không ngờ anh chàng dẻo miệng thế. Nhưng chị không muốn để trái tim mình xao xuyến trước anh chàng sinh viên quê tận mãi Bắc Giang. Học xong, ra trường anh ta sẽ về quê xin việc, ở lại gì nơi này. Chị rất ngại nếu phải đi làm dâu ở xứ người, xa nhà, xa bố mẹ. Đằng đẵng năm về thăm nhà được mấy bận? Nghĩ đến đấy thôi chị đã không chịu nổi. Từ nhỏ, chị chưa từng đi đâu xa ra khỏi mấy quả đồi.
2. Nhà con một, ông bố nghe tin Thiêm bị nạn thì khăn gói lên thăm. Thiêm vẫn nghe bố kể, ngày xưa ông từng đóng quân ở trên này. Thảo nào địa hình và phong tục người dân nơi đây ông thuộc nằm lòng. Lên thăm Thiêm, nhân thể ông cũng muốn thăm lại vài người đồng đội xưa.
- Ông ở lại đây vài ngày với cháu. Tôi sẽ đưa ông đi thăm thú vài nơi cho khuây khỏa?
Bố chị xởi lởi. Có khách quý dưới xuôi lên, muốn thêm bầu không khí thân tình, bố chị gọi điện vời ông bác rể đến tiếp rượu. Bác Tùng và bố anh vừa gặp nhau thoáng ngờ ngợ trong phút chốc rồi bỗng òa lên vui mừng khôn xiết. Đồng đội bao năm trời giờ mới gặp lại. Cái ôm chầm thật chặt, chén rượu khề khà kề môi ôn lại kỷ niệm trong quân ngũ thuở đôi mươi.
- Bài hát “Sông Lô chiều cuối năm”, thế mà thi thoảng Hội cựu chiến binh xã có dịp gặp mặt tôi vẫn hát đấy nhé!
Bố Thiêm cười sảng khoái.
- Ờ, ờ, bài đấy là bài tủ của ông rồi còn gì. Thế về dưới xuôi rồi ông lại mang theo nó đấy à? Không ngờ ông vẫn lưu luyến với dòng Lô đến thế!
Hai ông tỏ ra tâm đầu ý hợp trong từng câu chuyện. Cả nhà chị ngồi nghe mà như thể đón người thân từ xa mới về. Ấm cúng, gần gũi. Chuyện nhà Thiêm dưới xuôi qua lời kể của ông bố Thiêm khiến chị tò mò, thích thú. Cũng là miền Bắc cả, đâu mà chẳng là quê. Chẳng hiểu sao khoảng cách giữa vùng đất trung du và miền đồng bằng không còn là xa xôi nữa.
- Thế hôm nào Hân về thăm quê tôi một chuyến nhé. Xem hoa bưởi mùa xuân quê tôi có thơm và đẹp như bưởi ngoài bến sông kia không?
Ở vùng này, hoa bưởi bạt ngàn. Bưởi được trồng trong vườn nhà, bưởi ven sông, nơi bãi bồi và ở chân đồi. Bữa ấy là mùa xuân, lời tỏ tình của Thiêm cũng ngọt ngào và thoáng nhẹ bên tai như hương hoa bưởi trắng ngần ngoài bến sông thoảng vào. Chị chẳng còn cớ gì để mà không đón nhận.
3. Chị sốt ruột. Mai đã tròn một tuần rồi mà con bé Nhi vẫn bị cúm sốt không chịu hạ nhiệt, họng đau, những cơn ho khan như thắt ruột thắt gan kéo dài. Tình hình dịch cúm A năm nay với số người mắc gia tăng. Yếu tố môi trường góp phần không nhỏ vào sự bùng phát của dịch cúm. Đợt này tất bật khách ra khách vào mua thuốc, các loại thuốc ho, sốt, sổ mũi, vitamin tổng hợp, vitamin C, tinh dầu xông là đắt hàng hơn cả. Hết hàng rồi chị lại nhập mà vẫn cháy thuốc. Dịch cứ thế lan rộng. Biến đổi khí hậu, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan nhanh hơn.
Hơn nữa, ô nhiễm không khí làm cho tăng nguy cơ mắc cúm. Thật đáng lo ngại khi dịch cúm mùa này lây qua giọt bắn và các tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Chị biết, đông khách mua đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm cao. Quyết định đóng cửa hiệu thuốc, chị nghỉ ở nhà chăm sóc con bé cho nhanh khỏi để còn đi học, sách giáo khoa chương trình mới lượng kiến thức nhiều, bài tập cũng khó, mấy mà lại vào đợt ôn thi cuối học kỳ.
Thế rồi chính chị lại bị lây nhiễm từ bé Nhi. Cả nhà cũng bị cúm theo. Giờ ở nhà nghỉ, chị chỉ có bận bịu với việc cơm nước, bưng bê mâm đến tận phòng cho bố mẹ chồng, chăm sóc chồng và hai đứa con, đun nồi xông cho cả nhà, lấy thuốc cho người nọ, người kia, vắt nước cam, pha C sủi, giục con uống. Thế là hết ngày. Đôi lúc, chị còn quên mình là bệnh nhân, cũng cần được chăm sóc và nghỉ ngơi. Nhưng kệ, có khi nằm một chỗ lại thêm mệt thêm. Nói vậy chứ nếu chị không làm cũng chẳng còn ai. Hai đứa con cuối cấp, sức khỏe khá hơn chút chúng phải đến trường để học trở lại.
Nhiều lúc nhìn thấy chúng bù đầu với việc học hành, bài vở chị cũng thấy ái ngại. Ngày xưa theo học ngành dược, chị cũng đã vất vả như đánh vật với những tên thuốc, các loại thuốc và công dụng cùng bao nhiêu công thức hóa học. Độ ấy chị lại đang mang bầu bé Nhi, việc học và đi lại cũng khó khăn. May mà được bố mẹ chồng động viên ủng hộ. Thời gian chị theo học, lúc bé Nhi còn nhỏ được ông bà bế ẵm suốt nên giờ chị mới có cái nghề mang lại nguồn thu nhập khá ổn.
Chị gọi điện về ngoại hỏi thăm, giấu nhẹm chuyện cả nhà chị bị dịch cúm mùa. Vài hôm nữa, cố gắng rồi sẽ lại khỏe mạnh ngay thôi. Mẹ chị có tính hay lo nghĩ, rồi biết đâu nghe chuyện đâm ra trằn trọc thức trắng đêm cũng nên. Chị vui vẻ kể cho mẹ chuyện con Nhi đã biết làm bánh trôi, dạo này nữ công gia chánh đảm, hí hửng khoe chị đã mua được chiếc máy mát xa trị liệu để mấy hôm nữa giỗ Tổ sẽ mang về. Chả là mẹ chị bị đau mỏi vai gáy đã nửa năm nay. Mẹ bảo đã dành hẳn vạt rau sắn sau nhà để chờ chị về nấu canh chua, loại rau sắn nếp với những búp sắn non, to mập còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi. Trong nhà vại rau sắn muối chua vẫn luôn có sẵn. Chị nghe đã thấy hương vị thân thương của quê nhà chảy tràn trong niềm thương nhớ.
Thật may, nhà chị mọi người đã khỏe hẳn, hiệu thuốc của chị mở cửa trở lại. Dịch cũng đã vãn. Hòa cùng dòng người về Đền Hùng dâng hương bái Tổ, chị dắt tay con thả hồn trong những câu hát xoan với những giai điệu mộc mạc mà độc đáo lời ca. Trước mặt là núi Nghĩa Lĩnh, mẹ con chị leo lên từng bậc đá. Đi giữa những lùm cây sum sê bóng mát, nơi ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về, trong chị dâng lên niềm xúc động khi đang tìm về cội nguồn cha ông. Nơi xa kia, dòng Lô trong xanh hiền hòa được ướp trong không gian nồng nàn da diết của hương bưởi vẫn đang miệt mài với ngày tháng dần trôi.
Dưới chân đồi ấy, ở nhà, mẹ đang đợi chị về quây quần bên mâm cơm cúng cùng với món canh sắn chua và những đĩa bánh trôi thơm dẻo.
Ý kiến bạn đọc (0)