Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Cần quy định cụ thể để phát huy hiệu quả
Cô giáo Đỗ Thị Bích Liên, dạy môn Địa lý, Trường THPT Lục Nam cho biết, smartphone là công cụ thông minh có vai trò quan trọng trong quá trình học tập của học sinh. Ví như với các bài học về địa lý kinh tế, xã hội các tỉnh, thành phố hoặc quốc gia trên thế giới, khi có tivi, điện thoại kết nối internet hỗ trợ sẽ giúp các em bổ sung thêm thông tin bổ ích.
“Mới đây, sau khi giảng bài về kinh tế, xã hội của Hoa Kỳ (Bài 6, Địa lý lớp 11), tôi hướng dẫn các em tra cứu mở rộng thêm thông tin. Với chiếc điện thoại nhỏ trên tay, các em có nhiều thông tin, hình ảnh liên quan đến bài học” - cô Liên nói.
![]() |
Học sinh Trường THPT Lục Nam sử dụng điện thoại tra cứu thông tin sau bài học. |
Ở Trường THPT Lục Nam, đa số học sinh có điện thoại di động. Do đó, nội dung về Thông tư 32 được phổ biến đến toàn trường và học sinh cam kết chỉ sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ bài học khi thầy cô cho phép.
Còn theo một số giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Giang, kiến thức cho học sinh năng khiếu không chỉ dừng lại ở các bài học trong sách giáo khoa mà còn ở rất nhiều tài liệu khác và đời sống xã hội. Trong một số bài tập trải nghiệm, thực tế tại trường cũng như ở nhà, khi học sinh chụp ảnh, quay video minh họa kết hợp với trình bày sẽ giúp bài học thuyết phục hơn nên các thầy, cô giáo khuyến khích các em sử dụng điện thoại đúng mục đích.
Khảo sát ý kiến của 23 giáo viên ở Trường THCS Đức Thắng (Hiệp Hòa) được biết, tại đây có hơn 1 nghìn học sinh sống chủ yếu ở khu vực thị trấn. Trong đó, một số em được gia đình trang bị điện thoại để liên lạc với gia đình khi cần thiết.
Đa số thầy cô cho rằng cần xây dựng quy định về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường, nếu không dễ dẫn đến “lợi bất cập hại”. Bởi ở tuổi mới lớn các em thiếu kỹ năng ứng xử, dễ bị cám dỗ bởi những thông tin độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng đến việc học tập.
![]() |
Một số học sinh Trường THCS Đức Thắng (Hiệp Hòa) sử dụng điện thoại phục vụ liên lạc và tra cứu thông tin. |
Cô giáo Phan Thị Thanh Nga cho rằng, Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong lớp khi thầy cô cho phép. Vì vậy, điều quan trọng nhất là các nhà trường cần có quy định riêng đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh. Yêu cầu khi lên lớp, học sinh phải tắt chuông điện thoại, không được sử dụng vào mục đích cá nhân. Các thầy cô cũng bày tỏ quan điểm, việc sử dụng điện thoại chỉ phù hợp với học sinh lớp 8, 9 trở lên.
Hiện nay, nhiều thầy cô vẫn còn lúng túng trước quy định mới; một số trường THCS vẫn chưa mạnh dạn áp dụng Thông tư 32 vào thực tế. Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 32 đã quy định rõ phạm vi áp dụng, quyền và nhiệm vụ cụ thể của giáo viên, học sinh. Do vậy, Sở tiếp tục yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục THCS, THPT và các trường phổ thông có nhiều cấp học nghiên cứu nắm chắc quy định để áp dụng đạt hiệu quả cao.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)