Điện thoại trong lớp học
Không biết Sở sẽ hướng dẫn ra sao và làm gì để cho đạt hiệu quả nhưng từ khi Bộ ban hành Thông tư 32 trong đó nêu học sinh được phép sử dụng điện thoại di động thì đã gây ra luồng tranh luận lớn trong xã hội.
Có thể nói Thông tư khá mở, có nghĩa là cho học sinh dùng điện thoại nhưng với hai điều kiện: Một là phục vụ việc học và hai là phải được giáo viên đồng ý. Hiểu một cách tích cực thì đây được xem là bước tiến nhằm phát huy mặt tích cực của công nghệ, tạo cho thầy trò thêm không gian, hình thức trong dạy học. Song ngược lại, cũng có thể hiểu, đây vừa là cơ hội, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt cho con trẻ.
Ở điều kiện thứ nhất, nếu học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, đó là “phải phục vụ việc học”; xem ra ranh giới thế nào là học và không học rất mờ nhạt. Cứ thử đặt địa vị vào người lớn, những người trưởng thành và có ý thức, nhiều người còn đang chật vật “cai điện thoại” bởi nó làm mất khá nhiều thời gian, mà xem thì nhiều khi không có chọn lọc, không ít thông tin vô bổ.
Với con trẻ, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, giờ bắt các em tự giác, chỉ xem điện thoại phục vụ cho việc học thì khó quá. Mà nếu có dùng, dùng thường xuyên trên lớp, vô tình tạo ra cho con trẻ sự thụ động, lười suy nghĩ theo kiểu “cái gì chưa biết hỏi ông Google”.
Chưa kể tới việc khi một đứa trẻ này có điện thoại thông minh, đứa kia cũng muốn có một cái điện thoại như thế. Thành thử ra vô tình lại tạo áp lực cho các gia đình nghèo, một sự cạnh tranh ngầm, so bì đẳng cấp giữa học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Với yêu cầu thứ hai, đó là phải được giáo viên cho phép, học sinh mới được sử dụng điện thoại trong lớp. Yêu cầu này lại một lần nữa làm tăng gánh nặng dạy dỗ cho thầy cô bởi chưa kịp hiểu, chưa kịp ngấm, vẫn còn loay hoay với việc chuyển đổi dạy học theo kiểu truyền thống sang “dạy học theo kiểu phát triển năng lực” trong một lớp gần 50 học sinh; giờ lại gánh thêm nhiệm vụ canh chừng xem học sinh có sử dụng điện thoại đúng cách hay không; trong khi học trò thì có muôn vàn kiểu để “qua mặt” thầy cô, một khi chúng đã thích/nghiện điện thoại.
Một vấn đề khác nhiều người cũng quan tâm, đó là áp lực với giáo viên sẽ tăng lên khi vừa dạy vừa phải dè chừng bất kỳ lời nói, cử chỉ việc làm nào của mình cũng sẵn sàng được các chiếc điện thoại thông minh ghi lại và tung lên mạng xã hội. Và như thế, nhiều khi sẽ khiến giáo viên thu mình, tìm cách làm “tròn vai” chứ không còn nhiều tâm huyết thiết tha với nghề nữa.
Một quy định mới nào ban đầu sẽ tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau và quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp cũng vậy. Nếu có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một sự hướng dẫn chu đáo và một tâm thế, sự tự giác, kỷ luật cao từ cả phía giáo viên và học sinh, thậm chí cả từ phía gia đình thì quy định mới phát huy tác dụng, nếu không e rằng sẽ là “con dao hai lưỡi”, không được như mục đích tốt đẹp ban đầu.
Hồng Sương
Ý kiến bạn đọc (0)