Khai thác hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa
Thu hẹp quy mô, khó duy trì sản xuất
Thôn La Hạ, nay là thôn Long Khánh, xã Trí Yên (Yên Dũng) nổi tiếng với nghề làm tương cổ truyền từ lâu. Qua nhiều thế hệ, người làm tương ở đây vẫn giữ được những gì tinh túy nhất cha ông để lại. Từ lâu, nhờ sản phẩm tương truyền thống, đời sống của nhiều hộ gia đình khấm khá lên. Năm 2016, sản phẩm tương Trí Yên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
![]() |
Sản phẩm tương Trí Yên đang gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường. |
Dù nỗ lực giữ chất lượng sản phẩm nhưng đến nay việc phát triển nhãn hiệu tương Trí Yên vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, do hầu hết người trực tiếp tham gia sản xuất, tiêu thụ đều ngoài 60 tuổi nên khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu gặp trở ngại. Ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1952), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông lâm xã Trí Yên chia sẻ: “Không chỉ trăn trở về thị trường tiêu thụ, chúng tôi còn đang lo mất nghề truyền thống khi giới trẻ không mặn mà với nghề của cha ông”.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, hiện toàn tỉnh có 904 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ; 60 sản phẩm đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu, trong đó có 4 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chứng nhận chỉ dẫn địa lý, còn lại là các nhãn hiệu tập thể. Qua đánh giá, do không tìm được chỗ đứng trên thị trường, không huy động được các hộ dân tham gia, một số sản phẩm khó duy trì, quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, thậm chí dừng hoạt động.
Điển hình như thương hiệu miến dong Sơn Động - sản phẩm từng được kỳ vọng sẽ mang đến giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, sau 3 năm được cấp nhãn hiệu chứng nhận, HTX miến dong đã dừng hoạt động do không duy trì được vùng nguyên liệu. Tương tự, sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên) cũng đang gặp khó trong việc mở rộng, duy trì sản xuất.
Từ hơn 1.500 hộ tham gia làm các sản phẩm từ mây, tre đan, đến nay toàn xã chỉ còn vài chục hộ, quy mô sản xuất thu hẹp. Đặc biệt, HTX Mây tre đan Tăng Tiến cũng đã phải chuyển đổi sang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp với sản phẩm chủ lực là tăm tre. Ông Thân Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến nói: “Dù địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ như tạo quỹ đất, vốn vay song do thiếu lao động nên nghề may tre đan không thể duy trì như trước”.
Hỗ trợ phát triển nhãn hiệu
![]() |
Thiếu lao động, sản phẩm của làng nghề mây tre đan Tăng Tiến ngày càng đơn điệu. |
Thực tế cho thấy, nhờ chọn hướng đi đúng cũng như cách làm sáng tạo, nhiều sản phẩm hàng hóa sau khi được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa đã phát huy được hiệu quả, vươn tầm thế giới. Điển hình như, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại 8 quốc gia; mỳ Chũ cũng xuất hiện tại một số nước… Ghi nhận tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương, xã Tư Mại (Yên Dũng) cho thấy, để thương hiệu gạo thơm Yên Dũng vươn xa, HTX lựa chọn hướng đi phù hợp, chậm nhưng chắc.
HTX không mở rộng diện tích ồ ạt mà đưa ra lộ trình theo từng năm. Ngoài sản xuất 15 ha hiện có của đơn vị, HTX liên kết với người dân trọng huyện, tiêu thụ ra thị trường hơn 1 nghìn tấn gạo thơm thương phẩm/năm. Ông Phạm Trọng Viên, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện sản phẩm gạo thơm của HTX đã có mặt ở những thị trường khó tính như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được người tiêu dùng đón nhận. Vừa qua chúng tôi đã xuất 6 tạ gạo sang thị trường Mỹ, đang chờ phản hồi”.
Được biết để hỗ trợ các địa phương phát huy, khai thác hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa, từ năm 2014 đến nay, bằng các nguồn kinh phí, tỉnh dành hơn 5 tỷ đồng thực hiện 8 dự án thuộc chương trình sở hữu trí tuệ. Cùng đó quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như kết nối, tiêu thụ nông sản. Đến nay đã đưa được 21 sản phẩm với 108 mặt hàng vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi; xây dựng phần mềm phân phối trực tuyến hàng nông sản cho 15 doanh nghiệp.
Ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hiện Sở đang tập trung kiểm tra các nhãn hiệu đã có, từ đó có biện pháp giúp các địa phương, chủ sở hữu nâng cao việc quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu. Tuy nhiên, để sản phẩm sau bảo hộ phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền; người sản xuất nêu cao tinh thần trách nhiệm để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)