Liên kết tạo động lực cho du lịch Bắc Ninh cất cánh
BẮC NINH - Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng đó, việc liên kết được xem là chìa khóa then chốt.
Khai thác tiềm năng
Trước khi sáp nhập, cả Bắc Giang và Bắc Ninh đều là những địa phương giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa và sinh thái. Bắc Ninh, với vị thế là cái nôi của dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, lưu giữ hàng ngàn di tích lịch sử-văn hóa, lễ hội dân gian đậm đà bản sắc như Hội Lim, Lễ hội đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho… Bắc Ninh còn là điểm đến hấp dẫn với các làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, làng gốm Phù Lãng, làng tre Xuân Lai… Bắc Giang sở hữu lợi thế lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và tâm linh, với các địa danh như Tây Yên Tử, Suối Mỡ, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, hồ Cấm Sơn, cùng hệ thống chùa chiền như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà - những điểm đến nổi bật trong hành trình du lịch tâm linh vùng Đông Bắc. Hai tỉnh có sự bổ trợ rất lớn cho nhau để du lịch phát triển. Bắc Ninh có chiều sâu về văn hóa, Bắc Giang có thế mạnh thiên nhiên và sinh thái.
![]() |
Du khách tham quan gian trưng bày mộc bản chùa Bổ Đà. |
Thực tế cho thấy, du lịch là ngành kinh tế mang tính liên ngành, liên vùng rất cao. Một sản phẩm du lịch thành công thường đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều địa phương, doanh nghiệp. Để du lịch phát triển bền vững, việc liên kết có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điểm lại kết quả thời gian qua (thời điểm trước ngày 1/7/2025), tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đã tiến hành nhiều hoạt động liên kết xây dựng, kết nối các tour, tuyến, các khu điểm du lịch, tổ chức sự kiện để giới thiệu, quảng bá thu hút khách.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh cho biết: Các đơn vị thường xuyên tổ chức các tour khảo sát các điểm du lịch, mời đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và các tỉnh, thành phố bạn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… tham gia. Qua đó, các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch ở mỗi địa phương; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch của vùng; xây dựng sản phẩm du lịch mới, hình thành nhiều tour, tuyến du lịch. Một số khu, điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Suối Mỡ, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, điểm du lịch cộng đồng bản Ven, đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho…
Tìm hiểu tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, việc liên kết du lịch được đơn vị tích cực triển khai. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Vận hành khu du lịch cho biết, đơn vị đã ký khoảng 70 hợp đồng với các doanh nghiệp lữ hành cam kết đưa khách du lịch về đây. Theo nội dung hợp đồng, trong 3 năm (2023-2025), các doanh nghiệp lữ hành khi tổ chức tour đưa khách đến khu du lịch sẽ được chiết khấu vé cáp treo, dịch vụ ăn uống từ 10 đến 27% tùy số lượng khách, tùy thời điểm. Cùng đó, phối hợp, liên kết với nhiều đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn tại đây.
Hiến kế để bứt phá
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song để du lịch của tỉnh Bắc Ninh (mới) thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tỉnh cần dựng chiến lược phát triển du lịch tổng thể, tầm nhìn dài hạn. Trong đó, xác định rõ vị trí của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế; những sản phẩm du lịch mũi nhọn (du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề…); các trung tâm du lịch trọng điểm; cơ chế ưu đãi đầu tư và phát triển hạ tầng du lịch.
Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch quốc tế Đình Anh, sự kết nối các di sản văn hóa, các khu, điểm du lịch (tâm linh, sinh thái) của tỉnh Bắc Ninh sẽ tạo ra các tour du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như du khách vừa du ngoạn non nước Tây Yên Tử, vừa thưởng thức quan họ trên dòng sông Cầu, thăm làng tranh Đông Hồ, chùa Phật Tích... Đây chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên-văn hóa - trải nghiệm, đủ sức níu chân du khách lâu hơn.
Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư vào chuỗi giá trị du lịch là điều kiện cần thiết để tạo nên sản phẩm chất lượng và dịch vụ chuyên nghiệp. “Chúng ta không thể làm du lịch một mình nếu thiếu sự đồng hành của khu vực tư nhân. Việc mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, tổ hợp du lịch-văn hóa - giải trí, các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp kết hợp sinh thái... cần được xem là hướng đi trọng tâm”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Cùng đó, quan tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu. Du lịch Bắc Ninh cần tạo ra các sản phẩm mang tính biểu tượng, không trùng lặp, có khả năng đại diện cho vùng đất này. Đầu tư có chất lượng, khai thác hiệu quả tuyến du lịch hành hương theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, kết nối Yên Tử - chùa Vĩnh Nghiêm - chùa Bổ Đà; không gian văn hóa quan họ mở rộng, kết hợp các điểm biểu diễn dân ca truyền thống, trải nghiệm tại làng nghề, ẩm thực vùng Kinh Bắc; tour du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn - rừng Khe Rỗ, kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao, trải nghiệm đời sống nông thôn... Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại sẽ là hướng đi lâu dài để đưa du lịch Bắc Ninh phát triển bền vững.
Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là cần đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ đồng bộ. Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường kết nối giữa các điểm du lịch trọng điểm; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, trung tâm thông tin du lịch; đầu tư các tuyến xe buýt kết nối nội tỉnh và liên tỉnh phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số và xúc tiến quảng bá du lịch. Sử dụng công nghệ số để xây dựng bản đồ số du lịch Bắc Ninh; ứng dụng tra cứu thông tin; đặt tour vé, dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, quảng bá hình ảnh du lịch trên các nền tảng mạng xã hội, hợp tác truyền thông quốc tế để mở rộng tầm ảnh hưởng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch.
Ý kiến bạn đọc (0)