Trung đoàn Đề Thám: Vang mãi bản hùng ca
Bí mật hành quân
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Ngọc Chi (sinh năm 1937), thôn Trung Đồng, xã Bảo Đài, Chi hội trưởng Trung đoàn Đề Thám khu vực huyện Lục Nam (cũ) khi ông vừa đi khám bệnh về. Ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, giọng nói mạch lạc. Ông Chi nhớ lại: “Tháng 4/1965, tôi xung phong đi bộ đội, biên chế vào Trung đoàn Đề Thám. Trước khi lên đường, bố tôi căn dặn dù ở hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Trước đó, ông Chi đã đi bộ đội nghĩa vụ, đến năm 1963 xuất ngũ. Năm 1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lại viết đơn xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu.
![]() |
Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm (đứng giữa) kể về những trận đánh ác liệt của Trung đoàn Đề Thám năm xưa. |
Trung đoàn Đề Thám được thành lập ngày 9/4/1965 tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (nay là xã Hiệp Hòa). Chiến sĩ đơn vị chủ yếu thuộc diện tái ngũ, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Đơn vị được biên chế thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5. Ông Chi chia sẻ: “Sau 3 tháng luyện tập bắn đạn thật tại tỉnh Hải Dương (cũ), chiều 5/8/1965, chúng tôi hành quân về núi Côn Sơn, được lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Bắc trao tặng lá cờ có dòng chữ “Trung đoàn Đề Thám” và cái tên Trung đoàn Đề Thám được xuất hiện từ đó”. Theo ông Chi, sau khi ăn cơm tối xong, Trung đoàn thần tốc hành quân vào miền Nam. Do máy bay địch thường xuyên theo dõi nên Trung đoàn phải tuyệt đối giữ bí mật khi hành quân.
Sau khi hành quân bộ trong rừng hơn một tháng, Trung đoàn đến làng Ho dưới chân dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) thì dừng lại thay quân tư trang bằng áo bà ba đen, đội mũ tai bèo để bảo đảm bí mật quân sự; tiếp tục đi bộ ròng rã 3 tháng đến căn cứ Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng) vào đúng dịp áp Tết Nguyên đán năm 1966. Ông Chi cho biết: “Khi chúng tôi đến nơi, nhiều người dân đổ ra soi đèn xem bộ đội ta. Bà con bảo không như địch tuyên truyền bộ đội Việt cộng gầy gò, ốm yếu mà ai cũng khỏe mạnh, rắn rỏi, người dân rất mừng”. Những hôm sau, ngày nào bộ đội cũng được người dân mang cho các loại bánh và thịt để cùng ăn Tết. 3.400 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn nghỉ lại trong nhà dân để ăn Tết đúng một tuần ở sát nơi địch đóng quân mà chúng không hay biết.
Những chiến công sáng chói
Do lực lượng cơ bản đã được rèn luyện qua quân ngũ vì thế Trung đoàn Đề Thám là một trong những đơn vị tinh nhuệ của Sư đoàn 2; được giao tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm (sinh năm 1943), Trưởng Ban Liên lạc Trung đoàn Đề Thám, hiện ở tổ dân phố số 2, xã Hiệp Hòa nhớ lại: “Trong hàng chục trận đánh lớn nhỏ, có lẽ trận đánh chiếm điểm cao 62 ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi (cũ) là cam go nhất. Điểm cao này có 3 mỏm, mỏm cao nhất 62 m. Trên đồi, cây cối rậm rạp. Xung quanh là những cánh đồng lúa nhỏ và gò đồi mấp mô. Vì thế, điểm cao 62 có thể khống chế được một khu vực rộng lớn, là trở ngại lớn cho quân ta khi tiến xuống vùng đồng bằng”.
Ghi nhận những chiến công xuất sắc của đơn vị, năm 2024, Trung đoàn Đề Thám vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Ngày 4/3/1966, quân địch điều một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ chiếm điểm cao 62. Biết được ý đồ của địch, theo mệnh lệnh của cấp trên, đồng chí Trần Lương, Chính trị viên Đại đội 7 của Trung đoàn, quê ở xã Nhã Nam dẫn đầu Đại đội chiếm lĩnh điểm cao. Bằng sự gan dạ, mưu trí, Đại đội 7 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của địch. Địch điên cuồng điều 3 tiểu đoàn xông lên chiếm điểm cao 62. Đồng chí Trần Lương 2 lần bị thương và anh dũng hy sinh. Đại đội cũng bị thương vong nhiều và hết đạn, được lệnh rút xuống làng Hòa Vinh ở dưới chân đồi, cùng với quân tiếp viện của Trung đoàn.
Ngay trong đêm đó, địch tập trung bao vây làng Hòa Vinh nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta. Tuy nhiên, với sự chở che của người dân, đồng thời thực hiện chủ trương “bám thắt lưng địch mà đánh” khiến địch không thể gọi pháo binh chi viện hay máy bay đến thả bom vì sợ đánh trúng đội hình của chúng. Cuối cùng, quân địch thiệt hại nặng nên phải rút lui. Trung đoàn Đề Thám cũng nhanh chóng rút ra khỏi làng Hòa Vinh về căn cứ an toàn.
Ngoài trận đánh chiếm điểm cao 62, Trung đoàn Đề Thám cùng các lực lượng khác của Sư đoàn 2 tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ khác, làm cho quân địch khiếp sợ. Đến năm 1971, Trung đoàn Đề Thám sáp nhập vào Sư đoàn 3, Quân khu 1. Với nhiều chiến công to lớn, năm 2024, Trung đoàn Đề Thám vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm cho biết, trở về đời thường, các cựu chiến binh Trung đoàn Đề Thám luôn phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị Anh hùng. Năm 2022, Ban Liên lạc Trung đoàn được thành lập nhằm tập hợp những cựu chiến binh Trung đoàn còn sống trên địa bàn tỉnh nhằm động viên, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Ban Liên lạc chia làm 4 chi hội, với 78 cựu chiến binh tham gia. Hằng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn đều tổ chức gặp mặt, giao lưu hoặc thăm lại chiến trường xưa; kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; đồng thời làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm tâm sự: “Hiện cơ bản cựu chiến binh của Trung đoàn đều đã cao tuổi, nhiều đồng chí đã mất, song sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Bắc Ninh mới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với những đồng đội hiện còn sống ở tỉnh Bắc Ninh cũ để cùng tham gia sinh hoạt. Từ đó tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống vẻ vang của Trung đoàn Đề Thám Anh hùng”.
Ý kiến bạn đọc (0)