Nhóm Zalo "Đồng hành cùng chiến sĩ": “Sợi dây” gắn kết đơn vị với hậu phương
BẮC NINH - Kể từ ngày nhập ngũ, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 833, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh không chỉ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ ân cần của cán bộ, chỉ huy đơn vị mà còn luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ gia đình, người thân thông qua mô hình nhóm Zalo "Đồng hành cùng chiến sĩ".
Với chiến sĩ Trung đoàn 833, mỗi lần đứng trước ống kính máy ảnh hay điện thoại của cán bộ đơn vị là một lần phấn khởi. Bởi lẽ, những bức ảnh, đoạn video ấy sẽ được lan tỏa đến người thân, gia đình mình thông qua nhóm Zalo “Đồng hành cùng chiến sĩ”. Cũng vì thế mà mỗi chiến sĩ như được tiếp thêm năng lượng tích cực, quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt lên nắng, gió thao trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Đại đội trưởng Đại đội 1 cho biết: “Nhóm Zalo “Đồng hành cùng chiến sĩ” được thành lập theo cấp đại đội. Các thành viên là chỉ huy và phụ huynh các chiến sĩ trong đơn vị. Những hoạt động nổi bật trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện của chiến sĩ như văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội thao, tọa đàm, diễn đàn, tăng gia sản xuất, củng cố doanh trại, dân vận… được chia sẻ lên nhóm để thân nhân các chiến sĩ được biết về quá trình trưởng thành của các chiến sĩ”.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 833 tương tác trong nhóm Zalo "Đồng hành cùng chiến sĩ". |
Chị Nguyễn Thị Thơ, ở thôn Giới Tế, xã Tiên Du, là mẹ của Binh nhì Nguyễn Hồng Quân, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: “Nhà ở xa nên việc đến thăm con tại đơn vị không được nhiều, rất may là thông qua nhóm Zalo “Đồng hành cùng chiến sĩ” của đơn vị, tôi và gia đình thường xuyên được cập nhật về tình hình sức khỏe, học tập, huấn luyện cũng như các hoạt động khác của con trong quân ngũ nên gia đình rất yên tâm và tự hào về con”.
Còn đối với đảng viên Nguyễn Việt Anh, ở khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc (chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1) có vợ và con nhỏ gần 2 tuổi, nhóm Zalo “Đồng hành chiến sĩ” rất có ý nghĩa. Anh Việt Anh tâm sự: “Thông qua nhóm, tôi được xem hình ảnh vợ, con và nhận những lời động viên từ gia đình, được tạo điều kiện gọi video về gia đình trong giờ nghỉ, ngày nghỉ nên thấy phấn khởi và yên tâm. Đó là động lực để tôi luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, đạt “3 tiếng nổ giỏi” trong kiểm tra bắn súng, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và hiện tại đang tích cực tham gia đội tuyển bóng đá của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thi đấu tại Hội thao Thể dục, thể thao quốc phòng cấp quân khu năm 2025”.
Hiện nay, nhóm Zalo các đơn vị của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 833 duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả. Ngoài đăng tải, chia sẻ những hình ảnh, video thường nhật về bộ đội, nhóm còn thông tin đến người nhà chiến sĩ những nội dung như: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội; các chế độ, tiêu chuẩn của hạ sĩ quan, chiến sĩ;… Thông qua nhóm, người thân chiến sĩ có thể trao đổi, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa đơn vị và gia đình trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chưa tốt của chiến sĩ. Nhờ đó chiến sĩ biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trong 2 năm qua không có chiến sĩ vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Nhóm Zalo "Đồng hành cùng chiến sĩ” ở Trung đoàn 833 là “sợi dây” gắn kết hiệu quả giữa đơn vị và hậu phương trong quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ. Qua đó, giúp gia đình chiến sĩ hiểu rõ việc sinh hoạt, học tập của con, em mình trong môi trường quân ngũ. Các chiến sĩ thêm yên tâm huấn luyện, học tập tại đơn vị. |
Trên nhóm Zalo còn chú trọng phản ánh, tuyên truyền những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, gương người tốt, việc tốt nhằm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Tiêu biểu là việc chiến sĩ để dành tiền phụ cấp gửi về giúp đỡ gia đình. Người đầu tiên thực hiện việc này là chiến sĩ Trần Duy Đông ở khu 4, phường Vũ Ninh, thuộc bộ phận phục vụ Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Trung đoàn 833. Chiến sĩ Đông có hoàn cảnh gia đình thiệt thòi hơn nhiều đồng đội. Năm 2013, khi ấy Đông đang học lớp 3 thì bố em không may qua đời vì bạo bệnh. Cũng từ đó, gánh nặng đè lên vai mẹ, kinh tế dần giảm sút, gia đình Đông thuộc diện hộ nghèo. Hết lớp 9, Đông nghỉ học đi làm phụ bàn quán nước. Năm 2024, Đông tình nguyện nhập ngũ về Trung đoàn 833 và từng tháng em đều chắt chiu phụ cấp để gửi về đỡ đần mẹ nuôi em gái ăn học.
Trao đổi với Trung tá Đào Duy Thịnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 được biết thêm, việc làm tốt của chiến sĩ Trần Duy Đông được chia sẻ lên nhóm Zalo đơn vị đã tạo sức lan tỏa rộng rãi. Nhiều chiến sĩ Đại đội 1 cùng nhập ngũ năm 2024 học theo đồng chí Đông cũng tiết kiệm phụ cấp gửi về gia đình như các chiến sĩ: Hoa Văn Lợi Hà, Nguyễn Văn Anh, Kiều Việt Bách, Vũ Sơn Trường, Đào Văn Thanh, Đặng Sỹ Hùng, Nghiêm Văn Huy, Nguyễn Khắc Cường… Những việc làm ý nghĩa đó tạo niềm tin để gia đình các chiến sĩ trở thành hạt nhân tuyên truyền ở địa phương về hình ảnh tốt đẹp của đơn vị, xây dựng mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa chỉ huy đơn vị và gia đình trong quá trình quân nhân tại ngũ.
Nhóm Zalo “Đồng hành cùng chiến sĩ” ở Trung đoàn 833 là “sợi dây” gắn kết hiệu quả giữa đơn vị và hậu phương trong quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ. Qua đó, giúp gia đình chiến sĩ hiểu rõ việc sinh hoạt, học tập của con, em mình trong môi trường quân ngũ. Các chiến sĩ thêm yên tâm huấn luyện, học tập tại đơn vị, đồng thời góp phần vào thực hiện hiệu quả công tác tuyển quân của địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)