Xung phong thời chiến, vẹn nghĩa thời bình
BẮC NINH - Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vùng đất Kinh Bắc đã có biết bao nữ thanh niên lên đường nhập ngũ và chiến đấu ngoan cường. Ngày hòa bình, họ trở về địa phương với những vết thương thời chiến, mỗi người lại chọn những cách khác nhau để bền bỉ cống hiến, xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương giàu đẹp.
Vào sinh ra tử, trọn đời cống hiến
Sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng với câu ca “Gái Nội Duệ - Cầu Lim”, nay là xã Tiên Du, năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô thôn nữ Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1954) ở khu phố Duệ Đông tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong giữa lúc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt ở miền Bắc. Được phân công nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt tại các khu vực nhà ga ở Hà Nội, không ngại hiểm nguy, gian khó, cô gái ấy cùng đồng đội ngày đêm san đường, lấp hố bom, vận chuyển lương thực, thuốc, quân tư trang chi viện cho miền Nam.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ quãng thời gian tham gia công tác xã hội. |
Chia sẻ về những năm tháng “mưa bom, bão đạn” ấy, bà Liên xúc động: “Đơn vị tôi khi ấy chủ yếu làm nhiệm vụ vào ban đêm để dễ bề trú ẩn. Cứ hai người phụ trách một chiếc xe cải tiến vận chuyển hàng hóa qua cầu phao. Cả ngày lẫn đêm, không mấy khi trên bầu trời ngớt tiếng máy bay, tiếng bom rơi, pháo nổ. Hiểm nguy, gian khổ là vậy nhưng chúng tôi giữ vững tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, bà Liên bị sức ép của bom đạn làm ngất đi không ít lần. Bị thương, mất 41% sức khỏe, năm 1974, nữ thanh niên xung phong trở về địa phương. Sau đó, bà xin vào làm việc tại Công ty Lương thực Hà Bắc và nghỉ hưu năm 2000. Trở về địa phương, bà Liên luôn nêu gương trong các phong trào, tham gia tích cực vào công tác xã hội. Từ năm 2016 đến nay, nữ thương binh đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thị trấn Lim (cũ) với 28 hội viên. Bà luôn nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trung bình mỗi năm, cá nhân bà ủng hộ hơn 10 triệu đồng cho các hoạt động của hội. Đặc biệt, để trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, chia sẻ khó khăn với các hội viên hoàn cảnh khó khăn, bà tham mưu thành lập câu lạc bộ “Nghĩa tình đồng đội”.
Từ nguồn quỹ do các hội viên tự nguyện đóng góp và các nguồn xã hội hóa, câu lạc bộ tổ chức họp mặt vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ, Tết… để mọi người ôn lại ký ức chiến trường. Khi có đồng đội gặp khó khăn, đau ốm, hoạn nạn đột xuất, bà Liên đều tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà động viên, hỗ trợ kịp thời. Ví như trường hợp gia đình ông Bạch Công Tiến, bà Lê Thị Mận, đều sinh năm 1945, hai ông bà thường xuyên đau ốm, các con hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn quỹ của câu lạc bộ và tấm lòng của cá nhân, hằng tháng, bà Liên chi hỗ trợ gia đình đồng đội 500 nghìn đồng. Hay trường hợp bà Nguyễn Thị Nhi (sinh năm 1944) có căn nhà cấp 4 xuống cấp đã nhiều năm, mới đây cũng được bà Liên kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí sửa chữa. Nhiều hội viên gặp khó khăn về vốn được bà Liên tận tình hướng dẫn thủ tục vay ngân hàng và trực tiếp hỗ trợ vốn vay không tính lãi, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội vươn lên ổn định đời sống.
Hết lòng vì việc chung
Ngôi nhà nhỏ của gia đình thương binh hạng 1/4 Lương Thị Giang (sinh năm 1949) nằm trên sườn đồi thôn Đền Cô, xã Yên Thế. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn ấy ít ai nghĩ rằng bà từng có những năm tháng thanh xuân chiến đấu ngoan cường giữa bom đạn nơi chiến trường. Năm 1972, khi đất nước bước vào giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cô gái trẻ vùng đất Yên Thế anh hùng không ngần ngại viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Bà được phân công làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến huyết mạch Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
![]() |
Bà Lương Thị Giang và chồng ôn lại ký ức thời chiến qua những kỷ vật. |
Những ngày hành quân vào Nam, đơn vị của bà đi bộ hàng trăm cây số, xuyên qua núi rừng hiểm trở, phải men theo các lối mòn để tránh máy bay địch. Một trong những ký ức sâu đậm nhất của bà là thời gian hành quân qua ngã ba Đồng Lộc. Cả đơn vị phải tính toán từng khoảng cách, từng bước chân để hành quân đúng thời điểm không có máy bay bởi chỉ chậm vài giây là tất cả có thể bị vùi dưới bom đạn. Trong một lần kiểm tra đoạn đường san lấp, bà Giang bị thương do mìn nổ, để lại di chứng nặng nề. Được điều trị tích cực nên sau ngày giải phóng, bà cùng đơn vị ở lại thêm nhiều tháng để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, mở đường, dựng cầu, góp phần nối liền hai miền Nam - Bắc.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, bà Giang tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Năm 1976, bà được giao nhiệm vụ làm công tác phụ nữ ở huyện. Nhờ sự năng nổ, trách nhiệm, một thời gian sau, bà được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra huyện, đến năm 2000 nghỉ hưu. Tiếp tục cống hiến cho xã hội, bà đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong xã Tam Hiệp (cũ). Ở cương vị nào, bà luôn hết lòng vì việc chung; động viên hội viên đoàn kết, tích cực sản xuất, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, việc tang trong xã khá rườm rà, tốn kém, nhiều nhà rải vàng mã, tổ chức ăn uống đông người, kéo dài. Bà Liên cùng các thành viên Ban Chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong xã phối hợp với Hội Người cao tuổi xã xây dựng kế hoạch, vào cuộc tích cực để khắc phục hạn chế này. Muốn đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, trước hết mỗi hội viên phải gương mẫu thực hiện nếp sống mới để con cháu noi theo. Với suy nghĩ ấy, khi có hội viên qua đời, ban chấp hành các chi hội đến hỏi thăm, động viên, hỗ trợ việc tổ chức đám hiếu của gia đình. Đến nay, việc tang trên địa bàn xã có những chuyển biến rõ rệt: Không khóc mướn; không mở nhạc tang quá 22 giờ; chỉ làm cỗ mời người trong nội tộc và khách ở xa; đưa thi hài đi hỏa táng.
Bà Nông Thị Tuyết Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế (cũ) nhận xét: “Nữ thương binh Lương Thị Giang là tấm gương tiêu biểu, tận tụy, trách nhiệm, giàu nhiệt huyết. Dù tuổi cao, bà luôn đi đầu trong công tác hội, góp phần gắn kết tình đồng đội, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Gian nan không chùn bước
Bà Đặng Thị Thu Hoài (sinh năm 1956), ở phường Chũ là thương binh hạng 3/4. Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày rời quân ngũ, bà luôn giữ vững phẩm chất của người lính cụ Hồ. Năm 1974, khi 18 tuổi, bà Hoài nhập ngũ tại Cục Chính trị Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) - đơn vị đóng quân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc của bà là phụ trách biên soạn, in ấn các tài liệu phục vụ tuyên truyền trong quân đội. Đây là nhiệm vụ thầm lặng nhưng rất quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng.
![]() |
Bà Đặng Thị Thu Hoài có nguồn thu nhập ổn định từ trồng vải thiều. |
Năm 1978, bà và đồng đội được cử sang Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong một chuyến công tác, đoàn của bà không may vướng phải mìn. Bà Hoài bị chấn thương nặng vùng đầu, ảnh hưởng đến mắt và một phần cơ thể bên trái. Do sức khỏe không đáp ứng được công việc trong môi trường quân đội, bà chuyển về ngành thương nghiệp, công tác tại Đồng Nai. Năm 1980, bà Hoài cùng chồng là ông Nguyễn Văn Cân (cũng là thương binh kháng chiến chống Mỹ) về quê ông ở phường Chũ lập nghiệp. Những năm đầu, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, hai vợ chồng đều mang vết thương chiến tranh, các con còn nhỏ. Với hơn một mẫu ruộng cằn cỗi, nhiều vụ mùa thất bát nhưng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ không cho phép bà Hoài chùn bước. Hằng ngày, bà đạp xe đi chợ từ Chũ lên Tân Sơn rồi xuống chợ Sàn... bán rau, củ, quả để lấy tiền trang trải cuộc sống. Từ tiền tích góp, vợ chồng bà mua thêm trâu, bò, gia cầm, đồng thời cải tạo hơn 1 ha vườn đồi để trồng vải thiều. Đồng thời áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiến bộ trong chăm sóc, giúp cây phát triển tốt, năng suất cao. Mỗi mùa thu hoạch, bà xuất bán hàng tấn quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài ra, bà còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con trong thôn cách trồng, chăm sóc vải thiều an toàn. Năm 2015, chồng bà qua đời, bà gánh vác mọi việc trong gia đình, tiếp tục nỗ lực vươn lên, mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển các mô hình sản xuất. Bằng sự kiên trì và tinh thần không ngừng học hỏi, bà Hoài đã duy trì, mở rộng mô hình vải thiều theo hướng sản xuất sạch, có liên kết tiêu thụ ổn định. Mỗi năm, gia đình bà thu lãi từ 200-250 triệu đồng. Giờ đây, các con của bà đều trưởng thành, có công việc ổn định, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Cách đây hơn 1 năm, bà Hoài cho người khác thuê lại khu vườn vải canh tác để có thêm thời gian dành cho con cháu.
Những tấm gương nữ thương binh là minh chứng sống động cho bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam. Các bà, các mẹ, các chị vững vàng trong gian khó, bền bỉ giữa đời thường và luôn hết mình với cộng đồng. Hành trình của họ không chỉ là ký ức về một thời hoa lửa mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.
Ý kiến bạn đọc (0)