Những chuyến đi in đậm dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
BẮC GIANG - Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng. Một tổn thất vô cùng to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và cũng là niềm thương tiếc khôn nguôi của bạn bè quốc tế. Hình ảnh một con người giản dị, một cán bộ mẫu mực, liêm chính, một nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, trọn đời vì nước, vì dân sẽ in đậm trong hàng trăm triệu con tim người dân Việt Nam.
Chuyến đi lịch sử
Trong gần ba nhiệm kỳ, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đặt chân khắp mọi nẻo đường đất nước để nghiên cứu, khảo sát thực tế, từ Hà Giang - vùng cao xa xôi nơi cực Bắc Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau, nơi chín con sông dồn ra biển lớn. Tổng Bí thư cũng đã đi thăm nhiều nước, tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ quốc tế. Vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc hay mừng ngày sinh, một số nguyên thủ quốc gia như Trung Quốc, Nga, Mỹ… đều gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bắc Giang bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (8/2013). |
Mỗi chuyến đi, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân ta và cộng đồng quốc tế. Là phóng viên chuyên trách, chúng tôi vinh dự được tháp tùng đồng chí gần 14 năm qua, trong mọi hoạt động, có nhiều chuyến đi, nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Những ngày đau buồn khôn nguôi này, bao kỷ niệm lại ùa về, thấy thương Tổng Bí thư vô cùng. Một lòng vì nước, vì dân mà làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.
Đầu tiên là chuyến thăm Cuba anh em tháng 4/2012, sinh nhật lần thứ 68 của Tổng Bí thư, để lại cho chúng tôi những cảm xúc dâng trào. Hình ảnh lắng đọng nhất trong tâm trí mọi người là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư và lãnh tụ Fidel Castro - Người từng tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Fidel là nguyên thủ duy nhất đã vượt vĩ tuyến 17, đến với mảnh đất kiên cường, khói lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) tháng 9/1973 theo đề xuất của chính ông. Khi ấy, chiến tranh còn khốc liệt lắm.
Cũng chuyến thăm đó, không khí sôi nổi nhất là buổi nói chuyện của Tổng Bí thư tại Trường Đảng Cao cấp Nicô Lôpét về chủ nghĩa xã hội; vì sao Việt Nam lại chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hàng nghìn giảng viên, học viên, người dân Cuba, quan khách tham dự kín cả khuôn viên nhà trường, trong hơn một tiếng đồng hồ mà không một tiếng động. Chỉ khi kết thúc bài phát biểu thì những tràng pháo tay mới vang lên không ngớt. Đây là dịp tròn một năm Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba đề ra đường lối cập nhật mô hình phát triển đất nước. Phía bạn rất háo hức nghe về đổi mới từ Việt Nam là vì thế. “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam quả là một nhà lý luận xuất sắc, nổi trội. Buổi nói chuyện thật tuyệt vời” - nhiều giáo sư của nhà trường bộc bạch.
Cách nhau nửa vòng trái đất, vậy mà Tổng Bí thư và đoàn đi đến đâu cũng thấy gần gũi, thân thương như đang ở quê hương mình. Không chỉ ở Tượng đài Bác Hồ tại Công viên Hòa Bình, giữa Thủ đô La Habana mà nhiều nơi khác, đoàn đến đều được đón chào phấn chấn, ai cũng giơ cao quốc kỳ Việt Nam, hô vang: Việt Nam - Cuba; Việt Nam - Cuba và những ca từ Việt Nam, Hồ Chí Minh, Việt Nam, Hồ Chí Minh,… những âm thanh cứ như ngân lên tự đáy lòng. Thật cảm động.
Trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư hai lần thăm Cuba và để lại những dấu ấn sâu đậm. Với những tình cảm đặc biệt, ngày 19/7 vừa qua, khi biết tin, ngay trong phiên họp thường kỳ hôm đó, Quốc hội Cuba đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Đảng ta. Nước bạn công bố tổ chức Quốc tang để nhân dân cả nước tưởng nhớ nhà lãnh đạo Việt Nam thân thiết của mình.
Nhằm hiện thực hóa chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư đi thăm nhiều nước như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Nga, Pháp, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó có những nước thăm hai hoặc ba lần. Mỗi chuyến thăm ghi một dấu mốc quan trọng, nâng tầm quan hệ giữa hai nước. Nhớ lại các lần công du ấy, không thể không nói đến chuyến thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tháng 7/2015. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là chuyến đi lịch sử, mở ra một chương mới tích cực trong quan hệ hai nước từng là cựu thù; được cả thế giới đặc biệt chú ý, liệu quá khứ có khép lại, những khác biệt giải quyết ra sao và định hướng cho tương lai như thế nào?
Bởi quá khứ đau thương do chiến tranh gây ra, bởi sự khác biệt về chế độ chính trị, không ai có thể nghĩ rằng Tổng Bí thư Đảng ta lại hiện diện tại Nhà trắng với sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của Tổng thống và các quan chức cấp cao của Chính phủ, Quốc hội Hoa kỳ theo nghi thức cấp cao trang trọng đến thế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản - chức danh không có sự tương đương đối với Hoa Kỳ được đón tiếp ngang tầm bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào.
Một điều hiếm thấy nữa là, cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Đảng ta với Tổng thống Barack Obama và gặp gỡ báo chí sau hội đàm dự kiến 45 phút. Vậy mà sự kiện diễn ra 95 phút, một điều chưa từng có ở đất nước cờ hoa này. Không ai nghĩ đến sẽ có chuyến thăm và cũng không ai nghĩ tới chuyến thăm lại thành công lớn như vậy. Nhưng thực tế đã diễn ra. Theo Tổng Bí thư, hai bên gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy sự tương đồng, hướng tới tương lai, cùng hợp tác và phát triển.
Đúng như thế, sau tám năm, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden năm ngoái, hai nước đã nâng mức quan hệ từ Đối tác toàn diện lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện mà bỏ qua mức Đối tác chiến lược. Chúng tôi còn nhớ, tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Đảng ta trong chuyến thăm lịch sử, ông Joe Biden khi ấy là Phó Tổng thống đã mượn hai câu kiều của đại thi hào Nguyễn Du để nói về cảm xúc của mình: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Một chuyến đi khó quên
Không hiểu sao cụ Nguyễn Du lại thấu hiểu lòng người đến thế, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mấy hôm nay, trước Quốc tang tưởng nhớ Tổng Bí thư, trời mưa tầm tã, mưa không ngớt, cứ như lòng người xót thương, ngậm ngùi vậy.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi thăm tình hình học tập của các cháu học sinh Trường THCS xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng (8/2013). |
Suốt những năm tháng công tác, nhất là khi đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu của Đảng, đồng chí không được nghỉ ngơi ngày nào. Qua cách làm việc, chúng tôi thấy dường như khi ăn, lúc nghỉ, đồng chí cũng lo việc Đảng, việc dân. Những dịp đi công tác tại các địa phương, Tổng Bí thư luôn yêu cầu đến vùng sâu, vùng xa khó khăn, đừng đến chỗ lãnh đạo địa phương mượn để báo cáo thành tích. Đi đâu, làm gì phải sát thực tế, hiệu quả, không được phô trương hình thức, không được lãng phí thời gian hay gây phiền hà cho cơ sở.
Qua mỗi chuyến đi càng hiểu rõ tình cảm của Tổng Bí thư đối với người dân sâu nặng nhường nào. Cuối năm 2012, Trung ương đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Dịp đó, đồng chí đi thực tế nhiều nơi nhằm đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết nhưng luôn dành thời gian thỏa đáng để đến với bà con, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, bàn chuyện xóa đói, giảm nghèo. Tháng 12 năm đó, sau khi kết thúc chương trình làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, đoàn đi ngay lên tỉnh Đắk Nông và “bí mật” dừng ăn cơm tại một cơ quan cấp huyện, tuyệt đối không được báo cho lãnh đạo tỉnh đó biết, để tiết kiệm thời gian và tránh phiền hà.
Đến Đắk Nông, Tổng Bí thư đi thẳng lên xã đặc biệt khó khăn Quảng Tâm, thuộc huyện biên giới Tuy Đức, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đất rừng mênh mông nhưng Quảng Tâm có tới 41% số hộ nghèo. Điều trăn trở ấy được đồng chí đưa ra tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, vì sao đất rừng nhiều, có thể trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, rồi công chăm sóc bảo vệ rừng mà dân vẫn đói? Trong khi đó rừng lại bị phá. Tổng Bí thư yêu cầu phải chấn chỉnh công tác này; đồng thời dứt khoát không được để cho dân đói. Điều trăn trở ấy được Tổng Bí thư nhấn mạnh ở nhiều nơi mà cuộc sống của đồng bào còn khó khăn, “Đất nước độc lập rồi, công cuộc đổi mới bao nhiêu năm rồi, không thể để dân đói khổ. Dân còn đói khổ là lỗi của chúng ta”.
Tổng Bí thư sinh ngày 14/4/1944. Gần như thành thông lệ, cứ ngày sinh của mình, đồng chí lại đi công tác địa phương, ngoài công việc còn có ý tránh mọi người đến chúc mừng. Một lần, Tổng Bí thư đi Tây Nguyên, nhóm phóng viên chuyên trách lặng lẽ mua hoa, chờ tối muộn mới mon men lên xin thư ký của đồng chí để vào tặng hoa, chúc mừng nhưng bị từ chối một cách dứt khoát.
Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không thể quên được chuyến công tác của Tổng Bí thư vào thăm, làm việc tại tỉnh Kiên Giang hai ngày 13 và 14/4/2019, đúng sinh nhật lần thứ 75 của mình. Như thông lệ là đi cơ sở trước, đồng chí đến thăm, làm việc tại một số đơn vị sản xuất công nghiệp; thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp của Công ty cổ phần Trung Sơn, tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Dưới trời nắng nóng, Tổng Bí thư đã đi thăm các vuông tôm và nói chuyện với bà con tại đây; rồi vào xưởng lạnh chế biến và bảo quản tôm, ở nhiệt độ tầm 180C, một sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, gần giờ giải lao, Tổng Bí thư đề nghị cho làm tiếp vì đoàn còn kịp ra làm việc tại một xã của tỉnh Vĩnh Long như lịch đã bố trí là 14 giờ. Vừa kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư bị chóng mặt và được đưa vào bệnh viện kịp thời. Thế là lỡ hẹn với cán bộ và nhân dân Vĩnh Long. Một chuyến đi ngậm ngùi khó quên.
Tổng Bí thư không còn nữa, nhưng bao kỷ niệm về đồng chí - nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, người thầy, người đồng nghiệp của báo chí luôn là nguồn động viên chúng tôi sống và làm việc tốt hơn. Xin kính cẩn vĩnh biệt Tổng Bí thư kính mến !
Bắc Văn
Ý kiến bạn đọc (0)