Tân Yên nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông
So với hai vụ xuân và hè thu thì sản xuất vụ đông ở Tân Yên cho hiệu quả tương đối cao. Trên thực tế, cây ngô hàng hoá thu nhập từ 125-135 triệu đồng/ha/vụ, thị trường tiêu thụ tốt; khoai tây đạt 95-110 triệu đồng/ha/vụ; lạc 80-90 triệu đồng/ha/vụ. Ớt 170 triệu đồng/ha/vụ.
![]() |
HTX Hoàng Linh, xã Đại Hóa đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất vụ đông. |
Cà chua bi, dưa bao tử bình quân đạt 200-250 triệu đồng/ha/vụ; sản phẩm được các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá bán cao, ổn định. Thế nhưng, năm nay diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm, sản xuất chỉ đạt 3.205/4.130 ha (bằng 77,6% so kế hoạch). Nguyên nhân do thời tiết mưa lớn kéo dài vào thời điểm cuối tháng 9 khiến đất bị ướt, thiếu hụt lớn nhân công do người dân trong độ tuổi lao động chủ yếu đi làm công nhân.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, huyện Tân Yên đã đưa ra nhiều giải pháp. Anh Vương Anh Tuấn, thôn Đồi Chính, xã Đại Hóa cho biết: “Làm nông nghiệp, nhận thấy nhiều chân ruộng màu mỡ bỏ không vụ đông nên tôi tiếc lắm. Mọi năm tôi thường tranh thủ mượn ruộng của bà con để trồng ngô (ngô ngọt, ngô nếp) và khoai tây hàng hóa.
Nhận thấy huyện có cơ chế hỗ trợ mỗi HTX thành lập mới, ứng dụng công nghệ cao 20 triệu đồng, tháng 3 vừa qua, tôi đứng ra thành lập HTX Hoàng Linh gồm 7 thành viên chuyên sản xuất cây vụ đông”. Vụ này, chúng tôi mượn ruộng của hơn 100 hộ dân trong thôn để trồng 20 ha khoai tây. Nhờ cơ giới hóa từ khâu làm đất, vun xới, phun thuốc, thu hoạch nên chỉ cần 15 nhân công.
Giống khoai tây Marabel của Đức có thời gian sinh trưởng 3 tháng, củ bở và thơm ngon, năng suất 5 tạ/sào. Với giá 7.500đ/kg như mọi năm bán cho nhà máy, mỗi ha thu khoảng 100 triệu đồng. “100% sản phẩm khoai tây của HTX được tiêu thụ thuận lợi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Tôi dự kiến sẽ mở rộng diện tích sản xuất khoai tây đông ở những vụ sau”- anh Tuấn thông tin.
Theo bà Đào Thị Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, để khuyến khích bà con quan tâm đến vụ đông, huyện tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, thị trường, tập huấn KHKT và hàng năm đều phát động thi đua.
Khuyến cáo giảm dần các cây trồng truyền thống, đưa các loại cây phù hợp với nhu cầu của thị trường, tiêu thụ thuận lợi như: Khoai tây chế biến, cà chua, bí xanh, ngô ngọt, ngô làm thức ăn chăn nuôi vào sản xuất. Năm 2020, toàn huyện có thêm 28 mô hình ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là sản xuất rau và hoa trong nhà lưới nhà màng tại xã Ngọc Lý, Ngọc Châu, Quế Nham, Ngọc Thiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Chỉ đạo dồn điền đổi thửa để tích tụ ruộng đất đưa cơ giới hóa vào các khâu. Khuyến khích bà con sản xuất theo nhóm hộ.
Lấy HTX làm trung tâm, đầu mối ký kết hợp đồng, liên kết, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Duy trì mô hình dưa lưới, hoa theo hướng an toàn tại xã Phúc Sơn, Quang Tiến cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/vụ/mô hình. Hiện nay, Tân Yên có 13 cánh đồng mẫu, trong đó có 7 cánh đồng sản xuất ngô ngọt, bí tại các xã: Lan Giới, Phúc Sơn, Đại Hóa, Ngọc Thiện với quy mô 30ha/cánh đồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 3 cánh đồng mẫu sản xuất lạc giống tại các xã Song Vân, Ngọc Vân, Lam Cốt; 2 cánh đồng mẫu sản xuất hành tỏi tại các xã: Liên Chung, Quế Nham; 1 cánh đồng mẫu sản xuất bắp cải tại xã Ngọc Lý theo hướng an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền về cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện đến bà con. Đơn cử như hỗ trợ khôi phục và xây dựng mới vùng sản xuất rau quả chế biến xuất khẩu tập trung (dưa chuột bao tử, cà chua bi, ớt, khoai tây...)quy mô từ 2 ha trở lên, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Phối hợp với tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện đề tài, dự án, mô hình.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân; vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Kịp thời giới thiệu mô hình, vùng sản xuất tiêu biểu để người dân có cơ hội tham quan, học tập. Tăng cường hướng dẫn, trao đổi trực tiếp với nông dân. Tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến trong khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất; quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường khâu nối, chủ động gặp gỡ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào địa bàn liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Tiếp tục quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: Lạc giống, rau quả chế biến, rau quả thực phẩm... để các tổ chức, cá nhân biết, thu mua.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)