Nông sản vụ đông: Đầu ra mở rộng
Đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 21 nghìn ha cây vụ đông. Với quan điểm chỉ đạo cốt lõi là tăng hiệu quả, không nặng về diện tích nên các địa phương tích cực triển khai dựa trên lợi thế của từng vùng. Mỗi huyện, TP lựa chọn cây trồng thế mạnh để phát triển. Tại Lục Nam, phát huy thế mạnh nông dân các xã có kinh nghiệm làm rau màu, huyện khuyến cáo bà con thâm canh rải vụ, không tập trung thu hoạch sản phẩm vào cùng một thời điểm. Nắm bắt nhiều năm qua, cây vụ đông sớm thường được giá, bởi vậy khi gặt xong lúa mùa, hộ bà Nguyễn Thị Đạt, thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện trồng ngay 3 sào cà chua. Đang xếp những quả cà chín đỏ, chuẩn bị chở đến điểm cân, bà Đạt kể: “Đầu vụ, cà chua chín đến đâu bán hết đến đó, giá lên tới 20-25 nghìn đồng/kg. Hiện nay chỉ còn 10 nghìn đồng/kg nhưng gia đình tôi đã sắp thu hoạch hết rồi. Trừ chi phí, mỗi sào cà chua lãi khoảng 15 triệu đồng sau trồng 3 tháng”.
![]() |
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Đạt, thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam) thu hoạch cà chua. |
Cũng như bà Đạt, nhiều hộ ở xã Chu Điện coi rau màu là nguồn thu nhập chính nên luôn chú trọng bám đồng, bám ruộng, sản xuất đa dạng cây trồng như: Rau ăn lá, củ, quả… với diện tích hơn 200 ha. Nơi đây được nhiều thương nhân tìm về đặt điểm cân mang nông sản tiêu thụ khắp các tỉnh, TP trong cả nước.
Thời điểm này, với sự xuất hiện của đợt rét đậm đầu tiên trong năm khiến vùng trồng rau cần tập trung xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) sôi động hẳn lên. Xe cộ ra vào xã “ăn” hàng tấp nập. Theo ông Trần Kim Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã, tại xã có hơn chục điểm thu mua rau. Thu hoạch rau cần khá kỳ công như phải nhổ rồi rửa, sau đó mới bó nên các tiểu thương đặt hàng những chủ điểm cân từ trước mới kịp. Bình quân mỗi ngày, toàn xã cung cấp khoảng 120-140 tấn rau cho thị trường. Với hơn 180 ha rau cần, doanh thu năm nay ước đạt 80 tỷ đồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), chưa có thống kê cụ thể song diện tích cây trồng vụ đông có hợp đồng liên kết năm nay khoảng hơn 2 nghìn ha, tăng 300 ha so với năm ngoái. |
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhìn chung thời tiết năm 2018 cơ bản thuận lợi cho cây ưa ấm. Các cây trồng gồm: Ngô, lạc, khoai lang, rau các loại sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó một số diện tích được thu hoạch, sản phẩm bán dễ dàng. Nguyên nhân là do nhiều năm qua nông dân một số nơi trong tỉnh và các địa phương khác không mặn mà với đồng ruộng, tập trung đi làm thuê, công nhân ở các xí nghiệp để có thu nhập. Do đó thực phẩm tiêu dùng, nhất là rau xanh đều phải mua để sử dụng cho bữa ăn hằng ngày, giúp nông sản thuận đầu ra.
Những cây ưa lạnh phát triển kém hơn do vụ đông này có nhiệt độ trung bình cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu xuất hiện đợt lạnh thì thời gian tới cây ưa lạnh có nhiều triển vọng tốt, nhất là khoai tây. Bà Nguyễn Thị Cương, thôn Quảng Mô, xã Phi Mô (Lạng Giang) cho biết: “Vụ đông này, gia đình tôi liên kết với Viện Công nghệ Sinh học ở Hà Nội trồng 7 ha khoai tây chế biến Atlantic. Mấy ngày trước, trời nắng bừng như mùa hè, tôi thắc thỏm lo khoai chỉ ra rễ. Hy vọng, từ nay đến cuối vụ có vài đợt lạnh nữa để khoai cho năng suất cao”.
Sản xuất vụ đông năm nay tiếp tục thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tham gia liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm. Điển hình, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Tân Nông Bắc Giang; Công ty TNHH một thành viên GET (Hiệp Hòa) liên kết với nông dân sản xuất hàng trăm ha khoai tây chế biến. Ngoài ra còn có Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu G.O.C; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco Bắc Giang cũng liên kết trồng dưa chuột bao tử, cà chua bi... Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), chưa có thống kê cụ thể song diện tích cây trồng vụ đông có hợp đồng liên kết năm nay khoảng hơn 2 nghìn ha, tăng 300 ha so với năm ngoái. Thu nhập bình quân cây vụ đông đã được thu hoạch hơn 100 triệu đồng/ha. Giá trị cây vụ đông ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng.
Chỉ còn gần hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm năng suất cây trồng cũng như nguồn cung thực phẩm dịp Tết, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, trên cơ sở đặc điểm thời gian sinh trưởng của từng đối tượng cây trồng, bà con cần bố trí khung thời vụ xuống giống, chăm sóc cây hợp lý; tránh thu hoạch cùng lúc nhiều sản phẩm vào thời điểm gieo cấy lúa xuân. Bởi lẽ, giai đoạn này người dân phải tập trung thu hoạch nông sản, giải phóng đất sẽ khiến giá rau rẻ, hiệu quả thấp.
Khánh Vân
Ý kiến bạn đọc (0)