Bắc Ninh: Giúp người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định đời sống
BẮC NINH - Hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn khi mưa bão xảy ra, gây lo lắng cho người dân. Mặc dù các ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp, tuy vậy, vẫn cần những chính sách an sinh bền vững để người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất.
Nỗi lo thường trực
Từ ngày 19 đến 30/6, tại thôn Bảo Tân, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa cũ) xảy ra nhiều điểm sạt lở, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 9 hộ dân với gần 40 nhân khẩu. Cung sạt nguy hiểm nhất dài khoảng 30 m, ăn sâu vào bãi sông, gây đổ tường và lấn vào phần sân nhà ông Ngô Văn Trường. Trước nguy cơ sạt lở tiếp tục mở rộng, chính quyền xã Hợp Thịnh đã di dời khẩn cấp 5 gia đình với 19 người đến nơi ở tạm tại trụ sở UBND xã Đại Thành (cũ) và nhà người thân. Hơn nửa tháng qua, cuộc sống của các gia đình bị xáo trộn rõ rệt; ai cũng mong muốn sự cố sớm được khắc phục để trở về nhà.
![]() |
Người dân mất nhà cửa do sạt lở đất ở khu phố Vạn An ở tạm trong trường mầm non. |
Trước đó, vào tháng 3/2024, sạt lở xảy ra nghiêm trọng tại các thôn Nguyệt Đức, Thổ Hà, Yên Viên (xã Vân Hà cũ) và khu phố Vạn Phúc (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũ), khiến hàng chục hộ dân sống hai bên bờ sông Cầu rơi vào cảnh trắng tay vì mất nhà cửa và tài sản. Bà Nguyễn Thị Thao, một người dân bị ảnh hưởng đang ở tạm tại Trường Mầm non Vạn An chia sẻ: “Được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nên khi sạt lở xảy ra không ai bị thương tích. Dù phải ở tạm nhưng chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì được sống trong tình đoàn kết, đùm bọc nhau vượt qua lúc khó khăn”.
Không chỉ ở vùng ven sông Cầu, tại các xã miền núi như Tây Yên Tử, Tuấn Đạo, Tân Hoa…, thời gian qua, nhiều hộ dân cũng buộc phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất. Nguyên nhân chủ yếu do nền địa chất tại các điểm sạt trượt chủ yếu là đất bãi bồi pha cát, dễ trượt khi mưa lớn kéo dài và mực nước sông xuống thấp.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư
Nhờ chủ động tuyên truyền và cảnh báo kịp thời, các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, song ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Kinh Bắc cho biết: Ngay sau vụ sạt lở vào tháng 3/2024 khiến hàng chục hộ dân mất nhà cửa, UBND tỉnh Bắc Ninh (cũ) đã bố trí hơn 28 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng kè bảo vệ bờ sông với chiều dài khoảng 130 m; đồng thời gia cố chống xói đáy sông bằng đá thả rời, thảm đá và các hạng mục phụ trợ. Bên cạnh đó, địa phương khẩn trương xây dựng khu tái định cư rộng 2,6 ha. Hiện nay, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến đến tháng 8 tới sẽ bàn giao mặt bằng. Tỉnh cũng đã hoàn thành phương án xây dựng giá đất tái định cư, mức giá trần đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng và tổ chức cho người dân bốc thăm vị trí lô đất. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ thủ tục hành chính, xem xét, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để người dân đủ điều kiện sớm xây dựng nhà ở mới.
Để bảo đảm an sinh cho người dân vùng bị thiên tai, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng các địa phương đang triển khai đồng bộ giải pháp, bao gồm: Xây dựng khu tái định cư với đầy đủ hạ tầng điện, nước, y tế, giáo dục; thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế bền vững như đào tạo nghề, tín dụng ưu đãi, hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện nơi ở mới. |
Còn tại bờ tả sông Cầu, trước khi sáp nhập địa giới hành chính, thị xã Việt Yên (cũ) đã xây dựng Đề án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà (nay là phường Vân Hà), quy mô 5 ha, thực hiện giai đoạn 2023 - 2026 với tổng mức đầu tư 71,2 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xét duyệt danh sách 139 hộ với gần 500 khẩu ở các thôn Yên Viên, Thổ Hà, Nguyệt Đức chưa có nhà ở, có nguyện vọng lên bờ, sẽ được chuyển đến khu tái định cư. Tuy vậy, theo lãnh đạo địa phương, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc do xã nằm trong hành lang thoát lũ nên địa phương kiến nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn để dự án sớm được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Huy động mọi nguồn lực bảo vệ đê điều
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó thiên tai, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai khắc phục sự cố đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”. Những ngày này, tại xã Mỹ Thái, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện để xử lý sự cố sạt lở đê bối xảy ra ngày 7/7. Cung sạt trượt phía sông kéo dài hàng chục mét, có đoạn ăn sâu vào thân đê từ 1 - 1,5 m, đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân và nhiều diện tích hoa màu. Sau một tuần cao điểm xử lý, các vị trí sạt lở cơ bản đã được khắc phục.
Tương tự, tại xã Hợp Thịnh, chính quyền địa phương phối hợp với Hạt Quản lý đê Hiệp Hòa thành lập Tổ chỉ huy hộ đê, xử lý khẩn cấp cung sạt lở trên đê tả Cầu đoạn qua thôn Bảo Tân. Phương án mở rộng mặt đê đã được thống nhất, hiện hàng trăm công nhân cùng phương tiện ô tô, máy xúc, xe lu… đang làm việc ngày đêm, phấn đấu khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Do còn nhiều khó khăn nên UBND xã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí hỗ trợ.
Để bảo đảm an sinh cho người dân vùng bị thiên tai, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng các địa phương đang triển khai đồng bộ giải pháp, bao gồm: Xây dựng khu tái định cư với đầy đủ hạ tầng điện, nước, y tế, giáo dục; thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế bền vững như đào tạo nghề, tín dụng ưu đãi, hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện nơi ở mới. Tại các xã miền núi, vùng cao, địa phương phối hợp với Sở Dân tộc và Tôn giáo tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng thiết yếu.
Về lâu dài, theo đồng chí Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở tiếp tục tham mưu tỉnh bố trí nguồn kinh phí kịp thời, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng, chống thiên tai như đê điều, kè sông, cống tiêu úng, thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để dự báo, cảnh báo sớm, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong sơ tán, di dời dân trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình trái phép vi phạm hành lang an toàn đê điều, ven sông, suối.
Ý kiến bạn đọc (0)