Bắc Ninh: Khẩn trương huy động tổng lực ứng phó với bão số 3
BẮC NINH - Bão số 3 (Wipha) dự kiến có cường độ mạnh, hướng di chuyển và mức độ ảnh hưởng rất lớn (như cơn bão số 3 - bão Yagi năm 2024). Dự báo bão đổ bộ vào đất liền nước ta và hướng đi tác động trực tiếp đến tỉnh Bắc Ninh. Với mục tiêu cao nhất bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo huy động lực lượng và triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Thiệt hại do dông lốc
Mặc dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 song từ chiều 19/7 đến sáng nay (21/7), dông lốc đã gây ra thiệt hại bước đầu trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, tính đến 7 giờ sáng 21/7, toàn tỉnh ghi nhận một trường hợp tại xã Tam Tiến bị thương nhẹ do mái tôn bị gió lốc cuốn bay vào người. Tổng cộng có 36 nhà bị tốc mái, tập trung tại các xã: Yên Thế, Tam Tiến, Biên Sơn, Tự Lạn, Kiên Lao, Hợp Thịnh, Bắc Lũng và Nhã Nam.
![]() |
Một ngôi nhà ở xã Biên Sơn bị tốc mái do cơn dông xảy ra chiều 19/7. |
Tại các xã: Tuấn Đạo, Hợp Thịnh, Biên Sơn, một số hộ dân đã được sơ tán do nằm trong khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất. Trong sản xuất nông nghiệp, mưa lớn đã gây ngập cục bộ khoảng 90 ha lúa, trong đó xã Tự Lạn 40 ha, phường Việt Yên 10 ha và xã Yên Thế 10 ha.
Tại xã Yên Thế, 21 ha cây lâm nghiệp, 100 cây phân tán và 80 cây ăn quả bị đổ gãy. Ngoài ra, có 49 cây xanh tại các xã Yên Thế, Sơn Động, Tự Lạn và phường Bắc Giang bị đổ gãy. Về chăn nuôi, xã Yên Thế ghi nhận 200 con gà bị chết.
Trong lĩnh vực công nghiệp, gió lốc làm 4 cột điện tại các xã Yên Thế, Tam Tiến và Kiên Lao; 1 cột loa phát thanh tại xã Kiên Lao và 1 cột viễn thông tại xã Đại Sơn bị đổ gãy. Ngành giáo dục cũng chịu ảnh hưởng với 3 điểm trường tại xã Biên Sơn và Hợp Thịnh bị tốc mái, hư hỏng phần mái tôn.
Cùng đó, mưa giông làm 3 nhà văn hóa tại các xã Yên Thế, Biên Sơn, Kiên Lao bị tốc mái; một phần mái che sân vận động tại xã Sơn Động bị hư hỏng; 3 nhà xưởng ở các xã Tam Tiến, Đại Sơn bị ảnh hưởng nặng.
Một số công trình xây dựng khác cũng bị thiệt hại như 230 m tường rào tại các xã Đồng Kỳ, Tam Tiến, Yên Thế và Kiên Lao bị đổ; sập một cổng nhà xưởng tại xã Tam Tiến; 6 nhà xưởng tại xã Tam Tiến bị sập mái và 100 m kênh tiêu bị sạt lở nghiêm tại xã Tự Lạn.
![]() |
Lực lượng chức năng xã Hợp Thịnh chuẩn bị vật tư gia cố đê. |
Sơ tán người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn
Dông lốc đã gây ra thiệt hại bước đầu song bão số 3 dự báo có sức tàn phá cao gấp nhiều lần. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, vào hồi 7 giờ sáng 21/7, vị trí tâm bão số 3 nằm ở khoảng 21,3 độ vĩ Bắc và 109,9 độ kinh Đông, cách Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 222 km về phía Đông. Vùng gần tâm bão ghi nhận sức gió mạnh cấp 9 (75- 88 km/giờ), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15 - 20 km/giờ.
![]() |
Cán bộ Hạt Quản lý đê Hiệp Hòa kiểm tra thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai. |
Dự báo gần sáng mai (22/7), bão sẽ áp sát bờ và đổ bộ vào khu vực từ Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa với cường độ cấp 9-10, giật cấp 13. Tại tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng bởi rìa Tây và sau đó là phía Bắc Tây Bắc của hoàn lưu bão, từ ngày 21 đến hết ngày 22/7 dự kiến sẽ xảy ra một đợt mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Thời gian mưa lớn tập trung từ chiều tối ngày 21 đến chiều 22/7.
Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản cho Nhân dân trước thiên tai, tại xã vùng cao Đại Sơn, ngay trong sáng 21/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đại Sơn đã quyết định di dời 8 hộ dân ở khu vực Khe Mòong, thuộc thôn Đồng Băm. Trước mắt, UBND xã Đại Sơn sẽ bảo đảm nước uống, lương thực, thực phẩm tối thiểu trong 3 ngày cho các hộ gia đình, đồng thời tiếp tục vận động các nguồn lực trong Nhân dân hỗ trợ.
![]() |
Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Đại Sơn tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. |
Khảo sát tại xã Hợp Thịnh, nơi có nhiều thôn trải dài ven đê tả Cầu với nhiều điểm xung yếu, thời gian gần đây đã ghi nhận hàng loạt sự cố nghiêm trọng như: Sạt lở bờ bãi sông tại thôn Bảo Tân, nứt đê bao tại thôn Xuân Giang và sạt lở núi Y Sơn ở thôn Thù Sơn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền địa phương đang huy động tối đa nhân lực và phương tiện để tập trung cho công tác phòng, chống mưa bão nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, với phương châm bảo đảm tính mạng người dân là trên hết, trước hết, địa phương đã tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Ngay trong sáng 21/7, 3 hộ gia đình gồm các ông, bà: Ngô Văn Trường, Nguyễn Thị Tâm, Trần Văn Vinh cũng được địa phương hỗ trợ di dời toàn bộ con người, tài sản, vật nuôi… ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, xã cũng thông báo danh sách 9 hộ khác ở thôn Thù Sơn cần phải di dời do nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt trượt núi Y Sơn.
![]() |
Xã Tiên Lục chuẩn bị hàng trăm vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. |
Đối với các thôn ven đê như: Bảo Tân, Đồng Đạo, Đa Hội, Xuân Giang, xã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê. Tại các khu vực này đã dự phòng lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại xã Biên Sơn, cơn mưa lớn kèm theo dông lốc chiều ngày 19/7 đã khiến 13 hộ bị tốc mái, hư hại nhà cửa. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã hỗ trợ di dời nhà dân; tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cử lực lượng canh gác kiên quyết không cho các hộ trở lại nhà khi chưa bảo đảm an toàn.
![]() |
Xã Tuấn Đạo cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm người, phương tiện qua lại. |
Hiện nay, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã có phương án huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân, chuẩn bị vật tư thiết bị phục vụ công tác ứng phó. Nhân dân chủ động các biện pháp chằng, buộc, chống nhà cửa, cây cối, công trình xây dựng; cắt tỉa, hạ độ cao của cây xanh, biển bảng cáo…
Các xã, thôn ven sông thường xuyên kiểm tra địa điểm xuất hiện mạch đùn, mạch sủi khi mực nước sông cầu dâng cao; chủ động thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được tổ chức huấn luyện, diễn tập. Các hạt quản lý đê đã chuẩn bị hàng nghìn phao cứu sinh, bè, mảng, áo phao, bạt, mái che, bao tải, cát, đất… để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh tạm gác những công việc không quan trọng khác, dồn tổng lực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3.
Trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu
Để ứng phó với bão, UBND tỉnh đã ban hành Công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão. Đồng thời ban hành văn bản yêu cầu các cấp, ngành triển khai tăng cường lực lượng ứng phó với bão Wipha.
![]() |
Công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị Bắc Ninh tập trung nạo nét các cống thoát nước trên địa bàn phường Bắc Giang. |
Trước diễn biến phức tạp của bão, để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với nguy cơ mưa bão, úng ngập, ngoài chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo khẩn trương ứng phó với bão số 3. Yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh tập trung cao độ, chỉ đạo các ngành liên quan, UBND cấp xã trực ban 24/24 giờ, xây dựng phương án chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, tài sản doanh nghiệp và Nhà nước.
![]() |
Trạm bơm tiêu Cống Chản bơm tiêu nước đệm. |
Trong ngày 20 và sáng 21/7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra hàng loạt khu vực xung yếu trong toàn tỉnh.
Tại các nơi đến kiểm tra, các đồng chí đều nắm bắt tình hình thực tiễn, đôn đốc công tác phòng, chống bão lũ. Với các xã ven đê, khẩn trương rà soát, triển khai thực tế các phương án hộ đê; xây dựng phương án tiêu thoát nước cho các khu đô thị, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những địa bàn trũng, dễ bị úng ngập. Các ngành, địa phương, xây dựng phương án hiệp đồng, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Cảnh báo các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, đá: Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ trưa 21 đến ngày 23/7, tại các khu vưc trong tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, khả năng gây ngập úng cục bộ. Một số tuyến phố có khả năng ngập sâu. Cụ thể: Tại phường Bắc Giang có các điểm/tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Ngô Văn Cảnh, Lê Lý, Quảng trường 3/2, Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Vi Đức Thăng, Cô Giang, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đức Trung, Lều Văn Minh, Lê Hồng Phong, Hoàng Quốc Việt, Lý Tự Trọng, Minh Khai 1 và một số tuyến phố khu dân cư số 3; Phường Việt Yên có Khu công nghiệp Đình Trám; Phường Võ Cường có các tuyến đường: Cầu Cạn Niềm Xá, ngã tư Cổng Ô, chợ Đọ, đường giao Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ; Phường Kinh Bắc có các tuyến đường Lạc Long Quân, Thiên Đức, Cầu Cạn Y Na, Hoàng Quốc Việt. Mưa lớn gây nguy cơ mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, đá tại một số xã: Đại Sơn, Sơn Động, Tây Yên Tử, Dương Hưu, Yên Định, An Lạc, Vân Sơn, Biển Động, Lục Ngạn, Đèo Gia, Sơn Hải, Tân Sơn, Biên Sơn, Sa Lý, Nam Dương, Kiên Lao, Lục Sơn, Trường Sơn, Cẩm Lý, Đông Phú, Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Lũng, Bảo Đài. |
Ý kiến bạn đọc (0)