Từ chiến trường đến thương trường: Không khuất phục
BẮC NINH - Một ngày đầu ngày tháng Bảy, chúng tôi về khu phố 1, phường Kinh Bắc (Bắc Ninh) gặp thương binh 1/4 Trịnh Ngọc Liễn. Bên ấm trà nóng, ông chia sẻ kỷ niệm một thời khói lửa hào hùng cùng đồng đội vào sinh ra tử, về vết thương “khi trở gió lại đau nhức nhối” cùng nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Thương binh Trịnh Ngọc Liễn sinh năm 1947 tại thôn Định Mỗ, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (nay là xã Xuân Lai, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 3/1967, vừa tròn 20 tuổi, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chàng thanh niên Trịnh Ngọc Liễn xin phép gia đình được đi bộ đội.
“Lúc đó cả nước sôi sục, tất cả vì miền Nam ruột thịt, ai cũng mong muốn được phụng sự Tổ quốc, song vì sức khoẻ chưa đạt nên tôi không được nhận. Tôi rất buồn nhưng quyết tâm không bỏ cuộc. Đến tháng 7/1967, tôi tiếp tục viết đơn tình nguyện nhập ngũ lần 2, may mắn lần này tôi được lựa chọn vào hàng ngũ thanh niên ra trận” - Thương binh Trịnh Ngọc Liễn bồi hồi nhớ lại.
![]() |
Thương binh Trịnh Ngọc Liễn (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm một thời binh lửa. |
Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào Sư đoàn 320B, hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau 4 tháng hành quân dọc Trường Sơn đến trạm tập kết ở Tây Ninh, ông nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 41, Sư đoàn 7. Trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, và bị thương. Sau gần 2 tháng điều trị, ông trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu tham gia chiến dịch chống càn ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Anh dũng, xông pha, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ quyết thắng”, được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan mặt trận giải phóng miền Nam.
Đầu năm 1970, ông được điều sang mặt trận Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Ông được giao giữ chức Chính trị viên trưởng, Bí thư Chi bộ Đại đội trinh sát C21, E207, quân khu C40. Ông cùng đồng đội tham gia 2 chiến dịch “Chenla 1” và “Chenla 2”, được tặng thưởng nhiều giấy khen, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ đạt “Chi bộ 3 tốt”. Năm 1973, ông được điều động về chiến trường miền Nam. Năm 1974, trong trận đánh ở rạch Cầu Đại, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ông bị thương nghiêm trọng, gây liệt và hỏng bàn chân phải. Do vị trí viên đạn nằm ở dây thần kinh hông nên không thể mổ lấy ra, vẫn còn nằm trong cơ thể ông đến ngày nay.
Do bị thương nặng, thương binh Trịnh Ngọc Liễn được đưa ra miền Bắc điều trị. Sau đó ông được cử đi học tại Học viện Hậu cần. Tuy nhiên, vết thương tái phát, ông trở về Đoàn 158 Nam Hà điều trị. Cuối năm 1975, do sức khoẻ giảm sút, không thể phục vụ trong quân đội, ông xin chuyển ngành. Ông xin về công tác tại UBND thị xã Bắc Ninh (cũ), được phân công làm Trưởng phòng Kế hoạch Xí nghiệp Thương binh Thị Cầu. Ông cùng lãnh đạo xí nghiệp lo công ăn việc làm cho hơn 200 anh chị em là thương binh xuất ngũ. Xí nghiệp được UBND tỉnh, Ty Thương binh xã hội Hà Bắc (cũ) và Bộ Thương binh xã hội khen thưởng là đơn vị sản xuất kinh doanh giỏi.
Năm 1986, ông xin nghỉ việc và thành lập Hợp tác xã cơ khí tháng 9 chuyên sản xuất ốc vít đồng và nan hoa xe đạp. Năm 2002, kinh tế khá giả hơn, ông thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Đức chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, luôn nỗ lực vươn lên, Công ty của ông làm ăn phát đạt. Đặc biệt, Công ty có tới 70% công nhân là con em cựu chiến binh. Ông chia sẻ: “Là đồng đội, làm được gì cho đồng chí thì cố gắng làm, phần nào giúp đồng đội yên tâm”.
Trưởng thành và tôi luyện trong chiến tranh, người thương binh Trịnh Ngọc Liễn luôn giữ cho mình khí chất của người lính, sống đơn giản và trong sạch. Với các con của ông, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng luôn là niềm tự hào, để từ đó hình thành nên nếp sống thuận thảo. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi luôn nêu cao phương châm “tri thức phải có hàng đầu, gia đình hạnh phúc là giàu, là sang”, cả bốn người con của tôi đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc”.
Ý kiến bạn đọc (0)