Để vải chín muộn Tân Sơn thêm “ngọt”
BẮC NINH - Vào trung tuần tháng 7, khi nhiều nơi trong tỉnh Bắc Ninh đã bán hết vải thiều chính vụ thì tại xã vùng cao Tân Sơn, mùa thu hoạch mới bắt đầu. Những chùm vải đỏ rực trên sườn đồi đang chờ người thu hái.
Tân Sơn là trung tâm của vùng sản xuất vải thiều chín muộn, người dân nơi đây vừa khai thác yếu tố địa chất, điều kiện thời tiết khác biệt vừa ứng dụng kỹ thuật thâm canh nên chất lượng vải không ngừng được nâng cao. Cũng như mọi năm, với sự cần mẫn chăm chút cho cây trồng, bà con trong xã hy vọng về vụ vải được mùa, được giá.
Nhọc nhằn "vơi" dần theo giá bán!
Từ 6 đến 10 giờ sáng, những xe thồ chở đầy sọt vải trĩu nặng từ các ngả đường hướng về chợ Tân Sơn. Không khí thu mua tấp nập. Chị Vi Thị Hòa ở thôn Hà cùng mấy lao động lấy hết sức nhấc sọt vải xuống xe vừa nói: “Năm ngoái vải được giá cao, có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg thì nhà tôi lại mất mùa. Năm nay được mùa, cây nào cây ấy quả sai lúc lỉu song giá không được cao như năm ngoái. Mấy hôm trước khoảng 10 nghìn đồng/kg, đến sáng nay đã nhích lên, với loại quả mẫu mã đẹp, đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thì bán được 15 nghìn đồng/kg. Mong sao giá sẽ tăng thêm trong những ngày tới”. Câu nói như gói cả tâm trạng của biết bao người trồng vải Tân Sơn, cả năm vất vả chăm bón, vun trồng, chỉ mong vài ngày ngắn ngủi bán được giá cao, nhất là khi nguồn cung đã giảm nhiều. Với người dân vùng cao, trái vải là kế sinh nhai, là “lộc trời” bám rễ vào đất đồi cằn cỗi.
![]() |
Vợ chồng chị Vi Thị Bền, thôn Thác Lười thu hoạch vải. |
Bắt đầu từ trung tuần tháng 7, chợ Tân Sơn thu hút nhiều thương nhân các tỉnh Lào Cai, thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội… tìm về cân vải. Trong khoảng 2-3 tiếng buổi sáng chợ rất đông người, xe chở hàng qua lại nên cả tuyến đường dẫn vào chợ rực sắc đỏ tươi của vải chín và thường bị ùn, tắc. Chợ vải chỉ bán buôn theo xe (hoặc sọt) nên khách mua lẻ thường tìm về các vườn trồng.
Từ chợ Tân Sơn, chúng tôi theo chân Trưởng bản Bắc Hoa Vi Văn Chèo về những khu vườn của bà con. Men theo sườn đồi, từng nhóm người lúi húi bẻ vải, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt bừng đỏ vì nắng nóng. Thấy xe ngược về, tiếng mọi người í ới: “Nay vải bán bao nhiêu?”. Nghe tin giá hôm nay cao hơn hôm trước, mọi người giục nhau gắng nhanh tay thu hái, bó gọn thành từng túm từ 3-4 kg. Sau khi vải được xếp vào sọt, cánh đàn ông khỏe mạnh lấy sức gánh từng sọt nặng xuống chân đồi, đưa lên xe để kịp mang xuống chợ trước khi cơn mưa rào ập xuống.
Trên ngôi nhà neo ở đỉnh cao của ngôi làng cổ Bắc Hoa, bà Lường Thị Loan (64 tuổi) dân tộc Nùng vừa trông nom 3 đứa cháu nhỏ vừa nhìn về phía chân đồi. Dù thóc vụ mùa vẫn còn đang vun đống dưới mái hiên, bà bảo con trai và con dâu phải đi nhanh vào vườn bẻ vải khi hẹn được một thương lái. “Mấy ngày nay trời mưa nhiều, để lâu giá vải không chắc cao hơn, nếu quả thối, rụng thì trôi hết công sức chăm bón cả năm. Gọi được người mua tại vườn, tôi giục vợ chồng nó bán sớm. Vào năm học mới, số tiền thu được từ vụ vải sẽ dành để mua sách vở, quần áo cho lũ trẻ tới trường”.
Mùa vải chín trở thành mùa sôi động và được quan tâm, mong chờ nhất trong năm ở Tân Sơn. Một bầu không khí khẩn trương, rộn ràng len lỏi vào từng mái nhà, xóm nhỏ, trên mỗi gương mặt người nông dân. Việc thu hoạch diễn ra từ lúc nửa đêm đến sáng, tuy vất vả nhưng ai nấy vẫn kiên trì bám trụ với vườn đồi, nâng niu cây vải.
Khi thu hoạch vải thiều, người dân đối mặt với những nguy cơ như bị ngã do phải trèo cây cao; bị muỗi, côn trùng cắn. Dù vậy, trước áp lực thời vụ, gia đình nào cũng phải bố trí nhân lực hoặc thuê thêm người nhanh chóng thu vườn nào gọn vườn đó, đồng thời có phương án trang bị bảo hộ lao động. Ai cũng mong bán được giá cao để bù đắp lại những nhọc nhằn mà họ từng trải qua. Vợ chồng chị Vi Thị Bền ở thôn Thác Lười kể: “Giá lên, xuống chỉ cách nhau vài giờ nên chúng tôi phải huy động thêm nhân lực tập trung thu hoạch, nếu lỡ chuyến hàng, họ cân xong rồi thì lại bán rất rẻ. Năm nay, vải sai quả nhưng giá lại bấp bênh quá!. Chỉ biết mong từ nay đến cuối vụ tiêu thụ thuận lợi”. Gia đình chị Bền có hơn 1 ha vải muộn, sản lượng ước đạt 16 tấn, giá bán dao động từ 10 nghìn - 20 nghìn đồng/kg.
Mở rộng đầu ra
Vải thiều chín muộn ở Tân Sơn có vị ngọt đậm, màu đỏ tươi, cùi dày được kết tinh từ địa chất, khí hậu vùng núi cao ít nơi có, chất lượng, mẫu mã khác biệt với các giống vải trồng ở vùng thấp. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được thương nhân thu mua rồi đưa đi bán lẻ tại các chợ truyền thống; số được chế biến chưa nhiều. Toàn xã Tân Sơn có hơn 700 ha trồng vải, sản lượng khoảng 8 nghìn tấn, đến cuối tháng 7 địa phương thu hoạch được hơn một nửa. Trên mặt bằng chung, giá sản phẩm cuối vụ năm nay không cao như năm trước song những vườn canh tác theo quy trình VietGAP vẫn được giá; mỗi hộ dân thu lợi nhuận xấp xỉ 40% nếu không mất thêm chi phí nhân công ở các khâu trồng, chăm sóc.
![]() |
Người dân Tân Sơn bán vải muộn. |
Thời gian qua, chính quyền xã Tân Sơn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người dân áp dụng quy trình VietGAP, chuyển đổi giống vải chín muộn chất lượng cao. Nhờ vậy, xã hình thành vùng hơn 400 ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có 20 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Úc và Mỹ... và đưa vào các bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, siêu thị. Trên địa bàn đã thành lập tổ sản xuất để tăng khả năng liên kết theo chuỗi, nâng giá trị quả vải.
Tại thôn Thác Lười, tổ sản xuất vải thiều do anh Chu Văn Phó làm Tổ trưởng có 66 hộ tham gia, với 65 ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Phó cho biết: “Người dân tuân thủ quy trình chăm sóc, từ giai đoạn cây ra hoa, phát lộc cho đến đậu quả đều ghi chép vào sổ sách tỉ mỉ. Vải VietGAP có chất lượng vượt trội, thương nhân bao tiêu trọn vườn. Chúng tôi còn hướng dẫn các gia đình có vườn đẹp cải tạo không gian, sắp xếp khu vực tiểu cảnh để đón du khách đến tham quan, chụp ảnh trải nghiệm nhằm quảng bá sản phẩm. Với cách làm mới này, gần đây, một vài hộ đã tăng thêm nguồn thu”. Riêng anh Phó còn thực hiện nhiều phiên livestream tại vườn vải mỗi ngày, doanh thu từ bán online chiếm 20%, giá bán cao hơn trực tiếp tới 50%. Anh liên hệ nhiều đầu mối vận chuyển để mang đến cho khách hàng những chùm vải ngon nhất.
Tuy có nhiều ưu thế về chất lượng song theo chính quyền xã Tân Sơn, đầu ra của quả vải nơi đây vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, do diện tích vải chín muộn chỉ tập trung trên địa bàn xã nên sản lượng không lớn, khó gom đủ số lượng để phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tập trung thu mua vào thời điểm chính vụ. Do vậy người trồng vải muộn phải phụ thuộc vào người mua bán nhỏ, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định.
Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Vi Văn An cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường liên kết giữa người trồng, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Xã đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu”. Để những vụ vải chín muộn thêm “vị ngọt”, tăng hiệu quả kinh tế, lan tỏa giá trị bản địa cần thêm những chính sách cụ thể, đột phá từ quy hoạch vùng trồng, ứng dụng khoa khọc kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ; từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho vải muộn Tân Sơn nói riêng và nông sản Bắc Ninh nói chung.
Ý kiến bạn đọc (0)