Bám địa bàn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân
BẮC NINH - Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, vận hành chính quyền địa phương hai cấp, ngành Y tế Bắc Ninh nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Cán bộ, nhân viên các trạm y tế bám sát địa bàn, kịp thời khám, chữa bệnh ban đầu và triển khai các chương trình y tế cộng đồng.
Không gián đoạn hoạt động chuyên môn
Sáng 18/7, bà Nguyễn Thị Chép (sinh năm 1958), trú tại thôn Thiểm Xuyên, xã Tam Đa đến Trạm Y tế Thụy Hòa (xã Tam Đa) khám với triệu chứng đau kèm chảy nước mắt. Theo lời bà Chép, buổi chiều hôm trước, bà cùng một số giáo viên Trường Mầm non Thụy Hòa tham gia cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trường. Đến tối, thấy mắt đau, cho rằng có bụi rơi vào mắt, bà rửa nước muối và tra thuốc song không đỡ. Tại Trạm Y tế Thụy Hòa, qua thăm khám, cán bộ trạm xác định bà Chép bị viêm bờ mi, kê đơn, cấp thuốc uống, thuốc nhỏ mắt. Cũng như bà Chép, từ đầu tháng 7 đến nay, bà Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1960), thôn Đức Lý, xã Tam Đa thường xuyên đến Trạm Y tế Thụy Hòa để điều trị đau mỏi vai gáy, thoái hóa khớp gối. Sau liệu trình gần 20 ngày, các cơn đau giảm, bà không còn chóng mặt, chân cũng dần ổn định.
![]() |
Cán bộ Trạm Y tế Thụy Hòa (xã Tam Đa) khám mắt cho bà Nguyễn Thị Chép. |
Bà Nguyễn Thị Huyên, Trạm trưởng Trạm Y tế Thụy Hòa cho biết: “Xã Tam Đa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã, gồm: Tam Đa, Đông Phong và Thụy Hòa của huyện Yên Phong (cũ). Sau sắp xếp đơn vị hành chính, hoạt động khám, chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng, y tế dự phòng… của 3 trạm y tế trên địa bàn xã gồm Thụy Hòa, Tam Đa, Đông Phong vẫn được triển khai như trước đây. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các trạm thường xuyên trao đổi thông tin, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn lẫn nhau nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng đơn vị”.
Phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ngay khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, các trạm y tế sớm có kế hoạch và duy trì hoạt động thông suốt. Ghi nhận tại Trạm Y tế Phúc Sơn (xã Đại Sơn), để chăm sóc sức khỏe cho hơn 2,2 nghìn người dân trên địa bàn xã Phúc Sơn (cũ), đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của các trạm y tế; duy trì trực 24/24 giờ. Từ cuối tháng 6, trạm rà soát, kiểm tra thiết bị y tế, cơ số thuốc hiện có tại trạm để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Qua gần 3 tuần vận hành, các hoạt động chuyên môn diễn ra bình thường, trên địa bàn không phát sinh dịch bệnh. Tương tự, Trạm Y tế Dĩnh Trì (phường Bắc Giang) sớm phân công nhiệm vụ cho các bộ phận, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình y tế… Từ ngày 1/7 đến nay, Trạm khám, điều trị cho 50 lượt người.
Tăng cường hướng dẫn, nâng chất lượng y tế cơ sở
Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 313 trạm y tế. Sau khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, trên địa bàn mỗi xã, phường có từ 1 đến 7 trạm y tế; các trạm vẫn duy trì hoạt động như trước, không có sự xáo trộn về tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách. Để 31 trạm y tế thuộc 8 phường, xã sau sáp nhập duy trì hoạt động, Trung tâm Y tế Bắc Ninh số 1 (trước đây là Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang) thành lập 3 tổ công tác trực tiếp về từng trạm hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ngày 4/7, Trung tâm Y tế Yên Phong có văn bản gửi các xã về việc thành lập các cụm trạm y tế theo địa giới hành chính mới, giao cho một đồng chí trạm trưởng làm cụm trưởng. Tiếp đó, ngày 14/7, Trung tâm ban hành quyết định về việc phân công tạm thời thực hiện nhiệm vụ cho từng trạm y tế. Bác sĩ Nghiêm Đình Nhập, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Yên Phong cho biết: “Việc phân định rõ nhiệm vụ đối với từng trạm, trong đó có gắn trách nhiệm bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân theo từng thôn vừa tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, vừa nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên y tế các trạm. Đối với các cụm, chúng tôi yêu cầu duy trì họp giao ban hằng tuần, cụm trưởng chịu trách nhiệm trước Trung tâm Y tế cũng như chính quyền địa phương về công tác chuyên môn trên địa bàn”.
Theo Sở Y tế, sau gần 3 tuần vận hành chính quyền địa phương hai cấp, các trạm y tế duy trì hoạt động hiệu quả, kịp thời tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, một số trạm vẫn thiếu bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ phụ trách dân số; máy móc, thiết bị tại một số trạm được trang bị từ lâu, xuống cấp, không hoạt động… Tháo gỡ khó khăn, Sở Y tế yêu cầu các phòng chuyên môn, các trung tâm y tế chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực tại các trạm để có phương án hỗ trợ kịp thời. Thực hiện chỉ đạo, các trung tâm y tế tiếp tục duy trì hoạt động đào tạo theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đối với bác sĩ, điều dưỡng các trạm y tế. Trung tâm Y tế Yên Phong cử bác sĩ từ các khoa về tăng cường 2 buổi/tuần tại những trạm chưa có bác sĩ; Trung tâm Y tế Bắc Ninh số 1 đang hướng dẫn, hỗ trợ các trạm y tế chưa thực hiện khám, chữa bệnh hoàn thiện hồ sơ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào cuối năm nay… Mới đây, tại buổi làm việc với các trung tâm y tế, lãnh đạo Sở Y tế thông tin, Sở đang tập trung rà soát cơ sở hạ tầng, thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế nói chung, trạm y tế nói riêng để tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là đối với các địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, để bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, các trung tâm y tế cần quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ tại các trạm và nhân viên y tế tại thôn, bản, tổ dân phố. Cùng đó, có cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt ngay tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)