Đắp bồi văn hóa tri ân
BẮC NINH - “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tôn vinh và tri ân những người có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Truyền thống ấy càng được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, trở thành một giá trị tiêu biểu trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề xướng và chỉ đạo những hoạt động đầu tiên của Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sinh thời, Người hết sức quan tâm công tác giúp đỡ vật chất, tinh thần của thương binh, liệt sĩ. Người cũng là Hội trưởng danh dự đầu tiên của Hội giúp binh sĩ bị nạn từ giữa năm 1946 (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương).
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh toàn quốc để nhân dân tỏ lòng nhớ ơn các thương binh. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa năm 1947, một hội nghị liên ngành được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
![]() |
Phụ nữ phường Bắc Giang thăm hỏi, tặng lụa may áo cho vợ liệt sĩ Diêm Thị Ngự (sinh năm 1945) ở tổ dân phố 10. Ảnh: Ngọc Anh. |
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, hơn 800 nghìn thương binh đã bỏ lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường, hơn 110 nghìn người bị địch bắt tù đày và hàng chục nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học để lại di chứng cho nhiều thế hệ con cháu. Cái giá phải trả cho Độc lập, Tự do, Hòa bình, Thống nhất của dân tộc ta thật vô cùng to lớn.
Cùng đó, việc giải quyết những tồn đọng của chiến tranh, nhất là thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đến nay vẫn còn một khối lượng rất lớn. Hiện vẫn còn hàng chục vạn quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh vẫn chưa được xác minh hoặc chưa tìm được phần mộ; trong các Nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, số mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính chiếm tỷ lệ bình quân hơn 60%. Đây là một vấn đề hệ trọng, vô cùng nan giải, cần nhiều biện pháp kiên trì giải quyết trong nhiều năm tới. Đặc biệt là rất nhiều trường hợp thất lạc hồ sơ, mất giấy tờ, thiếu chứng cứ... của không ít đối tượng là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu quân nhân và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... chưa được xác minh và giải quyết chính sách thỏa đáng.
Đất nước đang ngày càng phát triển tiến tới mạnh giàu trong Kỷ nguyên mới của dân tộc. Hoạt động tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa ngày càng được quan tâm và tiến hành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả, với nhiều hình thức sôi nổi và phong phú. Theo đó, mỗi năm không chỉ riêng một Ngày Thương binh - Liệt sĩ, không chỉ riêng một tháng Bảy là Tháng tri ân. Đồng thời, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, quan tâm chăm lo gia đình cán bộ chiến sĩ các lực lượng chức năng đang công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ cũng là hình thức tri ân những người có công với dân, với nước; thực hiện chính sách hậu phương quân đội trong thời kỳ mới. |
“Tồn đọng chiến tranh” là vấn đề của mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới. Hậu quả của chiến tranh vô cùng nặng nề, to lớn. Với đất nước ta, đó là những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội của một quốc gia tiểu nông lạc hậu, một quân đội non trẻ “từ nhân dân mà ra”, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng theo hướng chính quy... Sau chiến tranh, việc tổ chức thực hiện chính sách chưa cơ bản, nền nếp, khoa học; có người, có bộ phận còn tắc trách, quan liêu, thậm chí có những hiện tượng tiêu cực gây dư luận xấu…
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, cả nước có hơn 2 vạn thương binh nặng, 6 vạn người là bố mẹ liệt sĩ già yếu cùng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước chu cấp và các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời. Hàng triệu đối tượng chính sách khác như: Lão thành cách mạng, vợ con liệt sĩ - thương binh, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, nạn nhân chất độc da cam/dioxin… được trợ cấp khó khăn, ưu tiên về nhà ở, học hành, việc làm, bảo hiểm y tế… Đặc biệt những năm gần đây, cùng với các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được xã hội hóa thành những phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt nhiều kết quả to lớn.
Quan tâm đến thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cùng những người có công với nước là chủ trương nhất quán, là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ. Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công được các cấp, ngành, địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ. Tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công... cũng giúp cải thiện đời sống của các đối tượng chính sách. Những kết quả đó góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội của từng địa phương cũng như cả nước.
Đất nước đang ngày càng phát triển tiến tới mạnh giàu trong Kỷ nguyên mới của dân tộc. Hoạt động tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa ngày càng được quan tâm và tiến hành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả với nhiều hình thức sôi nổi, phong phú. Theo đó, mỗi năm không chỉ riêng một Ngày Thương binh - Liệt sĩ, không chỉ riêng tháng Bảy là Tháng tri ân. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, quan tâm chăm lo gia đình cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng chức năng đang công tác ở những nơi khó khăn, gian khổ cũng là hình thức tri ân những người có công với dân, với nước; thực hiện chính sách hậu phương quân đội trong thời kỳ mới.
![]() |
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ phường Tân Tiến. |
Thời gian gần đây, các ngành, tổ chức xã hội và các địa phương khắp cả nước có rất nhiều chương trình và phong trào động viên, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Những chương trình và phong trào ấy nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân; huy động được những nguồn lực to lớn và ý nghĩa để động viên và hỗ trợ các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi tiền tiêu sóng gió. Hoặc như gần đây, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” hình thành và phát triển, trở thành một “thương hiệu” hiếm có của du lịch Việt Nam. Tour du lịch này không chỉ thu hút các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ, thương binh mà cả các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh và du khách quốc tế. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh-tình cảm, tham quan du lịch và ý nghĩa giáo dục lịch sử, nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống cách mạng... thì chương trình đặc biệt này còn gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng “chiến trường xưa” thành những “điểm sáng” hôm nay...
Đó cũng là những cách thể hiện lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, thiết thực bồi đắp nhiều giá trị mới của Văn hóa tri ân trong kho tàng văn hóa Việt Nam!.
Ý kiến bạn đọc (0)