Cấp cứu ban đầu: "Chìa khóa" bảo vệ tính mạng người bệnh
BẮC NINH - Cấp cứu y tế là hoạt động can thiệp đòi hỏi nhanh, kịp thời nhằm cứu sống người bệnh, hồi phục chức năng sống và giảm thiểu di chứng. Tại những địa phương xa trung tâm, xử trí cấp cứu, hồi sức ban đầu đúng cách chính là “cánh cửa” đầu tiên mở ra cơ hội sống cho người bệnh.
Áp lực “thời gian vàng”
Hơn 8 giờ sáng một ngày giữa tháng 7, chỉ trong khoảng 10 phút, Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế Hiệp Hòa tiếp nhận liên tiếp hai ca bệnh nặng được người nhà đưa thẳng vào khoa. Ngay lập tức, cả kíp trực chia nhau mỗi người một việc, tập trung toàn lực cho công tác cấp cứu. “Có ngày, công việc dồn dập từ sáng sớm, thậm chí, chưa kịp giao ban đã có bệnh nhân ngừng tuần hoàn được đưa vào viện, cả khoa cùng vội vã” - Điều dưỡng Trưởng khoa Nguyễn Kim Chi chia sẻ.
![]() |
Bác sĩ Đoàn Sơn Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế Việt Yên và bệnh nhân trước khi xuất viện. |
Điều dưỡng Chi không thể nào quên ca bệnh đặc biệt nhất trong suốt 5 năm làm cấp cứu tại khoa. Đó là trường hợp bệnh nhân nữ, ngoài 70 tuổi có tiền sử suy tim, bị ngừng tim lúc nửa đêm, cả kíp trực dồn lực cấp cứu liên tục hơn một giờ đồng hồ và phải sử dụng đến 120 ống Adrenalin (loại thuốc tiêm có tác dụng giúp hồi sức tim mạch, phổi). Khi huyết áp ổn định trở lại, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tiếp. “Cấp cứu không có giờ giấc, càng không không có sự trì hoãn. Phải phản xạ nhanh, phán đoán dứt khoát, thao tác chính xác, vì một quyết định sai lúc cấp cứu là có thể làm mất đi cơ hội sống cuối cùng của bệnh nhân” - điều dưỡng Chi khẳng định.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Cường, Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế Hiệp Hòa, thời gian đầu tiếp cận công việc cấp cứu, anh bị "choáng" bởi tốc độ và áp lực công việc: “Không ai báo trước, bệnh nhân sốc phản vệ, suy hô hấp hay sốc tim đều có thể vào viện bất cứ lúc nào”.
Và anh vẫn nhớ như in ca cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ độ 4 cách đây vài tháng. Một thanh niên cao lớn bị khó thở và phát ban toàn thân sau khi ăn bánh mì, khi được gia đình đưa vào viện thì đã ngừng thở. Hôm đó, cả kíp trực lao vào cấp cứu, ép tim, bóp bóng, tiêm Adrenalin… May mắn, vì nhà gần, bệnh nhân được đưa vào viện kịp thời để các bác sĩ cấp cứu trong giai đoạn vàng. Điều đáng nói là, các y, bác sĩ của khoa còn tiếp tục cấp cứu bệnh nhân này thêm một lần nữa, cũng sau khi ăn phần bánh mì thừa của con.
Cả bác sĩ Cường và điều dưỡng Chi đều có thời gian được đào tạo tập trung tại Trung tâm Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cơ hội được tham gia trực tiếp vào hoạt động chuyên môn tại đơn vị cấp cứu của bệnh viện tuyến cuối cả nước giúp họ học hỏi và lĩnh hội nhiều kinh nghiệm quý giá. “Sau 9 tháng được đào tạo tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, tôi hiểu rằng nguyên tắc và bản lĩnh là hai điều giúp mình giữ tỉnh táo trong mọi tình huống” - bác sĩ Cường chia sẻ. Giữa áp lực chuyên môn, tốc độ công việc và nhiều khi là cả áp lực từ người nhà người bệnh, anh học cách kiểm soát cảm xúc và ra quyết định dứt khoát.
Kỳ tích ở nơi gần nhất
Mới đây, Trung tâm Y tế Việt Yên đã giành lại sự sống cho một nam thanh niên 18 tuổi bị đâm thấu ngực và bụng. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, sốc mất máu nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt. “Khi tiếp nhận, chúng tôi nhận định đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, ngay lập tức, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, tất cả lực lượng được huy động tham gia hội chẩn và tổ chức cấp cứu” - thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Sơn Tùng, Phó Trưởng khoa Ngoại kể lại.
Không ít người vẫn nghĩ, chỉ các bệnh viện lớn hay tuyến cao, tuyến cuối mới thực hiện tốt các kỹ thuật hồi sức, cấp cứu. Thực tế cho thấy, chính các trung tâm y tế gần nhất - nơi tiếp cận đầu tiên với bệnh nhân mới là nơi quyết định sự sống còn trong “giai đoạn vàng”. Nếu nơi cấp cứu ban đầu không làm tốt, bệnh nhân có thể vĩnh viễn không bao giờ đến được nơi điều trị tích cực tiếp theo hoặc cũng có thể giữ được mạng sống nhưng di chứng đeo đẳng suốt cuộc đời. |
Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ, bệnh nhân được xử lý đồng thời nhiều tổn thương phức tạp: Khâu vết thương màng phổi, dẫn lưu màng phổi, khâu cơ hoành, gan, thanh mạc dạ dày… “Trong các ca bệnh tối khẩn cấp như thế, vai trò của hồi sức đặc biệt quan trọng, khi bệnh nhân được bảo đảm tuần hoàn, hô hấp, bác sĩ phẫu thuật mới yên tâm” - bác sĩ Đoàn Sơn Tùng nhấn mạnh.
Là một trong những đơn vị có năng lực hồi sức, cấp cứu ban đầu tốt, bình quân mỗi ngày Trung tâm Y tế Từ Sơn tiếp nhận khoảng 70-80 ca cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê - Thận lọc máu cho biết, số ca ngừng tuần hoàn đưa vào viện cấp cứu không phải hiếm gặp, trong đó một số ca bệnh rất đặc biệt, được ví như một kỳ tích. Đó là trường hợp nam bệnh nhân 36 tuổi ngừng tim khi đang ngồi, được đưa đến viện sau 10 phút. Ê-kíp cấp cứu đã kiên trì ép tim, sốc điện hơn 50 phút, và cứu sống được bệnh nhân. Sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, trở lại Trung tâm Y tế Từ Sơn tái khám trong niềm hân hoan của các y, bác sĩ.
Hay như trường hợp bệnh nhân nam 70 tuổi nhập viện do đột quỵ, sốc nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi, viêm tiết niệu, xuất huyết tiêu hóa… cũng đặc biệt ấn tượng với bác sĩ Thanh. Ca bệnh rất nặng, bệnh nhân lại có tiền sử liệt giường 6 năm sau xuất huyết não, bệnh viện đề nghị chuyển tuyến nhưng gia đình tin tưởng, nhất quyết xin ở lại. Sau 14 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh lại, nói được, tay cầm điện thoại. Đó thực sự là phần thưởng ý nghĩa cho sự kiên trì của các y, bác sĩ và tin tưởng của gia đình người bệnh.
Không ít người vẫn nghĩ, chỉ các bệnh viện lớn hay tuyến cao, tuyến cuối mới thực hiện tốt các kỹ thuật hồi sức, cấp cứu. Thực tế cho thấy, chính các trung tâm y tế gần nhất - nơi tiếp cận đầu tiên với bệnh nhân mới là nơi quyết định sự sống còn trong “giai đoạn vàng”. Nếu nơi cấp cứu ban đầu không làm tốt, bệnh nhân có thể vĩnh viễn không bao giờ đến được nơi điều trị tích cực tiếp theo hoặc cũng có thể giữ được mạng sống nhưng đeo đẳng di chứng suốt cuộc đời.
Ý kiến bạn đọc (0)