Kinh doanh thực phẩm an toàn: Đáp ứng xu hướng tiêu dùng
BẮC NINH - Xã hội phát triển, nhận thức của người dân về sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, “ăn sạch, uống lành” trở thành lựa chọn của số đông người tiêu dùng. Nắm bắt nhu cầu đó, xu hướng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được nhân rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Thay vì đi chợ như trước đây, chị Lê Hải Yến, phường Kinh Bắc chuyển sang lựa chọn thực phẩm an toàn tại các siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn. Chị chia sẻ: "Thời gian gần đây, nghe nhiều thông tin về một số hàng hóa, nhất là một số nông sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, tôi cảm thấy lo lắng và quyết định chuyển sang mua ở các cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Riêng các loại thịt, cá tươi sống được bảo quản trong tủ đông lạnh nên yên tâm về chất lượng, dù giá có cao hơn so với thị trường nhưng tôi vẫn chọn mua, vì sức khỏe là trên hết".
![]() |
Thực phẩm tươi sống tại cửa hàng thực phẩm sạch Ruộng Bậc Thang được bảo quản trong tủ mát chuyên dụng. |
Chung tâm lý như chị Yến, chị Nguyễn Thị Hương ở phường Từ Sơn thường xuyên mua các loại thịt gia súc, gia cầm và rau, củ, quả tươi sống tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi uy tín và được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này giúp chị yên tâm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là khi trong gia đình có cả người già và trẻ em.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn không chỉ ở thành thị mà còn lan rộng ra các khu vực nông thôn, nơi người dân cũng dần nhận ra những mối nguy tiềm ẩn từ các phương pháp canh tác truyền thống thiếu kiểm soát. Nhiều bà mẹ ngày càng quan tâm đến nguồn thực phẩm an toàn cho con nhỏ, sẵn sàng tìm mua sản phẩm hữu cơ, không biến đổi gen để bảo đảm sự phát triển toàn diện của con mình. Đây chính là động lực thúc đẩy sự ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh nông sản an toàn. Ông Lê Tùng Anh, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Ruộng Bậc Thang, đường Công chúa Ngọc Hân, phường Kinh Bắc cho biết: Cửa hàng đã hoạt động được 8 năm và đang bán hơn 1.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm các loại của hơn 100 cơ sở sản xuất, phân phối trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm ở đây đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất và xuất xứ của sản phẩm.
Ngoài làm tốt khâu bảo quản thực phẩm, các cửa hàng còn đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn những đơn vị cung ứng uy tín, có chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng; đồng thời, ký hợp đồng cung ứng, cử cán bộ trực tiếp giám sát và tham gia trong quá trình nhập hàng, kiểm hàng…
Nhân rộng kinh doanh nông sản an toàn
Thực tế cho thấy kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng số lượng các cửa hàng còn hạn chế, mới tập trung ở các phường trung tâm của tỉnh, việc nhân rộng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu tư ban đầu lớn nên giá bán thường cao hơn so với thị trường. Tiếp đó là nguồn cung chưa ổn định, vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; phải cạnh tranh từ hàng giả, hàng nhái; quy trình kiểm định và chứng nhận phức tạp. Để được cấp chứng nhận nông sản an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), các trang trại, hợp tác xã phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt, tốn kém về thời gian và chi phí.
Để vượt qua khó khăn và duy trì, phát triển bền vững, các cơ sở kinh doanh nông sản an toàn cần chú trọng minh bạch hóa thông tin (cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, các chứng nhận chất lượng của sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code...). |
Nông sản an toàn là những mặt hàng không sử dụng chất bảo quản nên dễ hư hỏng, đòi hỏi quy trình xử lý nghiêm ngặt từ khâu thu hoạch, vận chuyển đến khi bày bán… Trong khi đó, người tiêu dùng khắt khe, yêu cầu cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nhưng lại đắn đo về giá thành sản phẩm cao; một số người vẫn còn tâm lý hoài nghi, chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm... đây đều là những thách thức đối với việc nhân rộng các mô hình kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.
Ông Mai Đức Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết: Để vượt qua khó khăn và duy trì, phát triển bền vững, các cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cần chú trọng minh bạch hóa thông tin (cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, các chứng nhận chất lượng của sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code...). Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, ngoài nông sản tươi sống, có thể phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ nông sản an toàn hoặc cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi để tăng tiện ích cho khách hàng. Đặc biệt không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tối ưu hóa chi phí để có mức giá hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều đối tượng khách hàng hơn; xây dựng mối quan hệ bền chặt với nông dân thông qua việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, giúp họ an tâm sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.
Hiện Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát công tác chỉ đạo, xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn mẫu tại các địa phương trong tỉnh; phối hợp với ngành liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng. Trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để tạo sự tin tưởng và có cách thức cung ứng phù hợp, hiệu quả.
Những cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn đang đóng vai trò quan trọng trong việc định vị lại thói quen tiêu dùng và nâng cao chất lượng sức khỏe cho cộng đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với nỗ lực của những người làm nghề, sự ủng hộ của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ từ các cấp quản lý, hy vọng mô hình kinh doanh này sẽ phát triển và nhân rộng cả về số lượng và quy mô, chất lượng, trở thành địa chỉ tin cậy không thể thiếu cho mỗi gia đình, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)