Nhìn lại vụ vải thiều năm 2025: Cần tập trung cho phát triển dài hạn
BẮC NINH - Thời điểm này, người dân vùng trồng vải thiều đang bước vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ, giá duy trì ở mức cao. Nhìn lại toàn vụ, bà con phấn khởi vì đạt năng suất cao, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có nhiều sáng kiến xúc tiến tiêu thụ hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất và tiêu thụ cũng bộc lộ những mặt còn hạn chế, cần rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị vụ vải thiều trong những mùa tiếp theo.
Sản lượng cao kỷ lục
Năm nay, sản lượng vải thiều trên địa bàn tỉnh đạt mức cao kỷ lục với hơn 210 nghìn tấn, tập trung ở địa bàn xã, phường trọng điểm như: Lục Ngạn, Đèo Gia, Nam Dương, Lục Nam, Lạng Giang, Sơn Hải, Phúc Hòa, Yên Thế, Chũ... Ở giai đoạn đầu vụ, khi vải thiều ra hoa, đậu quả gặp thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng sau đó xuất hiện một số trận mưa “vàng” cùng các biện pháp chăm sóc kỹ thuật bài bản của nhà vườn nên vải được mùa. Mặt bằng chung, giá sản phẩm không cao như năm trước song những vườn canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP vẫn được giá, mang lại niềm vui cho người trồng. Các thành viên Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (xã Lục Ngạn) vừa thu hoạch xong hơn 20 ha vải. Ông Phan Văn Nết, Giám đốc Hợp tác xã thống kê, vụ này bà con thu hơn 300 tấn quả. Do toàn bộ được canh tác theo quy trình GlobalGAP cho sản phẩm chất lượng, được người dân, thương nhân đặt mua với giá cao hơn vải thông thường, nhiều lô hàng được tiêu thụ trong các siêu thị, xuất khẩu.
![]() |
Các nhà sáng tạo nội dung phát trực tiếp bán hàng tại vườn vải. |
Không chỉ ghi dấu ở sản lượng cao, vải thiều của tỉnh còn gây ấn tượng mạnh với sự hiện diện trên các thị trường khó tính. Tại vùng vải sớm xã Phúc Hòa, sản phẩm đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ - những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhờ giá thu mua tại vườn ổn định, người dân yên tâm sản xuất và đầu tư kỹ thuật. Gia đình anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn Quất Du 2 có hơn 1 ha vải sớm thuộc mã số vùng trồng xuất khẩu sang châu Âu. Quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt bởi cán bộ kỹ thuật và doanh nghiệp xuất khẩu, từ vật tư đầu vào đến khâu xét nghiệm sản phẩm trước khi xuất bán. Nhờ đó, trái vải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Đại diện Công ty cổ phần Mova Plus (đơn vị xuất khẩu nông sản) sang châu Âu cho biết, vải sớm Phúc Hòa được người tiêu dùng ưa chuộng vì vị ngọt thanh, lượng đường vừa phải và nhất là có cấu trúc trái vải bảo quản được lâu hơn so với giống vải khác nên tăng khả năng cạnh tranh. Riêng vụ vải năm nay, Công ty đã xuất thành công hơn 500 tấn sang châu Âu với giá bán dao động từ 300-350 nghìn đồng/kg. Với những kết quả tích cực, đơn vị kỳ vọng sẽ xuất khẩu khoảng 2 nghìn tấn vải sớm vào năm 2030.
Nhiều giải pháp chưa có tiền lệ
Trong bối cảnh sản lượng vải thiều lớn, tăng cao so với những vụ trước, năm nay, tỉnh cũng có nhiều đổi mới trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đó là đưa sản phẩm tiêu thụ tại các khu du lịch nổi tiếng của cả nước như: Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Tại những khu vực này, gian hàng giới thiệu sản phẩm được bố trí ở những vị trí dễ nhận biết, trang trí bắt mắt, tạo không gian trải nghiệm hấp dẫn trong các siêu thị. Điểm nhấn đáng chú ý trong chuỗi hoạt động quảng bá vải thiều năm nay nữa là lần đầu tiên tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp tích cực hưởng ứng mua vải thiều để làm quà tặng, tri ân công nhân, đối tác và đưa vào suất ăn công nghiệp.
![]() |
Sản phẩm được cung ứng đến các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II. |
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, việc xúc tiến vải thiều vào doanh nghiệp trong khu công nghiệp được nhiều đơn vị tích cực tham gia, trong đó điển hình như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Welstory Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II); Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina (Khu công nghiệp Nam Sơn- Hạp Lĩnh); Tập đoàn Foxconn (Khu công nghiệp Đình Trám)… Tổng lượng vải tiêu thụ đạt hơn 200 tấn. Thành công bước đầu này là cơ sở để thực hiện cho các vụ vải tiếp theo.
Đặc biệt, trong vụ vải này lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh đồng hành với các nhà sáng tạo nội dung livestream bán vải thiều. Hình ảnh lãnh đạo tỉnh xuất hiện gần gũi trong vai trò “người bán hàng nông sản” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý, tạo hiệu ứng tích cực từ cộng đồng mạng. Chỉ trong buổi sáng đầu tiên, hàng chục tấn vải đã được đặt mua qua nền tảng thương mại điện tử. Sự kiện giúp quảng bá trái vải thiều Lục Ngạn đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đây cũng là minh chứng cho sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, sẵn sàng nhập cuộc, bắt tay cùng công nghệ để nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Minh bạch quy trình sản xuất
Bước vào vụ vải thiều năm 2025 với tâm thế chủ động, tỉnh quyết tâm tiếp tục khẳng định thương hiệu “vải thiều” trên thị trường trong nước và quốc tế. Coi chất lượng là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công của sản xuất, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương để phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều; tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hướng dẫn, tư vấn nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều; không sử dụng chất cấm, kiểm tra, theo dõi diễn biến các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất mã vùng trồng, cơ sở đóng gói; hướng dẫn, kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, thương nhân; bảo đảm đủ sản lượng vải thiều chất lượng cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu, Trung Đông…
Tỉnh đang triển khai nền tảng công nghệ mới dưới dạng “sổ cái” nhằm ghi chép toàn bộ quy trình sản xuất một cách minh bạch. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp tăng độ tin cậy và giá trị thương phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn cầu. |
Tuy nhiên, qua vụ vải này cần rút ra bài học kinh nghiệm. Dù đã có khoảng 20 nghìn ha vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP song công tác quản lý thông tin còn nhiều hạn chế, danh sách sản phẩm chưa được cập nhật đầy đủ, gây khó khăn cho khách hàng trong khâu tiếp cận. Để cải thiện tình hình, tỉnh đang triển khai nền tảng công nghệ mới dưới dạng “sổ cái” nhằm ghi chép toàn bộ quy trình sản xuất một cách minh bạch. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp tăng độ tin cậy và giá trị thương phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn cầu. Ngoài ra, việc chuẩn hóa giống vải cũng là vấn đề cấp thiết khi trên cùng bó vải tồn tại nhiều loại khác nhau. Cần rà soát lại giống, phân vùng rõ ràng để quản lý và phát triển một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, người trồng vải cần được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đất và hệ sinh thái, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong công tác tiêu thụ vải thiều, việc rà soát và bố trí hợp lý các điểm cân, cũng như quản lý đăng ký của thương nhân là hết sức cần thiết. Thời gian qua, sự phân bổ chưa đồng đều của các điểm cân đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, vô tình tạo áp lực cho quá trình tiêu thụ. Nếu tổ chức hiệu quả khâu này, việc thu hoạch và thu hoạch vải sẽ được thực hiện đúng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, việc công khai giá thu mua là yếu tố quan trọng, đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách sát sao để bảo vệ lợi ích cho người dân và duy trì sự minh bạch trên thị trường.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu vải thiều vẫn còn tiềm năng lớn nhưng chưa thể khai thác tối đa do vướng một số quy chuẩn về quy trình xông hơi và bảo quản sau thu hoạch. Đây là bài toán cần sớm có giải pháp triệt để khơi thông các thị trường. Đáng chú ý, bước đầu đã hình thành tiền đề đưa vải thiều vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn. Trong các vụ tới, cần chủ động xây dựng phương án bài bản hơn, không chỉ phục vụ công nhân hay thương nhân trong khu vực mà còn đưa trái vải đến chính quốc gia nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở tại tỉnh.
Một số đề xuất Để các vụ vải thiều tới tiêu thụ thuận lợi hơn, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất những ý kiến. Báo Bắc Ninh trích đăng một số ý kiến. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình): Dành quỹ đất cho doanh nghiệp chế biến nông sản Mỗi vụ vải, Công ty thu mua hàng nghìn tấn quả với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường để chế biến nước vải thiều cô đặc. Thời gian tới, Công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại Bắc Ninh nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông sản. Mở nhà máy ngay tại Bắc Ninh sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm độ tươi của nguyên liệu đầu vào và kiểm soát chất lượng đầu ra tốt hơn. Doanh nghiệp mong muốn địa phương hỗ trợ bố trí quỹ đất cho thuê xây dựng nhà máy. Để dây chuyền sản xuất vận hành liên tục, doanh nghiệp chủ trương hình thành vùng nguyên liệu ngay tại chỗ, không chỉ với vải thiều mà còn mở rộng sang các cây trồng có tiềm năng như dứa, chanh leo. Công ty cung cấp giống và thu hồi sản phẩm theo hình thức bao tiêu ở cuối vụ cho bà con. Bắc Ninh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến nông sản mang tầm khu vực. Nếu kế hoạch này được triển khai đồng bộ, không chỉ vải thiều mà nông sản Bắc Ninh sẽ có cơ hội bước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Shin KwangSuk, Phó tổng giám đốc khối mua hàng (Công ty trách nhiệm hữu hạn Welstory Việt Nam): Đồng hành trong những mùa vụ tới Welstory Việt Nam là doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc có trụ sở tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh II hoạt động trong lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp, bình quân 250 nghìn suất/ngày, tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động. Chung tay tiêu thụ nông sản trên địa bàn, năm nay, Công ty đã đưa vải thiều vào suất ăn công nghiệp cung ứng cho các đơn vị và tri ân công nhân. Thực tế cho thấy, sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, khẳng định tiềm năng lớn trong việc đưa vải thiều vào các suất ăn tập trung quy mô lớn. Welstory kỳ vọng có thể tiếp tục đồng hành trong các mùa vải tiếp theo, mở rộng quy mô, góp phần ổn định đầu ra cho người nông dân. Để hiện thực hóa điều đó, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự kết nối từ chính quyền địa phương tới những chủ vườn uy tín, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản đầu vào. Nếu có sự hỗ trợ đồng bộ, sáng kiến này hoàn toàn có thể nhân rộng, mở ra hướng đi mới cho ngành thực phẩm công nghiệp trong việc gắn kết với nền nông nghiệp nội địa. Bà Vũ Thị Trà, đại diện Hợp tác xã Nông sản sạch Bình Nguyên (phường phượng sơn): Hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sấy hiện đại Mùa thu hoạch vải thiều diễn ra ngắn, tạo áp lực lớn lên khâu tiêu thụ. Để khắc phục, nhiều năm qua người dân tại các vùng chuyên canh đã sấy vải, góp phần kéo dài thời gian bảo quản, mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế. Ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, sản phẩm vải sấy còn được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng nhờ hương vị đặc trưng. Tiềm năng thị trường cho vải sấy rất rộng mở, không chỉ tiêu thụ dưới dạng nguyên bản, sản phẩm này còn có thể trở thành nguyên liệu chế biến cho các dòng thực phẩm khác như trà vải, bánh kẹo, mứt và đồ uống dinh dưỡng. Điều này góp phần ổn định giá cả, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là quy trình sấy vải chưa được chuẩn hóa. Vì thế, rất cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc đầu tư, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ sấy hiện đại. TRƯỜNG SƠN (ghi) |
Ý kiến bạn đọc (0)