Đồng bộ giải pháp tiết kiệm năng lượng
Giảm tổn thất điện năng
Với mục tiêu mỗi năm tiết kiệm được 2-3% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM - Sở Công Thương) tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Chương trình Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả theo từng giai đoạn. Từ năm 2016 đến 2020, hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí tiết kiệm năng lượng; kiểm tra giám sát, nghiệm thu, đánh giá các đề án, chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả cao.
![]() |
Cán bộ Trung tâm KC&XTTM tỉnh khảo sát lắp đặt hệ thống bóng đèn tiết kiệm điện tại một trường học trên địa bàn huyện Lục Ngạn. |
Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh thông tin, giai đoạn vừa qua, toàn tỉnh thực hiện 19 đề án tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng tại các huyện, TP. Nhờ vậy, tỷ lệ tổn thất điện năng hằng năm đều giảm. Các đề án tập trung vào tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và thực hiện tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng, doanh nghiệp (DN), gia đình, trường học, cơ quan nhà nước, giờ trái đất…
Nhiều đề án nhận được sự tham gia tích cực, mang lại hiệu quả cao. Ví như, năm 2000, Đề án “Xây dựng mô hình đèn chiếu sáng học đường” thực hiện tại 11 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang, đã có hơn 800 thiết bị chiếu sáng mới được lắp đặt thay thế bóng đèn huỳnh quang cũ.
Là 1 trong 11 đơn vị tham gia, từ đầu năm 2020, Trường Tiểu học Giáp Sơn (Lục Ngạn) được Trung tâm hỗ trợ 256 bộ bóng đèn Led tiết kiệm điện thay thế hoàn toàn bóng đèn cũ ở 15 phòng học.
"Sau 6 tháng sử dụng, đến nay, các thiết bị hoạt động tốt; độ sáng cao, ổn định, phù hợp cho học sinh học tập. Mô hình còn giúp nhà trường tiết kiệm được một nửa số tiền điện hàng tháng, tương đương khoảng 4 triệu đồng. Thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu đầu tư, lắp toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của đơn vị bằng bóng đèn Led", ông Phạm Đình Ngạn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cũng được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng theo Chương trình Tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, tháng 8/2020, Sở Công Thương lắp đặt 26 tấm pin năng lượng mặt trời trên đỉnh mái tòa nhà của đơn vị. Trung bình mỗi ngày, lượng điện tạo ra từ 20-55 kWp tùy theo lượng nhiệt/ngày. Ông Trần Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: “Từ khi cơ quan sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm từ 30-35% lượng điện/tháng so với trước. Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư kinh phí nhân rộng mô hình”.
Tháo gỡ khó khăn
![]() |
Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái trụ sở Sở Công Thương. |
Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình tiết kiệm năng lượng vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc đầu tư thay thế dây chuyền, thiết bị tiết kiệm năng lượng thường gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn; một số đơn vị, địa phương sử dụng năng lượng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này; ít đề án được thực hiện lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia hay chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, khó phát huy hết lợi ích.
![]() Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thực hiện 19 đề án tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng ở các huyện, TP. Nhờ vậy, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm. Các đề án tập trung vào tuyên truyền nâng cao công tác tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng, DN, gia đình, trường học, cơ quan, giờ trái đất…". Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh. |
Theo ông Hoàng Văn Lậy, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn, hệ thống quản lý, điều hành chương trình này chưa có ở cấp huyện nên thiếu đồng bộ; việc thụ hưởng các đề án tiết kiệm năng lượng là các trường học thuộc xã miền núi, dân cư thưa khó phát huy hết lợi ích.
Đơn cử năm vừa qua, 6 trường tiểu học và THCS trên địa bàn được nhận hỗ trợ thay bóng đèn thế hệ mới tốt hơn, tiết kiệm điện nhưng sau đó việc tuyên truyền ít được quan tâm, trình độ dân trí thấp khó tiếp thu nhân rộng. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền để nâng cao hiệu quả chương trình.
Để bảo đảm hoạt động tiết kiệm năng lượng phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Bắc Giang đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu giảm 5-7% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo; thay thế các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Đến năm 2025 có 50-70% khu, cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; toàn bộ công trình chiếu sáng công cộng xây mới, cải tạo ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện tiên tiến.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Trung tâm KC&XTTM tỉnh đang rà soát, tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đơn vị cũng tập trung khuyến khích, hỗ trợ sử dụng năng lượng mặt trời trong các tòa nhà, DN, hộ gia đình, từng bước loại bỏ hệ thống chiếu sáng cũ, không bảo đảm; đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật giao thông, chiếu sáng đô thị; phát triển lưới điện thông minh, giảm tổn thất điện năng. Trước mắt, đơn vị sẽ tuyên truyền làm tốt hoạt động "Giờ trái đất năm 2021" diễn ra vào 27/3 tới đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các nguồn vốn cấp từ ngân sách tỉnh thì địa phương cần lựa chọn đề án trọng điểm để lồng ghép với các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Sở Công Thương chú trọng tư vấn, kiểm toán năng lượng và sản xuất sạch tại DN.
Bài, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)