Yêu thương dọc dải sông Cầu
BẮC NINH - Cùng gọi chung là vùng Kinh Bắc, hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh cũ nối liền địa lý bởi dòng sông Cầu. Không chỉ chung câu quan họ, cư dân bờ Bắc (Bắc Giang) còn gắn kết với cư dân bờ Nam (Bắc Ninh) bằng tục kết chạ giữa các làng, gắn bó, yêu thương như anh em một nhà.
Dọc dải sông Cầu, đôi bên bờ Bắc - Nam vẫn lưu giữ và duy trì được nét đẹp truyền thống - đó là tục kết chạ (kết nghĩa) giữa các làng với nhau, có thể là kết nghĩa giữa hai làng hoặc một làng kết nghĩa với nhiều làng. Làng Vân (còn gọi là thôn Yên Viên), xã Vân Hà, thị xã Việt Yên (Bắc Giang cũ) không chỉ là làng nghề nấu rượu nổi tiếng với thương hiệu “Vân Hương mỹ tửu” mà còn sở hữu nhiều di sản độc đáo, có nhiều phong tục tốt đẹp. Vì vậy, năm 1703, Vua Tự Đức đã ban tặng cho làng sắc phong 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.
![]() |
Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (Hiệp Hòa) thu hút đông đảo người dân hai bên bờ sông Cầu tham gia, cổ vũ. |
Cụ Đỗ Viết Tiền, cư dân làng Vân kể rằng: Để rước sắc phong này về, các cụ trong làng phải cuốc bộ ra Kinh đô Thăng Long. Khi về đến chợ Trục, thuộc làng Đống Gạo (hay còn gọi là thôn Phong Nẫm), xã Nguyễn Xá, huyện Yên Phong (Bắc Ninh cũ) thì trời đổ cơn mưa tầm tã, sấm chớp không thể đi tiếp được. Thấy vậy người dân làng Đống Gạo đã mang long đình, kiệu ra đón các cụ làng Yên Viên. Sắc phong của làng được đặt lên kiệu đưa vào đình làng Đống Gạo, hái buồng cau quý ở đình xuống làm lễ. Cả đêm hôm đó, các cụ làng Yên Viên được người làng Đống Gạo đón tiếp chu đáo, tới hôm sau mới chia tay.
Cảm kích trước nghĩa cử đó, năm sau khi thôn Đống Gạo tu bổ chùa, dân làng Yên Viên đã công đức 4 trụ cột cái. Từ đó trở đi, dân hai làng coi nhau như anh em. Hai bên có giao ước đi lại kết nghĩa, không thu tiền đò, không thu tiền thuế bán hàng của nhau. Ngày nay, giữa hai làng vẫn coi nhau như anh em.
Ông Bùi Minh Quyết ở làng Đống Gạo cho biết: Cứ đến ngày mồng 4/8 Âm lịch hằng năm, người dân Yên Viên mang lễ vật sang Đống Gạo gặp dân anh. Ngày 16 tháng Giêng, dân Đống Gạo lại sang đáp lễ với Yên Viên. Tết đến xuân sang, đặc biệt vào ngày hội làng, hai bên lại cùng nhau tổ chức lễ đón rước dân anh đến làm lễ tế tại đền thờ làng mình để được cùng nhau hàn huyên, ôn lại truyền thống kết nghĩa giữa hai làng. Điều đặc biệt là mặc dù kết nghĩa “Dân anh - Dân em” nhưng trong giao tiếp không phân biệt bên anh, bên em, chỉ một lòng đối đáp Anh -Anh dù tuổi tác có chênh nhau thế nào.
Ở xã Vân Hà còn có làng Thổ Hà từ lâu đã kết chạ với 3 làng: Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong; tổ dân phố Đặng Xá, phường Vạn An và tổ dân phố Quả Cảm, phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh (cùng ở tỉnh Bắc Ninh cũ). Ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng thôn Thổ Hà cho biết: Hai bên đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh. Hằng năm, hai bên chọn ngày qua lại, người cao tuổi và người đương chức mỗi năm gặp nhau một lần, ngoài ra mỗi khi làng nào có công việc lớn đều mời nhau đến dự. Ngày hội của làng bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì có cả các làng “bên Anh” sang chung vui. Hai làng kết chạ cùng tổ chức đoàn đón rước nhau.
![]() |
Liền anh, liền chị quan họ làng Yên Viên và Phong Nẫm giao lưu, kết nghĩa. |
Đúng giờ quy ước, cả hai làng với đầy đủ thành phần cùng xuất hành từ làng mình tiến sang làng bên. Đến giữa đường gặp nhau, làng anh - làng em cung kính vái chào. Rồi anh trước em sau, cả hai làng cùng tiến vào đình, chùa làng có hội làm lễ, chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới, tình anh em gắn kết bền chặt. Những lời ca, tiếng hát, những trò vui của ngày hội được làng anh và làng em trổ sức đua tài đến thâu đêm. Tan hội ra về, bao giờ làng em cũng có đoàn tiễn làng anh đúng đến điểm gặp lần trước, cung kính vái chào nhau hẹn gặp lại mùa sau. Mối tình kết nghĩa có thừa, không vì tiền bạc chỉ vì tình sâu.
Ngày nay, các làng kết chạ ven sông Cầu đã dần bỏ đi những tập tục cũ lạc hậu, nghi thức rườm rà; cỗ bàn linh đình kéo dài nhiều ngày cũng không còn nữa. Thay vào đó là lễ vật đưa sang giản dị, trai gái hai làng cũng có thể trao lời ước thề, kết hôn được với nhau. Trong gian khó, hoạn nạn họ sát cánh bên nhau “chung lưng đấu cật”, tương trợ nhau vượt qua nguy nan. |
Ngày nay, các làng kết chạ ven sông Cầu đã dần bỏ đi những tập tục cũ lạc hậu, nghi thức rườm rà; cỗ bàn linh đình kéo dài nhiều ngày cũng không còn nữa. Thay vào đó là lễ vật đưa sang giản dị, trai gái hai làng cũng có thể trao lời ước thề, kết hôn được với nhau. Trong gian khó, hoạn nạn họ sát cánh bên nhau “chung lưng đấu cật”, tương trợ nhau vượt qua nguy nan. Năm ngoái, khi bão số 3 (bão Yagi) xảy ra, từ bên kia sông, nghe thông báo trên loa làng Thổ Hà ngập chìm trong nước lũ, người dân làng Đại Lâm không ai bảo ai người ít người nhiều ra tận nhà văn hoá thôn ủng hộ được mấy chục triệu đồng, cử người mang sang tận nơi hỗ trợ Thổ Hà khắc phục thiệt hại.
Không chỉ có làng kết chạ, dọc dải sông Cầu, nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ hát quan họ ở các xã, phường thuộc huyện Yên Dũng, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang cũ) kết nghĩa với các xã thuộc huyện Quế Võ, thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong (Bắc Ninh cũ). Tiêu biểu như: Hữu Nghi với làng Tiêu; Tiên Lát với Hoài Bịu; Quang Biểu với Quả Cảm; Núi Hiểu với Thị Cầu, Đáp Cầu; Tam Tầng với Đô Hàn; Trung Đồng với Thượng Đồng, Hạ Đồng; Nội Ninh với Hàn, Diềm…
Vào những dịp lễ Tết, hội hè, đình đám, các liền anh, liền chị hai bên thường chèo thuyền vượt sông để gặp gỡ, giao lưu, ca hát. Lúc có việc hỷ, đại sự họ không quên mời nhau đến chung vui, gặp gỡ chân tình. Bến đò Đồng Bún thuộc địa phận xã Tam Đa, huyện Yên Phong nối sang xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, người dân hai bên vẫn hằng ngày qua lại giao lưu, buôn bán, thăm thân và làm việc tại các khu công nghiệp của hai tỉnh.
Hôm nay, hòa theo dòng chảy đổi mới, phát triển đất nước, dòng sông Cầu không còn chia cắt Bắc Giang - Bắc Ninh mà đã chung vào làm một, bồi đắp “phù sa” soi bóng tương lai cho tỉnh Bắc Ninh mới tiến nhanh, vững bước về phía trước.
Ý kiến bạn đọc (0)