Bộ Y tế đề xuất siết quy định công bố, quảng cáo thực phẩm
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế nghị định 15 về quản lý an toàn thực phẩm, với hàng loạt quy định mới nhằm bịt kín kẽ hở trong quản lý thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung.
Bộ Y tế đề xuất sẽ kiểm soát chất lượng từ phòng thí nghiệm
Trong văn bản gửi thông báo nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các hội, hiệp hội, viện, tổ chức có liên quan, Bộ Y tế cho biết những vụ việc như sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai công dụng, hay việc sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn gây bức xúc dư luận.
![]() |
Bộ Y tế cho biết những vụ việc như sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai công dụng, hay việc sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn gây bức xúc dư luận. |
Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, dự thảo yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ thành phần, chỉ tiêu an toàn, chất lượng, công dụng ngay từ khâu nghiên cứu phát triển đến khi đăng ký và đưa ra thị trường.
Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần cam kết tuân thủ và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm, dẫn đến tình trạng một số đơn vị cố tình pha trộn các thành phần không có thực chất tác dụng, chỉ để quảng cáo "nổ" trên nhãn mác.
Theo Bộ Y tế, mô hình quản lý này được tham khảo từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, để ngăn ngừa sản phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường.
Theo đó, trong hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế đã đặt ra quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo rõ ràng, đầy đủ về quá trình phát triển sản phẩm, minh bạch từ thành phần, công dụng đến bằng chứng khoa học liên quan.
Trước hết, doanh nghiệp phải báo cáo cơ sở lựa chọn công thức sản phẩm. Theo đó, họ cần lý giải vì sao lại phối hợp những thành phần đó với nhau để tạo nên công dụng chính, cũng như giải thích về các thành phần phụ có thể được bổ sung. Đồng thời, việc nghiên cứu tương tác giữa các thành phần với nhau, giữa thành phần với phụ liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp (bao bì cấp 1) cũng phải được thực hiện và báo cáo rõ ràng.
Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình thử nghiệm, bao gồm thử nghiệm nội bộ hoặc các thử nghiệm lâm sàng (nếu có) cũng cần được tổng hợp đầy đủ, để chứng minh sản phẩm an toàn, hiệu quả trước khi lưu thông.
Doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết về nguồn gốc và công dụng của từng thành phần trong sản phẩm. Từng nguyên liệu phải được công bố rõ ràng như có nguồn gốc hóa tổng hợp, hay chiết xuất từ thực vật, động vật, khoáng chất, hay vi sinh vật hay không.
Đồng thời, doanh nghiệp phải giải thích cụ thể tác dụng của từng thành phần, lý do phối hợp chúng trong công thức và cách chúng góp phần vào công dụng tổng thể của sản phẩm.
Ngoài ra, phải có căn cứ hợp lý về lý do lựa chọn liều lượng khuyến cáo và đối tượng sử dụng như ghi trên nhãn, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp còn bắt buộc cung cấp bằng chứng khoa học chứng minh công dụng đã công bố. Điều này có thể bao gồm các nghiên cứu, tài liệu y khoa, công bố khoa học uy tín về từng thành phần cũng như về công thức sản phẩm, kèm liều lượng sử dụng phù hợp.
Dự thảo cũng buộc doanh nghiệp phải công bố cả chỉ tiêu chất lượng bên cạnh chỉ tiêu an toàn, tuân theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hậu kiểm định kỳ, tăng cường cơ sở kiểm nghiệm lấy mẫu
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân phải công bố các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm áp dụng theo quy định.
Lý do là nghị định 15 quy định phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký bản công bố chỉ phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn mà không phải kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng, không tuân thủ về chất lượng sản phẩm như hồ sơ công bố.
Ngoài việc siết chặt hồ sơ tự công bố, công bố sản phẩm, Bộ Y tế cũng đề xuất các quy định tăng cường hậu kiểm. Theo đó, hiện nay công tác hậu kiểm trong nghị định cũ chưa quy định rõ ràng kế hoạch, tần suất hay nội dung hậu kiểm.
Dự thảo mới đã bổ sung cụ thể yêu cầu lập kế hoạch, hậu kiểm định kỳ, hậu kiểm đột xuất; tăng quyền cho cơ sở kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu giám sát; đồng thời yêu cầu kết nối dữ liệu giữa Bộ Y tế, các bộ ngành khác và chính quyền địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia, để quản lý xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Một điểm mới quan trọng khác là quy định đối với các sản phẩm, nguyên liệu thực phẩm vốn sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Nghị định 15 chưa có quy định riêng cho trường hợp này, dẫn đến sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn trong nước nhưng vẫn được bán, gây rủi ro lớn về an toàn. Dự thảo bổ sung yêu cầu kiểm soát chặt hơn các điều kiện tiêu thụ nội địa để tránh tình trạng "lọt lưới".
Trước đây, các phương thức kiểm tra thực phẩm nhập khẩu (như kiểm tra hồ sơ, cảm quan, lấy mẫu) chưa quy định rõ ràng, dẫn đến thực thi không đồng đều.
Bộ Y tế đề xuất quy định cụ thể các trường hợp được miễn kiểm tra, các trường hợp phải kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm quan hoặc bắt buộc lấy mẫu, nhằm thống nhất quản lý và kiểm soát tốt nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như sản phẩm hoàn thiện.
Ngoài ra, các quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử rất khó quản lý. Nghị định 15 cũng chưa dự liệu đầy đủ. Trong dự thảo Nghị định này, Bộ Y tế đề xuất yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát cả doanh nghiệp phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng (KOLs), đồng thời công khai mối quan hệ giữa người quảng cáo và đơn vị tài trợ.
Bên cạnh đó sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo thực phẩm để tránh gây hiểu lầm...
Ý kiến bạn đọc (0)