Ngược miền Tây Yên Tử
Trước hết, miền Tây Yên Tử có sẵn tiềm năng. Non cao rừng thẳm thức dậy và người ta nhận ra ở miền đất này đã có hàng ngàn loài thực vật, đặc biệt trong khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, có nhiều loài quý hiếm: Lim, lát, pơ mu, la hán…; cùng hàng ngàn loài động vật, trong đó có loài được bảo tồn và đưa vào sách đỏ: Rùa vàng, tê tê, gấu chó, gấu ngựa…
Miền Tây Yên Tử không chỉ là thế giới tự nhiên hoang sơ, kỳ bí mà còn là một vùng địa văn hóa, lịch sử và tâm linh linh thiêng có cội nguồn xa xưa. Nơi đây có chùa Vĩnh Nghiêm, có am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, bãi đá Chồng, suối Nước Trong...
![]() |
Du khách tham quan tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Bảo Lâm. |
Hành trình về miền Tây Yên Tử là về vùng non thiêng từ xa xưa các vị vua Lý Trần đã đến dựng chùa tu tâm, học đạo, là đi lại con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Con đường tâm linh ấy, và các địa chỉ văn hóa tâm linh ấy có nơi còn gần như nguyên vẹn, có nơi chỉ là dấu tích, nhưng vẫn chứa đựng những giá trị văn hóa bất diệt và mang màu sắc linh thiêng Trúc Lâm Yên Tử.
Sinh thời Phật hoàng viết rằng: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Cư trần lạc đạo phú). Về sau Thiền sư Lê Mạnh Thát dịch nghĩa: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền/ Có báu trong nhà thôi tìm kiếm/ Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền”.
Rời bỏ kinh thành lên Yên Tử tu tập, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng nhận ra: Không phải lên rừng núi tìm nơi yên ắng để tu tập thì lòng mới không nổi sóng, mới tìm thấy Phật, mà Phật ở trong tâm mỗi người. Tinh thần nhập thế và quá trình nhập thế nhẹ nhàng, tích cực năng động biết bao. Đến với miền Tây Yên Tử là đến với ngày xưa, đến với không gian văn hóa tâm linh với nhân vật văn hóa, tôn giáo, tâm linh Trần Nhân Tông đặc biệt, đặc sắc.
Bước chân bồi hồi dạo gót trên con đường du lịch tâm linh, tôi nghĩ đến khi dịch Covid-19 qua đi. Khách du xuân lại trở về Tây Yên Tử dự lễ hội. Sẽ là chủ đề “Non thiêng miền Tây Yên Tử”, hay “Hành trình miền Tây Yên Tử”, “Thức dậy miền Tây Yên Tử”, rất có thể lại là “Khám phá miền Tây Yên Tử”… |
Giờ đây, non cao rừng thẳm và các địa chỉ thiêng miền Tây Yên Tử không còn là tiềm năng nữa mà đã là tiềm lực đang được đánh thức và phát triển.
Tôi đã có một hành trình dằng dặc du xuân lễ hội miền Tây Yên Tử vào đầu năm 2019. Khi ấy đất nước yên hàn, dịch Covid-19 chưa tràn đến. Tôi hòa vào dòng người đông đúc đến hàng vạn.
Trước đó một ngày, lễ rước tượng Trúc Lâm Tam tổ từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên chùa Thượng ở Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử ở xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động) đã diễn ra an toàn, trọn vẹn.
Dường như lễ rước đi theo một đoạn con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng năm xửa năm xưa. Trong tư thế tọa sen, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao 110 cm, nặng hơn 250 kg. Tượng Pháp Loa và Huyền Quang tư thế đứng, mỗi pho tượng nặng 100 kg.
Hôm sau, lễ hội non thiêng miền Tây Yên Tử với màn giáo đầu du xuân rộn ràng thể hiện các hoạt cảnh sinh hoạt lễ Tết Bắc bộ: Chơi ô ăn quan, nhảy dây, bánh chưng bánh dày, thầy đồ cho chữ, cây nêu, hội làng, lên chùa…; cùng với lễ khánh thành chùa Thượng trang trọng khai mạc Lễ hội “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” mở đầu Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang.
Miền Tây Yên Tử đã tưng bừng thức dậy. Bước chân bồi hồi dạo gót trên con đường du lịch tâm linh, tôi nghĩ đến khi dịch Covid-19 qua đi, nhân loại yên hàn, ngành du lịch sẽ hồi sinh. Khách du xuân lại trở về Tây Yên Tử dự lễ hội.
Tôi nghĩ đến màn trống hội non thiêng có 100 diễn viên, 100 cái trống to nhỏ khác nhau ở lễ hội Tây Yên Tử. Họ mặc trang phục các dân tộc, biểu diễn màn âm nhạc trống hội non thiêng soạn riêng cho Tây Yên Tử. Lúc êm đềm. Lúc thì thầm. Lúc vô thanh. Lúc rộn rã... cất tiếng hùng thiêng chào mừng khách du xuân.
Tôi cũng nghĩ đến trích đoạn Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhà vua nhường ngôi cho con, quyết chí đi tu. Một sự lựa chọn cuối cùng, kiên quyết chia tay các cung nữ để lên am Ngọa Vân hành đạo.
Tôi cũng nghĩ đến một cái lễ Mộc dục (lễ Tắm Phật) ở Lễ hội Tây Yên Tử. Bắt đầu là rước nước. Cầu mưa, cầu nước, cầu quốc thái dân an và thể hiện mối liên kết làng xã và sau cùng là... lễ Mộc dục tắm tượng tam tổ. Những tráng đinh khiêng 3 cái kiệu rồng, kiệu 3 bình nước lớn tiện bằng gỗ hoặc sứ Bát Tràng. Gáo múc nước tiện bằng gỗ thơm. Nước lấy từ suối Nước Trong, bản Đồng Thông của người Dao, ngọn nguồn chảy ra từ đỉnh núi thiêng Yên Tử.
Các già làng tìm một vũng nước lớn ở suối Nước Trong, thả vòng kết hoa đại to hơn cái nong đường kính khoảng 3m. Nước suối thanh sạch trong vắt được múc từ trong chu vi vòng hoa vào bình. Kiệu rước bình nước về chùa Thượng, tính toán đúng lúc trống hội khai mạc vừa dứt thì khiêng vào hòa với nước thơm để tắm tượng tam tổ.
Số nước còn lại gọi là Lộc Nước vẩy thành các giọt nước li ti cho chúng sinh và phật tử cầu mưa lấy may, như một hình thức folklore, cầu ước vạn vật sinh sôi nảy nở. Mùa màng bội thu. Con người hạnh phúc.
Lễ Mộc dục tỏ lòng tôn kính, tôn vinh, biết ơn tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và hướng tâm hồn và thân thể thanh sạch, an nhiên, tĩnh tại. Cũng trong dịp lễ hội này, đồng bào và du khách cùng tham gia Tết trồng cây. Trồng cây không chỉ giữ cho Tây Yên Tử đã xanh, xanh hơn, mà còn làm giàu ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào.
Rộn ràng hội xuân. Khách du xuân náo nức. Tôi nghĩ đến các trò chơi dân gian: Thi thổi cơm; thi cướp cầu; Lễ cấp sắc người Dao; vật dân tộc; kéo co; chơi đu tiên; đánh cờ người... sẽ diễn ra ở lễ hội Tây Yên Tử. Chỗ này là hoạt cảnh trai gái trang phục các dân tộc, đi khai hội mùa xuân. Chỗ kia là hình ảnh chú Hề, chú Tễu, chú Cuội, mẹ Đốp, anh khóa, thầy đồ, và những thằng cu bé lon ton mặc áo đỏ...
Chỗ kia nữa hát Páo dung, hát quan họ, hát Soong hao. Chỗ kia nữa là tân nhạc, ca sĩ trẻ đẹp hát các ca khúc: Phù Vân Yên Tử, Chiều sông Thương, Phiêu diêu Sơn Động, Về chùa Bổ Đà... và Trên đỉnh Phù Vân với ca từ mộng mị, liêu trai, thiền lặng: “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự/ Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si/ Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng”…
Du xuân! Trở về miền di sản Bắc Giang là về với vùng đất ngàn năm văn hiến, là về với những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đặc biệt là trở về vùng đất thiêng miền Tây Yên Tử với các di tích dày đặc như chùa Trình, chùa Kim Quy, đèo Bụt, chùa Cầu, núi Phật Sơn... Trở về với con đường Hoằng dương Phật pháp của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Về với vùng non thiêng là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập.
Du xuân! Về lại, đi lại, hành trình về miền Tây Yên Tử để đánh thức tiềm lực văn hóa tâm linh, văn hóa du lịch dân gian, sinh thái.
Du xuân! Nhằm hướng tới một bước ngoặt phát triển văn hóa du lịch khu vực và tỉnh Bắc Giang.
Du xuân! Thức dậy tiềm năng miền Tây Yên Tử!
Ý kiến bạn đọc (0)