Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tiếp xúc cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
BẮC NINH - Chiều 5/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được truyền hình trực tiếp trên Báo và phát thanh, truyền hình Bắc Ninh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tham dự hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Lâm, Ủy viên, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Leo Thị Lịch, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Như So, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; Nguyễn Văn Thi, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (trước khi sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh); Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Thị Hà, Giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri. |
Dự hội nghị tiếp xúc cử tri, đại biểu Trung ương có đồng chí Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, chuyên viên Văn phòng Chính phủ.
Đại biểu tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Cùng dự có 500 cử tri là đại diện lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 15 xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri. |
Với chuyên đề về “Tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp”, các cử tri đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ công bố Nghị quyết số 1699/NQ-UBTVQH15 ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về Đoàn Đại biểu Quốc hội và chỉ định Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh”.
Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh gồm 16 đại biểu; chỉ định đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ định các đồng chí: Trần Văn Tuấn, đại biểu Quốc hội khóa XV; Trần Thị Vân, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XV tỉnh Bắc Ninh.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu tặng hoa chúc mừng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. |
Tặng hoa, phát biểu chúc mừng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh: Đoàn Đại biểu Quốc hội là cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị. Mỗi đại biểu đều là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, cử tri và Nhân dân địa phương với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành trong tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn.
Mong Đoàn tiếp tục có các chương trình, kế hoạch công tác tại địa phương để trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân; bám sát thực tiễn, có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời chuyển tải các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp cũng như của các cấp ủy, chính quyền địa phương đến Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại hội nghị. |
Tiếp đó, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin tới các cử tri về kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau 35 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật, 34 nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh thông báo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. |
Tại kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận, tham luận, tranh luận tại tổ và tại các phiên họp toàn thể đóng góp vào các nội dung theo chương trình của kỳ họp.
Kết quả đã có 74 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu tại phiên họp toàn thể, 2 lượt tranh luận và 2 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đồng thời mong muốn các quyết sách được thông qua tại kỳ họp sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Các cử tri cũng phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Cử tri Nguyễn Văn Thắng, phường Kinh Bắc nêu ý kiến. |
Cử tri Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Kinh Bắc, đại diện cử tri phường Kinh Bắc chia sẻ: “Được sáp nhập từ 6 phường (cũ), địa phương đã chuẩn bị và bố trí nhân sự tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, chuyên môn đúng quy định, bảo đảm khi vận hành chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động được ngay. Tuy nhiên, khi sắp xếp lại nhân sự liên quan các công việc trước kia đảm nhận, nay sang lĩnh vực khác nên một số cán bộ công chức bắt nhịp với công việc mới, môi trường mới chậm hơn. Cử tri kiến nghị tỉnh sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để thích ứng với chức năng, nhiệm vụ mới, nhất là các công việc trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện”.
Để triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ông Nguyễn Quang Quyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực XI - cử tri đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội khu vực XI kiến nghị: Cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh quan tâm, cân đối nguồn ngân sách của tỉnh để tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn kinh phí (ngoài mức hỗ trợ của Trung ương) đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng. Cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường theo mô hình mới tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Một số cử tri phản ánh, qua một tuần vận hành hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp tại các xã cho thấy: Thủ tục hành chính cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký phát sinh nhiều so với trước. Thủ tục quy định trả trong ngày, việc luân chuyển hồ sơ giấy và ký hồ sơ của lãnh đạo UBND cấp xã mất nhiều thời gian.
Cử tri Phạm Văn Hải, xã Lạng Giang nêu ý kiến. |
Nhiều cử tri kiến nghị tỉnh sớm ban hành quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền của Chủ tịch UBND xã cho công chức thuộc UBND cấp xã để bảo đảm công tác chỉ đạo điều hành được toàn diện cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính được kịp thời. Trung ương sớm xem xét bổ sung thêm 3 vị trí cấp phó cho 3 cơ quan chuyên môn cấp xã (Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa-Xã hội).
Các cử tri mong muốn Trung ương, tỉnh, tiếp tục chỉnh sửa, kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành do bộ, ngành quản lý (hộ tịch điện tử, dân cư, doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, đất đai, thuế, kho bạc, bảo hiểm…) nhằm phù hợp với đơn vị hành chính và mô hình chính quyền 2 cấp. Cùng đó, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho công chức, tập trung vào kỹ năng vận hành các hệ thống cụ thể và việc xử lý các quy trình, nghiệp vụ mới.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn làm rõ vấn đề cử tri quan tâm. |
Trao đổi, làm rõ hơn những vấn đề cử tri nêu, đồng chí Vương Quốc Tuấn cho biết: Liên quan đến điều kiện để bảo đảm hoạt động liên thông, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá tổng thể để có biện pháp khắc phục ngay. Đồng chí yêu cầu để đáp ứng được công việc, đội ngũ cán bộ công chức theo từng chức năng, chuyên môn nghiệp vụ của mình phải tự trau dồi, nâng cao năng lực theo vị trí việc làm.
Về sắp xếp cơ sở vật chất dôi dư sau quá trình sáp nhập, UBND tỉnh đã có phương án bố trí giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng, ưu tiên cho các cơ sở giáo dục, văn hóa.
Trước khi sáp nhập, HĐND 2 tỉnh đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, trên cơ sở đó ban hành các nghị quyết về bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết thời hiệu. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục ban hành, sau khi rà soát kỹ lưỡng sẽ tiếp tục được ban hành triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. |
Thay mặt các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao ý kiến phát biểu của các cử tri. Các ý kiến đã tập trung vào chủ đề của hội nghị tiếp xúc cử tri, phản ánh được những vấn đề còn hạn chế trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị với Trung ương.
Về xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đồng chí cho biết Quốc hội đã có kỳ họp lịch sử, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Hiến pháp cùng nhiều đạo luật cũng thay đổi; Chính phủ ban hành 38 nghị định, trong đó 28 nghị định về phân quyền, 51 thông tư và nhiều hướng dẫn khác.
Việc xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công là cơ cấu cứng của tất cả chính quyền cơ sở xã, phường nhằm bảo đảm chính quyền xã có khả năng giải quyết tất cả các nhu cầu hành chính công của người dân ở ngay nơi cư trú.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải đầu tư tốt về cơ sở vật chất, bố trí con người đúng chuyên môn, giỏi nghiệp vụ. Khắc phục khó khăn ban đầu, đồng chí đề nghị đội ngũ cán bộ cơ sở- những người quyết định chất lượng phục vụ người dân phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, tận tâm, tận lực với công việc, nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện công vụ phải có thái độ thân thiện, tôn trọng Nhân dân; trong chuyên môn cần nắm chắc nghiệp vụ.
Thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ nhiều giải pháp để nâng cao nghiệp vụ như tổ chức các lớp tập huấn; các bộ công bố đường dây nóng gửi đến các địa phương; nhiều dịch vụ công đã được đưa lên nền tảng số…
Về vấn đề quy hoạch, đồng chí cho biết đây là điểm nghẽn, điểm vướng còn hạn chế. Sắp tới Trung ương sẽ họp để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, trong đó có rà soát, tháo gỡ những vấn đề còn là điểm nghẽn trong quy hoạch. Trước mắt, Quốc hội đã giao cho Chính phủ có hướng dẫn và trao quyền cho các địa phương để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch ở địa phương nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Những kiến nghị khác của cử tri sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)