Nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19: Hết lòng vì sứ mệnh cứu người
Dồn sức nơi tâm dịch
Ngồi trong căn phòng làm việc nhỏ, nhớ lại những ngày căng mình chống dịch Covid-19, đôi mắt bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên đỏ hoe vì xúc động, bao ký ức không quên ùa về. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát (tháng 5 và 6/2021), huyện Việt Yên trở thành tâm dịch của tỉnh và cả nước với hàng nghìn F0, hàng vạn F1, F2 phải điều trị, cách ly; hàng trăm thôn, tổ dân phố bị phong tỏa. Đây cũng là "chiến trường" khốc liệt nhất của những chiến sĩ áo trắng. Thời điểm đó, gần 70 khu cách ly và hàng trăm chốt kiểm soát dịch được dựng lên ở khắp huyện.
![]() |
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Việt Yên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. |
Gần hai tháng ròng rã chống dịch là chừng ấy thời gian gần 350 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc gần 20 tiếng/ngày, có thời điểm tưởng chừng kiệt sức, từ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, phục vụ tại khu cách ly song vẫn phải bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh thông thường; cuộc sống của bao gia đình bị đảo lộn. Rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế con nhỏ phải gửi về quê, nhờ người thân trông nom. Nhiều người có bố mẹ già ốm nặng, hấp hối không thể ở bên chăm sóc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Khoa Nội là một trong số hàng trăm cán bộ, nhân viên, y tế đã trải qua những tháng ngày vô cùng khốc liệt đó. Lao vào tâm dịch cùng đồng nghiệp, chị phải gác lại việc chăm sóc chồng bị ung thư đang phải điều trị. Làm việc trong môi trường nguy hiểm, thường xuyên tiếp xúc F0, F1, cả gia đình chị gồm vợ, chồng, bố chồng và 2 con đều mắc Covid-19.
Dịch Covid-19 tạm lắng, chưa một ngày về thăm gia đình, cùng với hàng trăm tình nguyện viên ở các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, nhiều người sẵn sàng vào miền Nam hỗ trợ chống dịch. Hơn một tháng ở tâm dịch phương Nam với công việc chăm sóc, phục vụ điều trị các F0, điều dưỡng Lâm Thị Hạnh, Khoa Ngoại bị mắc Covid-19. Ở thời điểm "nước sôi, lửa bỏng", không ít nhân viên y tế nhiều bữa nhịn đói nhường từng gói mỳ cho bệnh nhân. Ai nấy đều sụt cân, mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, các chị đã vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường góp sức vào "cuộc chiến" chống Covid-19.
Ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, hơn hai tháng căng mình chống dịch, toàn bộ nhân lực của đơn vị vận hành như một cỗ máy. Hàng vạn mẫu xét nghiệm ở các nơi gửi về dồn dập từ sáng đến đêm khiến cán bộ, nhân viên y tế phải làm việc quá tải. Khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít cả ngày giữa cái nóng đỉnh điểm 39, 40 độ C, kèm theo cơn khát khô cổ họng, đói mệt lả song mọi người vẫn động viên nhau gắng sức vượt qua.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng mỗi bác sĩ, điều dưỡng đều xác định chống dịch là trách nhiệm lớn lao, luôn sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân trong mọi tình huống, thậm chí nguy hiểm đến bản thân. Đó là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang đã có 48 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nhiễm Covid-19. |
Bác sĩ Phan Thị Thi, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Hiện nay, áp lực công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giảm nhiều do dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, có thời điểm ánh đèn các phòng làm việc vẫn sáng thâu đêm do phải thực hiện những yêu cầu cấp bách về xét nghiệm ở những nơi xảy ra ổ dịch sao cho có kết quả nhanh, chính xác nhất, đặc biệt là ở một số doanh nghiệp và trường học.
Căng mình trong buồng bệnh
Từ tháng 1/2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tiếp tục tăng cao. Cơ sở thu dung, điều trị F0 tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh do Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh quản lý điều trị luôn đông bệnh nhân. Bác sĩ Giáp Văn Hưng, trưởng kíp điều trị cho biết: “Ở đây có 210 bệnh nhân chủ yếu là các trường hợp mắc bệnh ở thể nhẹ. Để bệnh nhân không trở nặng, các bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực theo dõi các chỉ số hô hấp, kịp thời xử trí các trường hợp có tổn thương phổi”.
Áp lực nhất khi làm việc ở cơ sở y tế này là lượng bệnh nhân nhập viện hằng ngày luôn ở mức cao, chủ yếu là công nhân. Trong thời gian dài, đơn vị phải bố trí 70 nhân viên y tế (50% nhân lực) làm nhiệm vụ tại cơ sở thu dung này. Các bác sĩ, điều dưỡng căng mình trong từng buồng bệnh, có đêm chỉ tranh thủ ngả lưng một lát song vẫn động viên nhau cùng cố gắng.
Ròng rã hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, từ tháng 5/2021 đến nay, bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) dành hết thời gian và sức lực tận tâm phục vụ bệnh nhân nặng. Hiện Khoa có 33 bệnh nhân, trong đó 6 ca nặng được hỗ trợ thở máy. Đây là những bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc, điều trị đặc biệt, liên tục được hồi sức tích cực, theo dõi các chỉ số sinh tồn để có chỉ định kịp thời, hiệu quả.
Môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Mặc dù được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ mỗi tuần 2 lần nhưng khi chờ kết quả tất cả nhân viên trong khu điều trị F0 đều cùng chung tâm trạng lo lắng, hồi hộp cho đến khi biết mình âm tính. Bởi trong quá trình làm việc, chỉ một sơ suất nhỏ là có thể trở thành bệnh nhân. Như trong tháng 12/2021, 9 nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân đã nhiễm Covid-19. Đó là rủi ro nghề nghiệp mà các chiến sĩ áo trắng đã thầm lặng gánh chịu.
![]() |
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thời điểm này, toàn tỉnh có 17 khu thu dung, điều trị Covid-19; có hơn 3 nghìn F0 đang điều trị tại nhà và cơ sở y tế. Trong số này có khoảng 77% bệnh nhân không triệu chứng nhưng số ca nhiễm trung bình mỗi ngày vẫn cao gây áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ làm nhiệm vụ tại các cơ sở thu dung, nhân viên y tế còn điều trị cho gần 1,8 nghìn F0 tại nhà. Họ như những con thoi kết nối tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân qua điện thoại để giảm thiểu tình trạng ca bệnh trở nặng, giảm áp lực cho tuyến trên. Niềm vui của cán bộ, nhân viên y tế là bệnh nhân khỏe mạnh trở lại và được ra viện.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng mỗi bác sĩ, điều dưỡng đều xác định chống dịch là trách nhiệm lớn lao, luôn sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân trong mọi tình huống, thậm chí nguy hiểm đến bản thân. Đó là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng.
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, đại dịch khốc liệt nhưng những hy sinh thầm lặng của mỗi bác sĩ, điều dưỡng đã góp phần cùng các cấp, ngành của tỉnh giành thế chủ động, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Hằng ngày trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp mắc mới nhưng tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát hiệu quả. Chặng đường chống dịch phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng thành quả đạt được là nguồn động viên, cổ vũ để mỗi chiến sĩ áo trắng tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ý kiến bạn đọc (0)