Nông dân Yên Thế: Chung tay ngăn tội phạm công nghệ cao
BẮC NINH - Tội phạm trên không gian mạng hoạt động ngày càng tinh vi, nhiều người vì mất cảnh giác đã trở thành nạn nhân, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xuất phát từ thực trạng đó, các cán bộ Hội Nông dân xã Yên Thế (Bắc Ninh) thành lập mô hình “Hội Nông dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng”.
Nhớ lại một câu chuyện gần đây, bà Hoàng Thị Chính, Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Chỉ Choè, chia sẻ: “Tội phạm mạng thường dựng nhiều “kịch bản” tinh vi, bám sát các vấn đề thời sự, an ninh trật tự để dễ đưa người dân vào bẫy”. Bà dẫn chứng trường hợp chị N.T.T ở cùng thôn, khi đang làm việc tại doanh nghiệp thì nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn chờ nhận. Vì chủ quan, chị T đã chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cung cấp mà không kiểm tra lại thông tin. Khi hết ca, chị phát hiện không có hàng và cũng không hề đặt món gì tương tự, gọi lại thì đối tượng đã cắt liên lạc. Toàn bộ số tiền gửi đi đã bị chiếm đoạt.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo khác cũng xuất hiện tại địa phương, phổ biến nhất là giả mạo cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát… để hù dọa người dân dính vào một vụ án, vụ việc nào đấy. Gần đây, các đối tượng còn mạo danh nhân viên điện lực đòi thu tiền điện, giả vờ thông báo trúng thưởng, tặng quà, dụ dỗ vay qua app, kích hoạt tài khoản ngân hàng hoặc tham gia đầu tư tài chính để lừa đảo. Một số người vì lo sợ hoặc do lòng tham đã liên hệ với các đối tượng nhưng may mắn được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
![]() |
Cán bộ Công an xã Yên Thế phổ biến thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng cho nông dân. |
Với đặc thù địa phương chủ yếu là nông dân, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức là vô cùng cần thiết. Vì vậy, từ tháng 1/2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã đã chỉ đạo Hội Nông dân phối hợp Công an xã xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng”.
Ngay sau khi thành lập, mô hình xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an xã trong việc nắm bắt tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Anh Triệu Văn Thời, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Lạc (nay sáp nhập vào xã Yên Thế), người góp phần lớn xây dựng mô hình, cho biết: Ban đầu mô hình chỉ có hơn 10 thành viên, chủ yếu là cán bộ Hội. Qua thời gian, số người tham gia đã lên đến hàng trăm hội viên và người dân. Theo đó, một nhóm Zalo được lập, tập hợp các hội viên để trao đổi thông tin nhanh chóng, cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm và tuyên truyền cách phòng ngừa hiệu quả.
Từ khi đi vào hoạt động, mô hình đã chia sẻ hơn 350 tin, bài về công tác giữ gìn an ninh trật tự, trong đó tập trung vào phòng chống lừa đảo trên mạng; tổ chức được gần chục hội nghị quảng bá sản phẩm OCOP gắn với tuyên truyền phòng, chống tội phạm; 28 buổi tuyên truyền tại các thôn về pháp luật giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn tệ nạn ma túy, bạo lực gia đình và tội phạm mạng. Những hoạt động thiết thực này đã nâng cao nhận thức cho hội viên, giúp người dân nắm được kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của tội phạm.
Từ mô hình, các thành viên đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an xã, tích cực đóng góp kinh phí lắp đặt 30 camera an ninh và hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường trọng điểm. Hội viên còn nhận quản lý, giáo dục 5 người chấp hành xong án phạt tù và 1 trường hợp đang trong diện giáo dục tại xã, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, giúp họ tránh xa con đường phạm pháp, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng thành công.
Các thành viên cũng thường xuyên phối hợp Công an xã tổ chức hơn 50 buổi tuần tra bảo đảm an ninh trật tự vào các dịp cao điểm như lễ, Tết, đặc biệt duy trì tuần tra ban đêm. Qua đó, đã kịp thời nhắc nhở hàng chục hộ dân còn chủ quan trong việc bảo vệ tài sản, nâng cao ý thức phòng ngừa, hạn chế cơ hội để tội phạm ra tay.
Thiếu tá Phạm Quyết Thắng, Phó trưởng Công an xã Yên Thế đánh giá, dù có sự thay đổi, điều chỉnh về địa giới hành chính nhưng mô hình đã chứng tỏ được tính hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Kinh nghiệm cho thấy, xây dựng mô hình phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc khảo sát, đánh giá thực trạng phải được tiến hành nghiêm túc, đúng thực chất để thành lập, duy trì hoạt động bằng các giải pháp hiệu quả. Hoạt động mô hình phải linh hoạt, sáng tạo, thiết thực. Chú trọng lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tại cơ sở, huy động hội viên có khả năng thuyết trình cùng tham gia để trực tiếp tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, hấp dẫn, có trọng tâm, thu hút sự quan tâm của đông đảo hội viên, Nhân dân. Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng, sinh động, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, huy động các hội viên có khả năng thuyết trình để truyền tải nội dung gần gũi, dễ hiểu. Đồng thời, tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin nhanh và rộng hơn.
Với hiệu quả bước đầu rõ nét, mô hình đang tiếp tục được Công an xã Yên Thế phối hợp mở rộng, trở thành cầu nối quan trọng giữa người dân và lực lượng chức năng trong xây dựng môi trường sống an toàn, không để tội phạm mạng có cơ hội len lỏi vào đời sống nông thôn. Đây không chỉ là giải pháp phòng ngừa từ cơ sở, mà còn là minh chứng cho vai trò ngày càng rõ nét của Hội Nông dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, góp phần giữ gìn sự bình yên cho mỗi khu dân cử, từng bước xây dựng nông thôn mới an toàn, văn minh.
Ý kiến bạn đọc (0)