Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quyết tâm không để dịch bệnh vào các KCN, sẵn sàng phương án 4 tại chỗ
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Thời gian qua, tình hình dịch trên cả nước diễn biến phức tạp, bệnh nhân mắc Covid-19 xuất hiện ở nhiều tỉnh, TP, trong đó nhiều địa phương có các khu công nghiệp (KCN) lớn. Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương trao đổi về một số nội dung như: Công tác lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng; thành lập tổ Covid-19 cộng đồng; ngăn người nhập cảnh trái phép; khả năng cách ly, điều trị; công tác phòng, chống dịch bệnh ở các khu KCN, khu chế xuất, cụm công nghiệp; phòng, chống dịch từ các hiệu thuốc, bệnh viện; thành lập tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp; việc tiêm vắc-xin phòng dịch; bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các kỳ thi…
Tại tỉnh Bắc Giang, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới của tỉnh có xu hướng giảm dần, các ca mắc mới khoanh gọn lại tập trung chủ yếu ở khu vực thôn Núi Hiểu (Việt Yên) và trong các khu cách ly tập trung có công nhân đã từng ở thôn Núi Hiểu.
Số trường hợp F1 hoàn thành thời gian cách ly tập trung được về nơi cư trú ngày càng tăng (trung bình từ 800 đến 1.000 người được trở về nơi cư trú/ngày). Đến nay đã có gần 600 bệnh nhân được xuất viện, dự kiến trong những ngày tới bệnh nhân được ra viện ngày càng tăng cao do hiện nay đã có gần 400 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1 và lần 2.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid - 19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân, hiện đã tiêm được hơn 176 nghìn liều. Qua rà soát hơn 90 doanh nghiệp đủ điều kiện được trở lại hoạt động với hơn 15 nghìn công nhân.
Như vậy, bước đầu tỉnh Bắc Giang đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong những ngày tới, số ca mắc mới vẫn phát sinh song sẽ không tăng cao, chủ yếu trong nhóm công nhân (F1) ở các khu cách ly tập trung và chủ yếu là huyện Việt Yên, khả năng dịch lây nhiễm ra cộng đồng rất thấp.
Chia sẻ với các tỉnh về kinh nghiệm phòng, chống dịch trong các KCN, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, dịch lây lan trong công nhân KCN qua 4 đường chính: Trong xưởng sản xuất sử dụng điều hòa, trần thấp, bố trí công nhân ngồi dày; trong nhà ăn và khu vệ sinh chung (dù ăn theo ca nhưng công nhân vẫn ngồi gần nhau, có nói chuyện); trong xe chở công nhân (đi xe chung nên xảy ra lây chéo giữa công nhân các doanh nghiệp với nhau); lây trong chỗ ở, nhất là ở các khu trọ.
Đồng chí cho rằng, dù chưa có dịch nhưng các tỉnh, TP nên đưa cán bộ y tế của tỉnh, huyện vào hỗ trợ phòng dịch trong DN để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ). Trong đó, năng lực xét nghiệm cần đặc biệt được quan tâm, xét nghiệm thần tốc, trả kết quả nhanh để kịp thời ngăn dịch.
Kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực của các tỉnh, TP thời gian vừa qua đã nỗ lực, tập trung cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là phòng, chống dịch trong cộng đồng. Đồng chí yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có dịch, nhất là việc lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả kịp thời.
Đồng chí nhấn mạnh, phải giữ chặt, cố gắng không để dịch bệnh vào KCN, nếu không may có ca bệnh thì phải phát hiện trước 3 ngày. Vì nếu phát hiện sau 3 ngày thì việc xử lý hết sức phức tạp, tốn kém. Đây là bài toán khó nên phải yêu cầu khai báo y tế, thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của mọi công nhân, người lao động trong KCN, bất kỳ ai có triệu chứng bất thường, có lịch sử tiếp xúc, đi lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm phải được phát hiện, xử lý ngay lập tức.
Các địa phương phải chuẩn bị sẵn các khu cách ly, sẵn sàng có phương án khoanh tại chỗ trọ công nhân thành khu cách ly tập trung khi có ca bệnh. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh, chỗ trọ công nhân không bảo đảm giãn cách, thực hiện ngay việc giảm mật độ để ngừa lây nhiễm chéo.
Đối với công tác xét nghiệm, khi có các đơn vị của T.Ư, tỉnh, TP về chi viện, kinh nghiệm là địa phương phải có đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách công tác này để kịp thời điều phối việc lấy mẫu, xét nghiệm.
Lãnh đạo địa phương phải nắm sát tình hình thực tiễn để có quyết sách khoanh vùng, giãn cách, cách ly khu vực cho phù hợp, gọn nhất có thể, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng trong thôn lại để lỏng. Trước mắt có thể tạm khoanh rộng nhưng sau khi điều tra dịch tễ có thể thu hẹp lại sau đó tháo gỡ dần để bảo đảm mục tiêu kép.
Những địa phương chưa có dịch phải chủ động kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm an toàn phòng dịch mới cho sản xuất. Sau khi kiểm tra, kiểm soát, các địa phương cập nhật ngay lên hệ thống bản đồ an toàn Covid-19. Các địa phương cố gắng cập nhật đầy đủ, nhanh nhất dữ liệu các trường hợp F0, F1, F2, F3 trên hệ thống để kịp thời ngăn chặn đường lây.
Trong công tác điều trị, các địa phương phải chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án, khu vực có thể sử dụng làm khu điều trị, thậm chí bệnh viện dã chiến, trung tâm ICU để khi cần có thể sử dụng ngay, nhất là các địa phương có KCN. Trong trường hợp cần thiết, các tỉnh, TP, bệnh viện ở T.Ư, Bộ Y tế có thể huy động hỗ trợ thêm nhân lực.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)