Syria: Từ xung đột sắc tộc đến đấu trường địa chính trị khu vực
BẮC NINH - Sau nhiều ngày bạo lực giữa các chiến binh Bedouin và cộng đồng Druze tại tỉnh Sweida, Tổng thống lâm thời Syria đã tuyên bố ngừng bắn hôm 19/7 vừa qua. Tuyên bố này được đưa ra sau nhiều ngày đàm phán hậu trường do Mỹ dẫn dắt, giữa lúc căng thẳng leo thang khi quân chính phủ bị cáo buộc dung túng cho các tay súng Bedouin tấn công cộng đồng Druze - hành vi được cho là châm ngòi cho các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu an ninh ở Damascus và quanh Phủ Tổng thống.
Những diễn biến các ngày trước đó cho thấy sự phức tạp của cuộc xung đột sắc tộc tại Syria. Sau gần một tuần giao tranh dữ dội tại tỉnh Sweida - nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Druze - khiến khoảng 940 người thiệt mạng, thỏa thuận ngừng bắn đạt được với với sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các nước láng giềng khác. Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đã chỉ trích việc Israel không kích Syria, cho rằng điều này gây mất ổn định khu vực. Theo họ, hành động của Israel nhằm mục đích phi quân sự hóa miền Nam Syria, vô tình tạo ra khoảng trống quyền lực. Hệ quả là nhiều nhóm vũ trang đã nổi lên và giao tranh với nhau. Các cuộc không kích chỉ càng làm trầm trọng thêm tình hình.
![]() |
Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. |
Kể từ sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bị sụp đổ vào cuối năm 2024, Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời do Tổng thống Ahmed al-Sharaa đứng đầu - một chính quyền có nguồn gốc Hồi giáo cực đoan. Dù cam kết “bảo vệ các nhóm thiểu số”, chính phủ mới bị cáo buộc không thực hiện nghĩa vụ đó. Trong các tháng gần đây, hàng loạt vụ thảm sát xảy ra ở các khu vực của người Alawite và người Druze, cho thấy sự thất bại trong việc kiểm soát lực lượng an ninh và quản lý sắc tộc.
Theo chuyên gia phân tích người Israel, Hillel De Almeida, bạo lực ở Sweida không phải là một sự kiện bùng phát đơn lẻ. Nó báo hiệu điều gì sẽ xảy ra khi khoảng trống quyền lực được lấp đầy bởi các lực lượng dân quân bộ tộc và các phe phái thánh chiến. Tại Sweida - thủ phủ của người Druze ở miền Nam Syria - xung đột bùng phát giữa các tay súng Druze và các bộ tộc Bedouin do tranh chấp quyền kiểm soát địa bàn. Thay vì đóng vai trò trung gian, quân đội chính phủ được cho là đã bao che cho các tay súng Bedouin tấn công cộng đồng Druze. Các video trên mạng xã hội còn cho thấy cảnh xúc phạm biểu tượng tôn giáo của người Druze, gây phẫn nộ trong cộng đồng này cả ở Syria và Israel.
Trước làn sóng bạo lực nhằm vào người Druze, cộng đồng Druze (ước tính khoảng 150 nghìn người) tại Israel đã xuống đường biểu tình và hàng nghìn thanh niên vượt biên sang Syria nhằm bảo vệ thân nhân. Áp lực từ trong nước đã khiến Chính phủ Israel, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ra quyết định thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Syria tại Damascus, bao gồm trụ sở Bộ Quốc phòng và khu vực gần Phủ Tổng thống. Các cuộc không kích của Israel đã khiến khoảng 20 người thiệt mạng.
Theo Chính phủ Israel, đây là hành động cần thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc thảm sát mang tính diệt chủng. Tổng thống Isaac Herzog khẳng định: “Israel không đứng yên khi con cháu của những người Druze - một phần không thể tách rời của quốc gia - đang bị đe dọa”. Thủ tướng Netanyahu đánh giá các cuộc tấn công vừa qua của quân đội Israel là cần thiết "để cứu những người anh em Druze của chúng ta”.
![]() |
Các tay súng Bedouin trên đường phố thủ phủ Sweida ngày 19/7. |
Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, Israel đã nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, lợi dụng tình hình bất ổn để phá hoại nỗ lực hòa bình và tái thiết ở Syria. Ông al-Sharaa nói: “Người dân Syria biết rất rõ ai đang tìm cách chia rẽ và cố gắng lôi kéo chúng tôi vào chiến tranh”. Các nhà quan sát trong khu vực cho rằng, ngoài lý do mà phía Israel cho là mang tính nhân đạo, hành động của Israel còn mang tính chiến lược: Ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Syria gần biên giới Cao nguyên Golan, vốn do Israel kiểm soát. Chính phủ Israel tuyên bố sẽ không cho phép quân đội Syria tiếp cận phía Nam đất nước, nơi có đông người Druze sinh sống.
Nhà phân tích người Mỹ Ryan Bohl nhận định với hãng tin Bloomberg: “Israel đang cố gắng thiết lập một vùng đệm không chính thức ở miền Nam Syria”. Đầu tháng 3, Thủ tướng Israel Netanyahu từng tuyên bố miền Nam Syria phải là một khu vực phi quân sự.
Thực tế, Chính phủ Israel chịu áp lực rất lớn phải bảo vệ người Druze, bởi liên minh lâu đời và sâu sắc giữa người Druze và người Do Thái ở Israel. Người Druze là một cộng đồng tôn giáo thiểu số có nguồn gốc từ Hồi giáo Ismaili nhưng đã phát triển thành một tôn giáo riêng biệt. Tại Israel, người Druze không chỉ có quyền công dân đầy đủ mà còn có tỷ lệ phục vụ trong quân đội rất cao, khác với các nhóm Arập khác. Họ được xem là “người anh em” trong lòng xã hội Israel - một cộng đồng trung thành, gắn bó và luôn sẵn sàng hy sinh vì quốc gia. Khoảng 2.000 thanh niên người Druze ở Israel tuyên bố sẵn sàng bảo vệ cộng đồng người Druze ở Syria tiếp tục bị tấn công. Lời cam kết bảo vệ người Druze còn tạo cơ hội để Israel phô diễn ưu thế quân sự trước nước láng giềng Syria và gia tăng kiểm soát đối với khu vực biên giới chung.
Thời điểm Israel không kích Syria trong tuần này cũng là một yếu tố then chốt. Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các quốc gia châu Âu nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza, đồng thời phải đối mặt với lời kêu gọi trả tự do cho các con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ. Thủ tướng Israel cũng đang phải đối mặt với nhiều ý kiến lên án trong nước và quốc tế về thảm họa nhân đạo ở Gaza. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang lợi dụng những tình huống như cuộc đụng độ liên quan đến cộng đồng người Druze ở Syria để đánh lạc hướng dư luận.
Tuy nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nước, hành động quân sự của Israel bị Liên Hợp quốc và nhiều quốc gia chỉ trích, trong đó có Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi Israel dừng ngay chiến dịch không kích.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ các đợt không kích leo thang của Israel tại Suweida, Daraa và trung tâm Damascus, cũng như các báo cáo về việc quân đội Israel tái triển khai quân tại khu vực Cao nguyên Golan. Nga tuyên bố rằng các cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria là điều không thể chấp nhận được. Nhiều quốc gia Trung Đông cũng bày tỏ quan ngại về sự can thiệp quân sự của Israel đối với các cuộc xung đột tại tỉnh Sweida. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cần chấm dứt ngay các cuộc tấn công này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ủng hộ các hoạt động của Chính phủ lâm thời Syria nhằm thiết lập an ninh trên toàn quốc. Iran, Iraq cũng ra tuyên bố tương tự. Về phần mình, EU cảnh báo khả năng áp đặt lệnh trừng phạt với Israel.
Israel và Syria từng nhiều lần xung đột vũ trang và đang có tranh chấp ở Cao nguyên Golan, khu vực có tầm quan trọng chiến lược về quân sự lẫn tài nguyên nước. Dưới thời Tổng thống al-Assad, Syria có quan hệ đồng minh với Iran, đối thủ số 1 của Israel tại Trung Đông. Sau khi lật đổ ông Assad hồi đầu tháng 12/2024, Tổng thống lâm thời Sharaa đã chủ động tách Damascus khỏi trục ảnh hưởng của Tehran. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Netanyahu vẫn coi chính quyền Sharaa là "chế độ Hồi giáo cực đoan", là mối đe dọa với Israel.
Để phòng ngừa, lực lượng Israel từ tháng 12/2024 đã chiếm đóng một số khu vực nhỏ ở Tây Nam Syria, tiến hành nhiều cuộc không kích phá hủy các khí tài quân sự hiện đại nhất mà chính quyền Assad để lại, ngăn chúng rơi vào tay lực lượng của của Tổng thống lâm thời Sharaa. Israel còn đơn phương áp đặt vùng phi quân sự ở Syria, cấm chính quyền mới ở Damascus đưa lực lượng và vũ khí đến miền Nam.
Việc Israel không kích Syria lấy cớ để bảo vệ cộng đồng Druze đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời cho thấy xung đột Syria vốn trước đây mang tính nội bộ giờ đã có sự tham gia trực tiếp từ bên ngoài. Syria đang trở thành một bàn cờ chiến lược, nơi các lực lượng bên ngoài can thiệp để tranh giành ảnh hưởng, khiến tiến trình hòa bình tại đây ngày càng trở nên phức tạp và mong manh hơn bao giờ hết.
Ý kiến bạn đọc (0)