Thơm hương vùng cây trái Lục Ngạn
Từ một hướng đi đúng
Bắc Giang có 4 huyện miền núi thì Lục Ngạn là huyện lớn nhất với diện tích hơn 1.032 km2, dân số hơn 23 vạn người. Địa hình miền núi phức tạp, giao thông khó khăn, đất trồng lúa ít lại không chủ động nước tưới, trình độ canh tác lạc hậu nên trong nhiều năm, Lục Ngạn là huyện nghèo, lương thực chỉ đạt trên dưới 100 kg/người/năm. Khắc phục tình trạng trên, nông dân trong huyện đã bằng mọi cách trồng lương thực trên đất đồi núi dẫn đến nạn phá rừng làm nương rẫy và lấy lâm sản đổi thóc gạo. Theo thời gian, rừng ngày càng tàn kiệt, diện tích đất trống đồi núi trọc lan rộng, môi trường sinh thái bị huỷ hoại.
![]() |
Một vùng hoa quả Lục Ngạn. Ảnh: HƯƠNG GIANG. |
Rõ ràng, đối với một huyện miền núi như Lục Ngạn thì lo đủ ăn đã khó, đừng nói đến làm giàu. Hầu hết các hộ dân ở đây đều có vườn nhưng là vườn tạp, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa nên thu nhập thấp. Những hộ dân quê gốc Thanh Hà (Hải Dương) lên Lục Ngạn khai hoang, lập vùng kinh tế mới hơn 60 năm trước mang theo một số cây vải giống trồng ở vườn cho đỡ nhớ quê hương, những trái vải đặc sản ấy cũng chỉ là sản vật “cây nhà lá vườn”, chưa trở thành hàng hóa để “xóa đói giảm nghèo, tiến tới giàu sang”.
Từ khi có Chỉ thị số 100, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" trong HTX nông nghiệp, sau đó là Nghị quyết số 10 ngày 5/4/1988 (còn gọi là khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, tỉnh Hà Bắc (cũ) đã xác định lấy hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và có các chính sách hợp lý tạo động lực khuyến khích kinh tế hộ phát triển.
Cụ thể như điều chỉnh, giao quỹ đất 10% làm kinh tế gia đình và giao đất ổn định lâu dài, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tới hộ. Với đất đồi rừng, tỉnh sớm tổng kết công tác giao đất từ năm 1988 sau đó ban hành quyết định về chính sách khuyến khích sử dụng đất trống, đồi trọc và đất rừng cho hộ nông dân sử dụng lâu dài...
Tại Lục Ngạn, ngay từ năm 1989, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã chủ trương phát động phong trào toàn dân làm kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), chú trọng trồng cây ăn quả như nhãn, na dai, chanh, dẻ, trám và nhất là vải thiều. Chủ trương đúng trên đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, XVIII cụ thể hóa thêm một bước. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX khẳng định: Sử dụng đất trống, đồi núi trọc phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi là chương trình kinh tế mũi nhọn của huyện. Đó chính là con đường xóa đói giảm nghèo của nhân dân các dân tộc Lục Ngạn.
Đến hiệu quả lớn
Giao ruộng và đất đồi rừng ổn định lâu dài cho hộ gia đình nông dân đã tạo điều kiện để đất đai đồi rừng có chủ quản lý, bảo vệ và sử dụng cụ thể. Từ đó đã phát huy được nỗ lực, sáng tạo của người lao động, đất đai được bảo vệ và khai thác có hiệu quả hơn, diện tích đồi rừng nhanh chóng được phục hồi, phủ xanh trở lại bằng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như vải thiều, nhãn, na dai, chanh, dẻ, trám, xoài, quýt... Các cây trồng trên vừa tạo tán che phủ để cải tạo môi trường sinh thái, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho mỗi hộ gia đình và xã hội.
![]() |
Trình diễn thời trang trong vườn vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: TIẾN ĐẠT. |
Trước đây, huyện Lục Ngạn không hạn chế diện tích giao đất, nhưng sau này để bảo đảm cho các hộ đều có đất đồi rừng sản xuất đã điều chỉnh lại theo quy định mỗi hộ được nhận tối đa không quá 3 ha ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không quá 5 ha ở những vùng xa và núi cao. Để phong trào phát triển kinh tế vườn đồi được nhân rộng ra cả những vùng còn khó khăn, trong nhiều năm, huyện dành ngân sách và phát động cán bộ, nhân dân các xã vùng thấp ủng hộ đồng bào vùng cao hàng chục nghìn cành vải giống.
Đến hết năm 1995 huyện đã giao được 14.262 ha đất trống, đồi trọc. Một số diện tích trồng lúa ở chân cao, không chủ động nước tưới, năng suất bấp bênh được chuyển sang trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Ngoài các loại cây ăn quả đã quen thuộc ở địa phương như vải, na, chanh, nhãn, trám… huyện đầu tư, tuyển chọn, thử nghiệm trồng các loại cây ăn quả giá trị khác như vải Úc, hồng Nhân hậu, nhãn lồng Hưng Yên, cam, bưởi... làm phong phú thêm tập đoàn cây ăn quả hàng hóa cho vùng cây ăn quả Lục Ngạn.
Công cuộc đổi mới thực sự mang lại sinh khí cho nền kinh tế đất nước. Khi những cây trái làng quê vượt qua khỏi khóm tre làng thực sự trở thành hàng hóa và khẳng định giá trị trên thương trường thì quả vải đã góp phần đáng kể giúp nông dân Lục Ngạn thoát khỏi đói nghèo. Còn nhớ, cách đây 30 năm, vụ vải thiều (năm 1993) nông dân xã Tân Lập mua thêm 300 máy thu hình các loại. Năm 1994, nông dân Lục Ngạn thu 25 tỷ đồng từ các loại cây ăn quả, riêng vải thiều thu về 22 tỷ đồng. Năm 1995 giá trị thu từ cây ăn quả đạt 40 tỷ đồng (riêng vải thiều 37,5 tỷ đồng)...
Đến năm 2023, tổng diện tích vải thiều toàn huyện là 17,3 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 128 nghìn tấn. Diện tích vải thiều áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 13,3 nghìn ha, chiếm 77% tổng diện tích. Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, tổng giá trị sản xuất đạt 3.224 tỷ đồng, trong đó tiêu thụ nội địa 890 tỷ đồng, xuất khẩu 2.434 tỷ đồng. Thống kê chưa đầy đủ có khoảng 230 nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mùa vải chín. Năm 2023 cũng là năm sản xuất vải thiều đạt bước tiến vượt bậc về chất lượng sản phẩm. Qua các đợt đánh giá, kiểm định, kiểm dịch rất khắt khe cho thấy tất cả các mẫu vải thiều Lục Ngạn đều đạt chỉ số an toàn cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường quốc tế.
Thực tế những năm qua cho thấy, kết quả thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích thì giá trị cây ăn quả gấp từ 6- 8 lần thu từ trồng cây lương thực. Nhiều thôn, xã cơ cấu thu nhập từ cây ăn quả đạt trên 60% tổng thu nhập từ trồng trọt. Nhiều hộ thu nhập từ đồi rừng, vườn quả chiếm 80-90% tổng thu nhập. Thu nhập từ kinh tế vườn rừng đã giúp nhiều hộ ở Lục Ngạn thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn tới giàu sang.
Từ thực tế ở Lục Ngạn khẳng định sự phát triển kinh tế đồi rừng, vườn quả trong bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế là hướng đi đúng, “ý Đảng thực sự hợp lòng dân”. Mục tiêu huyện đặt ra là tập trung phát triển và hình thành tập đoàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó chủ lực là vải thiều đã trở thành hiện thực. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã có mặt trong siêu thị ở nhiều nước trên thế giới và sẽ còn vươn xa. Tin tưởng trong những năm tới, kinh tế vườn đồi ở Lục Ngạn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế Bắc Giang phát triển nhanh, mạnh cùng với sự đổi mới, hội nhập phát triển của đất nước.
Nguyễn Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc (0)