Dấu chân nơi chiến trường xưa
BẮC NINH - Đã nửa thế kỷ trôi qua sau ngày non sông liền một dải, những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ vẫn đều đặn trở lại những “địa chỉ đỏ” năm xưa. Với họ, đây không chỉ là hành trình tri ân, mà còn là sự tiếp nối của một sứ mệnh: Gìn giữ ký ức, truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ mai sau.
Ký ức không thể phai mờ
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày được trao trả tự do theo Hiệp định Paris năm 1973, nhưng với ông Vũ Văn Kim - cựu chiến binh ở phường Trí Quả, ký ức về những tháng ngày trong lao tù vẫn còn nguyên vẹn. Những cái tên như Phù Cát, Pleiku, Phú Quốc, Côn Đảo, Chí Hòa - từng là “địa ngục trần gian” - luôn hiện về trong tâm trí ông với nỗi đau, sự kiên cường và cả lòng tự hào. “Tôi có hơn 7 năm (1967-1974) sống và chiến đấu trong các nhà lao đế quốc. Ngày ấy, tù binh cách mạng phải chịu đủ mọi cực hình: Bị nhốt chuồng cọp; đánh bằng roi cá đuối; đục, bẻ răng; đun xà phòng sôi đổ vào miệng... Có nhiều đồng chí nghĩ đến cái chết để giải thoát. Nhưng vì quê hương, gia đình, đất nước, chúng tôi lại kiên cường đứng dậy, tuyệt thực, vượt ngục, thậm chí sẵn sàng tự thiêu để đấu tranh”, ông Kim kể lại.
Trong dòng ký ức đau thương mà đầy tự hào ấy, ông Kim xúc động nhất khi nhắc đến người đồng đội thân thiết - liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, quê ở xã Lạc Vệ (nay là xã Tân Chi, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1969, tại nhà lao Phú Quốc, đồng chí Xô bị kẻ thù tra tấn dã man, đóng đinh vào mười đầu ngón tay, dội nước sôi từ chân lên đầu. Dù phải chịu những đòn tra tấn tàn khốc nhất, đồng chí vẫn kiên trung, không khuất phục kẻ thù cho đến lúc anh dũng hy sinh. “Sự hy sinh của anh Xô như địa chấn lay động cả nhà lao. Nó như ngọn lửa thiêng trong lòng mỗi người chiến sĩ, tiếp thêm ý chí chiến đấu và niềm tin vào cách mạng”, ông Kim nghẹn ngào.
![]() |
Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc. |
Với vai trò Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh (cũ), ông Vũ Văn Kim đã không ngừng nỗ lực cùng đồng đội tìm kiếm nhân chứng, tư liệu từ Bắc vào Nam để minh chứng cho sự hy sinh oanh liệt ấy. Kết quả, năm 2018, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Cùng đó, ông Kim và đồng đội còn tham mưu xây dựng hình tượng liệt sĩ Xô và các chiến sĩ cách mạng tiêu biểu khác. Hiện nay, hình tượng liệt sĩ Nguyễn Đình Xô đã được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Phú Xuyên và Trại giam Phú Quốc, trở thành những điểm đến ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tri ân - hành trình tiếp nối
Phát huy truyền thống cách mạng, hằng năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức các đoàn công tác thăm lại chiến trường xưa - nơi từng in dấu chân, máu và nước mắt của biết bao người lính.
Nhân những ngày lễ lớn, các đoàn công tác đã tổ chức hành trình về nguồn tại địa đạo Củ Chi, tượng đài Măng Đen, Buôn Ma Thuột, Dinh Độc Lập, Bến cảng Nhà Rồng, nghĩa trang liệt sĩ Đắk Lắk... Mỗi địa danh không chỉ gợi nhớ chiến công oanh liệt, mà còn là điểm tựa tâm linh cho bao người lính trở về. Đại tá Nguyễn Tiến Phúc, cựu chiến binh ở phường Võ Cường xúc động kể lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Tôi không thể nào quên những ngày mưa, ngày nắng vượt đèo, lội suối thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Khi ấy, tôi là lính thông tin thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1, tham gia trận đánh tại Lái Thiêu - cửa ngõ Sài Gòn. Trên đường hành quân, chúng tôi vừa bảo đảm thông tin liên lạc cho đơn vị, vừa hỗ trợ, cõng đồng đội bị thương. Đó là những ký ức không thể nào quên”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần trở lại chiến trường xưa, những cựu binh như ông Phúc lại như sống lại những năm tháng hào hùng. Trước anh linh các liệt sĩ, họ tự nhủ phải luôn gìn giữ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến cho quê hương và truyền lại ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ. Thăm lại chiến trường xưa, với các cựu chiến binh, không chỉ là hành trình trở về với ký ức, mà còn là lời nhắc nhở không quên quá khứ, không phụ tương lai, là dịp để thế hệ đi trước trao truyền tiếp nối cho thế hệ trẻ những bài học về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Ý kiến bạn đọc (0)