Bắc Giang: Khởi động thị trường hàng Tết
Hàng Tết lên kệ
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Quý Mão 2023, nhiều kho chứa hàng, siêu thị, điểm bán lẻ đã tràn ngập hàng Tết. Anh Hoàng Việt Bách, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành, trụ sở tại xã Song Khê (TP Bắc Giang) cho biết: “Từ đầu tháng 11, chúng tôi đã nhập hàng Tết và giao cho các đại lý bán lẻ. Đây đều là sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín trong nước”.
Tại các siêu thị như GO! Bắc Giang, Co.opmart... bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt và các loại hàng thực phẩm phục vụ Tết đã được bày đầy ắp trên kệ với nhiều chủng loại, giá cả. Những giỏ quà đóng sẵn bánh kẹo, mứt, rượu… được bao gói bắt mắt. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (sở hữu siêu thị GO! Bắc Giang) thông tin: “Từ quý II/2022, chúng tôi đã làm việc với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản phẩm. Doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng hóa dồi dào từ đầu tháng 10 để cung cấp dịch vụ với giá cả cạnh tranh cho khách hàng”.
![]() |
Nhân viên Siêu thị Co.opmart trang trí gian hàng phục vụ Tết. |
Các đại lý bánh kẹo, cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống ở TP Bắc Giang và các huyện cũng đều trữ sẵn nguồn hàng dồi dào. Tại chợ Thương (TP Bắc Giang), ngoài bánh kẹo, các loại hàng khô như măng, miến, nấm, các loại hạt, nước mắm, bột nêm… được nhập về nhiều hơn các tháng trước đó. Khu vực bán chậu hoa, cây cảnh đã có thêm nhiều loại cây, hoa cảnh phục vụ người dân trưng Tết. Vừa lên chậu cho 5 cây đại phú gia, chị Nguyễn Thị Thuyết, chủ cửa hàng cây cảnh trên đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ nói: “Nhiều người quan niệm cây này trồng trong nhà đầu năm rất may mắn, mua nhiều nên tôi bố trí lấy hàng sớm, không ít nữa sợ khan hiếm”.
Bảo đảm hàng hóa chất lượng, bình ổn giá
Dịp Tết, các siêu thị và cửa hàng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu nhằm thu hút người tiêu dùng. Các đại lý bán lẻ đã chú trọng lựa chọn các loại hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp để hút khách. Chị Nguyễn Thị Hợi, chủ cửa hàng bán lẻ hàng hóa Vân Xô tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) nói: “Cửa hàng, đại lý bán lẻ ngày một nhiều. Với phương châm kinh doanh "nói không với hàng nhái, hàng kém chất lượng", cạnh tranh lành mạnh, Tết này, tôi đầu tư vốn nhập nhiều loại hàng hoá cao cấp, mẫu mã độc lạ, bắt mắt hơn".
Với quan điểm tương tự, anh Nguyễn Quốc Dũng, chủ 2 cửa hàng tạp hóa Dũng Liên tại xã Cảnh Thuỵ và Đồng Việt (Yên Dũng) thông tin: “Đời sống người dân ngày càng cao, khi mua hàng hóa chú trọng cả chất lượng, mẫu mã, xuất xứ. Vì thế, tôi ưu tiên nhập các sản phẩm được bán chạy, có thương hiệu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng".
![]() |
Kho hàng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành. |
Hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản phục hồi sau dịch Covid-19 song vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới. Thu nhập của một bộ phận người dân, nhất là công nhân bị giảm sút do doanh nghiệp hết nguyên liệu sản xuất, ít việc, cho nghỉ Tết sớm. Theo dự báo của Sở Công Thương, khả năng sang đầu tháng 1/2023 giao dịch trên thị trường mới sôi động, sức mua tăng dần. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đại lý bán lẻ hàng hóa nên thận trọng, không nên nhập hàng một cách ồ ạt.
Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “ Để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động nguồn hàng phù hợp, Sở đã ban hành kế hoạch dự báo nhu cầu, khả năng cung ứng một số loại hàng hóa thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết 2023 trên địa bàn tỉnh (khoảng 40 nghìn tấn). Cùng đó đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP quan tâm theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá hàng hóa; đánh giá kỹ các yếu tố tác động ảnh hưởng đến mặt bằng giá, kịp thời triển khai các giải pháp điều tiết lưu thông, tạo điều kiện cho người dân được cung ứng đầy đủ các mặt hàng, bảo đảm chất lượng, bình ổn giá dịp Tết này”.
Bài, ảnh: Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)