Bắc Giang: Kịp thời xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn lưới điện
Thả diều gây chập điện
Toàn tỉnh hiện có gần 4,1 nghìn km đường dây cao áp và trung áp; hơn 13,5 nghìn km đường dây hạ áp (0,4 kV). Trong đó, đường dây cao áp (110 kV) có 31 tuyến, tổng chiều dài hơn 356 km, với 16 trạm 110 kV; 180 tuyến đường dây trung áp (22 và 35 kV), tổng chiều dài hơn 3,7 nghìn km.
![]() |
Nhân viên Điện lực Hiệp Hòa thu giữ diều trên cánh đồng xã Đông Lỗ. |
Mặc dù hành lang hệ thống lưới điện trong tỉnh luôn được Công ty Điện lực Bắc Giang và các địa phương quan tâm, phối hợp bảo vệ nhưng từ đầu năm đến nay vẫn liên tục xảy ra sự cố. Theo Phòng An toàn, Công ty Điện lực Bắc Giang, 9 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra 58 sự cố trên lưới điện cao áp. Tổng thời gian mất điện hơn 2,7 nghìn phút.
Nguyên nhân chính do người dân thả diều, ngoài ra là do cây được trồng trong và sát hành lang lưới điện gây chập; việc thi công các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp không bảo đảm điều kiện an toàn... Trong đó có 50 sự cố do người dân thả diều mắc vào đường dây tải điện (cả năm 2021 có 56 vụ). Hồi 9 giờ 41 phút, ngày 17/9 tại cột 6, nhánh Cẩm Y, đường dây 476 E7.17 (thuộc huyện Lục Nam) đã xảy ra sự cố nhảy cầu dao máy cắt.
Sau khi kiểm tra, Điện lực Lục Nam phát hiện có diều tại cột 6, nhánh Cẩm Y, lộ 476 E7.14. Thời gian mất điện 6 phút. Gần đây nhất là hồi 16 giờ 30 phút, ngày 23/9, tại đường dây nhánh Rừng Phe (xã Tam Tiến, huyện Yên Thế) có diều mắc vào đường dây tải điện gây nổ trạm biến áp Núi Lim dẫn đến ngưng cấp điện 30 phút.
Ngày 20/6, vào khoảng từ 20 giờ 25 phút đến 22 giờ 58 phút, lưới điện trên địa bàn huyện Tân Yên đã xảy ra sự cố làm mất điện gây ảnh hưởng đến 5.396 khách hàng thuộc các xã: Cao Xá, Ngọc Thiện, Song Vân, Ngọc Châu. Nguyên nhân cũng do dây diều cuốn vào đường dây 22 kV nhánh Hàm Rồng, đường dây 471E7.24 thuộc địa phận thôn Hàm Rồng, xã Ngọc Thiện.
Sự cố làm mất điện trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Đặc biệt, mất điện trong thời gian nắng nóng cao điểm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.
Khó xử lý vi phạm
Sự cố do thả diều gây chập, ngắt điện cao áp đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Minh chứng là từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng chưa xử lý được vụ nào bởi không bắt quả tang người vi phạm; không biết ai là chủ những chiếc diều gây chập điện.
Ông Vũ Trọng Đạo, Phó trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, ngoài các vi phạm do người dân thả diều gây ra, các vi phạm hành lang lưới điện khác hiện cũng khó xử lý.
Bởi trước đây, khi có sự cố lưới điện xảy ra thì kiểm tra viên điện lực có quyền lập biên bản hiện trường và biên bản VPHC, sau đó đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC (áp dụng theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ, Quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực).
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trước đây, trong đó có nội dung của Nghị định số 134) có hiệu lực thì thẩm quyền lập biên bản VPHC là “Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, công chức, viên chức thuộc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang thi hành công vụ, nhiệm vụ”.
9 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra 58 sự cố trên lưới điện cao áp. Tổng thời gian mất điện hơn 2,7 nghìn phút. Nguyên nhân chủ yếu do diều vướng vào đường dây tải điện. |
Kiểm tra viên điện lực chỉ được lập biên bản hiện trường và ghi nhận các hành vi, thiệt hại do vi phạm gây ra, sau đó mới đề nghị cấp có thẩm quyền điều tra, xác minh, lập biên bản xử lý VPHC, ra quyết định xử phạt. Điều này dẫn đến chậm trễ trong việc bảo vệ hiện trường, xác minh đối tượng vi phạm; kéo dài quy trình xử lý vi phạm.
Điển hình là sự cố phóng điện trên đường dây 110 kV Lạng Giang - Cầu Gồ, tại địa phận xã Đồng Lạc (Yên Thế), xảy ra lúc 9 giờ 23 phút ngày 23/4/2022, làm mất điện đường dây 110 kV Lạng Giang - Cầu Gồ. Nguyên nhân do Công ty TNHH Ngọc Thơ (TP Bắc Giang) khi thi công cống hộp, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 292 (tại Km 16 +112) gây ra.
Sau hơn 5 tháng điều tra, xác minh nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý xong. Sự chậm trễ này là do chưa có cơ quan có thẩm quyền lập biên bản VPHC, xác định hành vi VPHC đối với Công ty TNHH Ngọc Thơ và chưa xác định rõ chủ thể đã có các hành vi vi phạm dẫn đến sự cố lưới điện 110KV nêu trên.
Để bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, ngành điện cần tiếp tục đầu tư cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ứng dụng thiết bị bảo vệ thông minh, hiện đại trong quản lý, vận hành lưới điện.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Nâng cao năng lực cho đội ngũ vận hành lưới điện, kiểm tra viên điện lực và cán bộ công chức cấp huyện, xã. Cùng đó, phối hợp với chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan và người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 29/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không thả diều gần khu vực hành lang lưới điện cao áp .
Bài, ảnh: An Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)