Bắc Ninh: Công nghệ chế biến nâng tầm sản phẩm OCOP
BẮC NINH - Sau hơn 7 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt được những kết quả tích cực với mạng lưới sản phẩm rộng khắp, phủ sóng từ nông thôn tới đô thị. Trong đó, nhiều sản phẩm được đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị, đem lại hiệu quả cho chính các chủ thể và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
T ừ năm 2023 tới nay, Hợp tác xã Thương mại và Sản xuất Linh Đăng (phường Bồng Lai) thành công trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ăn liền như như: Xúc xích, giò lụa dồi sụn, lạp xưởng, chả ốc, cá viên chiên… Với số vốn huy động hơn 3 tỷ đồng, ngay từ khi mở khu nhà xưởng, anh Phan Duy Thơ, Giám đốc Hợp tác xã quyết định đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại với các thiết bị máy xay thịt, máy làm xúc xích, tủ hấp, lò xông khói, máy hút chân không, tiệt trùng… theo quy trình khép kín bảo đảm vệ sinh. Hiện, Hợp tác xã có 18 sản phẩm được công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó 3 sản phẩm gồm xúc xích, lạp xưởng tươi và dồi sụn non được công nhận OCOP.
![]() |
Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược liệu FUJIKO (phường Võ Cường) áp dụng công nghệ hiện đại để chiết xuất tối đa hoạt chất tốt từ nghệ. |
Anh Thơ cho biết: “Từ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản thông thường nếu qua khâu chế biến kỹ thuật cao có thể vừa nâng được giá trị, thời gian bảo quản, lại dễ tiếp cận các kênh tiêu thụ. Để làm được điều đó, chúng tôi nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp, các khâu sơ chế, nấu chín, đóng gói và bảo quản đều được theo dõi sát sao, bảo đảm chất lượng, an toàn đối với người tiêu dùng, nhãn mác có thông tin sản phẩm rõ ràng”.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược liệu FUJIKO (phường Võ Cường) hiện có 3 sản phẩm OCOP 4 sao. Theo anh Lương Đức Bằng, Giám đốc Công ty, doanh nghiệp đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu quy trình công nghệ để chiết xuất thành công tinh chất curcuminoid - hoạt chất tốt cho sức khỏe. Theo đó, nghệ vàng từ xa xưa được sử dụng phổ biến trong đời sống, với mục đích làm gia vị, dược liệu, điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Qua nghiên cứu chuyên sâu, anh Bằng nhận thấy nếu áp dụng công nghệ nano để tạo thành nano curcuminoid sẽ giúp tăng khả năng phân tán, từ đó tăng khả năng hấp thụ vượt trội của hoạt chất vào cơ thể. Vì thế, anh đã triển khai các công nghệ: Sấy lớp sôi bằng điện, trích ly áp suất âm, các dung môi tách chiết hoạt chất, đi cùng với đó là loạt máy chà vỏ, nghiền, xay, vắt ly tâm, sấy khô... để nâng cao sản lượng. Tới nay, Công ty phát triển thành công 10 sản phẩm, cung ứng thành phẩm và nguyên liệu curcuminoid, nano curcuminoid dạng bột, lỏng cho người sử dụng và các đối tác, xuất sang các thị trường châu Âu, Trung Quốc, ASEAN… 3 sản phẩm được công nhận OCOP là nước uống dưỡng chất Kanzen life (sử dụng trực tiếp), Curcumin Ukol (dạng cô đặc), Nano Curcuminoid Fujiko (dạng bột).
“Muốn sản phẩm tạo được dấu ấn riêng và đạt được thành công chúng ta phải làm chủ được công nghệ. Không chỉ từ khâu chế biến, tôi còn ứng dụng tối đa sự hữu ích của công nghệ mới trên các kênh thương mại điện tử nhằm mở rộng mạng lưới tiêu thụ”, anh Bằng khẳng định.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.204 sản phẩm OCOP. Trong các chủ thể OCOP, có nhiều cơ sở chú trọng đầu tư công nghệ, xây dựng quy trình chế biến, tạo dựng vùng nguyên liệu, trở thành đầu mối liên kết cho nhiều nông dân. Đồng hành cùng các cơ sở, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng và mua thiết bị kho lạnh; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tham gia sàn thương mại điện tử, tổ chức các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP...
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, định hướng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tập trung theo vùng, gắn với chế biến tinh, sâu. Tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nhà mát, nhà lạnh trong bảo quản rau, quả; hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức khác thu mua nông sản, triển khai xây dựng thương hiệu, sử dụng nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường trong nước, quốc tế.
Ý kiến bạn đọc (0)