Bảo tồn vốn quý của đồng bào các dân tộc
Trải qua nhiều thế kỷ, các thế hệ người dân sinh sống trên vùng đất Bắc Giang đã và đang tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc tộc người. Nét văn hóa đặc sắc ấy thể hiện khá rõ ở phong tục tập quán trong chu kỳ vòng đời, những lễ thức dân gian, làn điệu dân ca dân vũ, lễ Tết, trang phục, ẩm thực… trong mỗi gia đình và cộng đồng dân tộc.
Trong văn hóa cộng đồng, dân ca của các tộc người là kho tàng di sản văn hoá phong phú, đa dạng, có giá trị nghệ thuật cao. Đó là các làn điệu Soong hao, Sli, Lượn của người Tày, Nùng, Cnắng cọô của người Sán Chí, Sịnh ca của người Cao Lan, Soọng cô của người Sán Dìu, Sơn ca của người Hoa, Páo dung của người Dao…
![]() |
Chuẩn bị trang phục cho lễ hội xuân của đồng bào Dao ở Tây Yên Tử (Sơn Động). Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19. |
Từ bao đời nay, dân ca luôn được lưu truyền trong các cộng đồng dân tộc, gắn liền với cuộc sống của mỗi người từ khi lọt lòng mẹ với câu hát ru cho đến lúc về cõi vĩnh hằng. Những làn điệu dân ca ấy là sản phẩm tinh thần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi đó là tiếng nói của nhân dân, do tập thể nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất để phục vụ cuộc sống.
Tuy cách gọi của mỗi làn điệu dân ca trong từng dân tộc khác nhau nhưng đều có nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người và tình yêu đôi lứa. Tiếc rằng, những di sản văn hóa phong phú này đã và đang mai một.
Mặc dù những năm qua, việc tổ chức ghi chép, sưu tầm, lưu giữ nhằm bảo tồn các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc đã được quan tâm nhưng công việc này cần được tiếp tục nhiều hơn, nhanh hơn nữa. Song, nếu chỉ dừng lại ở lưu giữ dưới dạng văn bản các hiện vật giống như những tư liệu lưu trữ hay các hiện vật ở bảo tàng thì chưa đủ.
Điều quan trọng tiếp theo là cần trả lại vốn văn hoá đặc sắc ấy cho đời sống văn hoá của mỗi tộc người qua hoạt động của các đội văn nghệ thôn bản mà hạt nhân chính là con em đồng bào các dân tộc. Họ sẽ tự sáng tác, biểu diễn những bài ca, điệu múa, tiếng đàn của dân tộc mình để phục vụ cho chính cộng đồng mình.
Lễ hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Giang khá đặc sắc. Có thể kể đến hội bơi chải An Châu (Sơn Động), lễ hội Trường Giang, Tòng Lệnh (Lục Nam), hội Từ Hả (Lục Ngạn)… Đây là những lễ hội mang tính vùng miền của nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống trên một dải đất. Cùng đó, mỗi tộc người cư trú ở Bắc Giang đều có trang phục riêng của dân tộc mình.
Trang phục truyền thống của mỗi tộc người - đặc biệt trang phục phụ nữ là sản phẩm thể hiện bản sắc dân tộc rõ nhất, thường xuyên và lâu bền nhất. Mặc dù cuộc sống luôn biến động và trong điều kiện cư trú xen cài giữa nhiều tộc người nhưng mỗi tộc người đều rất coi trọng, giữ gìn và kế thừa truyền thống trong cách thức trang trí dân tộc cổ truyền đã từng gắn bó với tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa và xã hội của họ.
Trong phong tục tập quán - cưới hỏi là việc thực hiện những nghi thức chung theo tục lệ của một cộng đồng để đôi trai gái tạo lập nên một gia đình mới. Trong thực tế ở mỗi tộc người, cưới hỏi không chỉ đơn thuần là việc riêng của đôi trai gái mà còn là việc chung của hai gia đình, dòng họ, thậm chí cả làng bản. Một đám cưới dù sang hay hèn, khi diễn ra đều phải qua nhiều thủ tục, với nhiều nghi lễ tuy không được ghi chép bằng văn bản nhưng lại trở thành luật lệ riêng của mỗi cộng đồng dân cư.
Ở mỗi tộc người, việc cưới hỏi còn bao hàm tính giáo dục sâu sắc giúp cho các đôi trai gái khi họ bước vào cuộc sống gia đình. Đó là nếp sống, phong tục đẹp của các tộc người. Người Sán Chí ở Bắc Giang có phong tục trước lễ cưới một tháng, lần lượt chú, bác, cô, dì, anh, chị, em ruột của cô gái đã có gia đình riêng, mỗi nhà đều làm một bữa cơm mời cô gái đến ăn như một hình thức liên hoan chia tay trước khi về nhà chồng. Đây cũng là dịp mọi người dặn dò cô gái những điều cần phải chú ý trước khi đi làm dâu.
Với người Dao Thanh Y, vào buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, trong bữa cơm đầu tiên bên nhà chồng, cô dâu sẽ được người đại diện trong họ nội thay mặt cha mẹ chồng giới thiệu từng người và vai vế trong tộc họ, dặn dò cô dâu cách cư xử. Bữa cơm này người Dao gọi đó là “lễ dạy con dâu”. Trong không khí thân mật, chân tình, cô dâu mới đón nhận tất cả những điều gia đình nhà chồng răn dạy.
Phong tục tốt đẹp trong việc cưới hỏi của người Sán Chí và người Dao Thanh Y được coi là “hành trang làm dâu” của các cô gái. Hành trang đó là kết quả của sự giáo dục gia đình và cộng đồng. Đời nối đời, sự trao truyền của thế hệ trước cho thế hệ sau vẫn không thay đổi, bởi vậy, tục lệ này ngày nay vẫn được cộng đồng người Dao Thanh Y duy trì.
Với việc tang lễ, một trong những đặc điểm nổi bật trong đám tang của các tộc người thiểu số ở Bắc Giang còn được bảo lưu đến ngày nay là sự tồn tại của các hội phe nhằm giúp đỡ lẫn nhau khi một gia đình trong bản có việc đau buồn. Đó là những quy định nghiêm ngặt đã được mọi thành viên trong cộng đồng xây dựng và ghi thành văn bản. Những quy định ấy đã trở thành điều lệ để mọi người đều bình đẳng và có nghĩa vụ thực hiện. Hội sẽ không miễn trừ nghĩa vụ cho bất kỳ ai khi đến lượt, kể cả các chức dịch trước kia và cán bộ chủ chốt của xã hiện nay.
Việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bắc Giang cũng là một trong những nội dung cơ bản góp phần thực hiện những vấn đề Hội nghị văn hóa toàn quốc đề ra, nối tiếp mạch nguồn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. |
Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, chống chọi và tồn tại trước thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội.
Ngày 24/11/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bắc Giang cũng là một trong những nội dung cơ bản góp phần thực hiện những vấn đề hội nghị đã đề ra, nối tiếp mạch nguồn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước .
Nguyễn Thu Minh
Ý kiến bạn đọc (0)