Giữ hồn văn hóa nơi rẻo cao
BẮC NINH - Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang trước đây nay là tỉnh Bắc Ninh sinh sống tập trung tại các xã miền núi, vùng cao thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế (cũ). Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, mỗi dân tộc mang nét đặc trưng riêng thể hiện qua trang phục truyền thống, lời nói, điệu hát, múa, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc. Bao năm qua, việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào được các cấp, ngành cùng người dân địa phương quan tâm thực hiện.
Trao truyền nghề thêu, ngôn ngữ
Ở xã vùng cao Sơn Động, nhiều người cao tuổi am hiểu phong tục tập quán, truyền thống đang tự nguyện trao truyền văn hóa của dân tộc mình cho con cháu. Năm nay, bà Bàn Thị Duyên (76 tuổi), dân tộc Dao, ở thôn Mậu nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, bàn tay khéo léo thêu thùa. Đều đặn vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, bên hiên nhà, bà lại dạy thêu miễn phí cho con, cháu. Lớp học thường có từ 5 - 7 cháu gái trong vùng, dạy được cho người nào là chắc người đó, chỉ trong thời gian ngắn là thạo từng đường kim, mũi chỉ.
![]() |
Lễ hội cầu mùa của đồng bào các dân tộc thiểu số. |
Bà tâm sự: “Trang phục của đồng bào Dao có nhiều họa tiết cầu kỳ buộc người làm ra sản phẩm phải thêu tay trực tiếp tỉ mỉ mất hàng tiếng đồng hồ cho đến vài ngày mà không thể sử dụng máy móc thay thế. Vì thế, mỗi sản phẩm hoàn thành là minh chứng cho sự khéo léo, đảm đang, làm nên nét duyên của người phụ nữ dân tộc mà các chàng trai trong bản tìm đến xin hỏi cưới về làm vợ. Từ năm 2011, tôi được tham gia một dự án hỗ trợ về truyền dạy nghề thêu trang phục đồng bào dân tộc. Sau khi dự án kết thúc, tôi vẫn duy trì cho đến nay để con, cháu mình hiểu và trân trọng, tự hào, biết gìn giữ văn hóa truyền thống”.
Ngoài ra, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhiều người được ví như kho tư liệu sống về ngôn ngữ, dân ca như Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập, 70 tuổi, dân tộc Sán Chí, ở thôn Cống, xã Kiên Lao. Ông có nhiều năm dày công sưu tầm, truyền dạy và gây dựng phong trào hát dân ca dân tộc Sán Chí. Nhiều bài hát do ông tự sáng tác và biên dịch lời kể lời ca từ mộc mạc kể về công việc đồng áng của nhà nông, về con sông quê, dòng suối mát lành hiền hòa; mong ước của đồng bào dân tộc một năm cây trái bội thu, đời sống no đủ, đất nước yên vui. Hay như già làng Bàn Văn Cường, thôn Thanh Chung, xã Tây Yên Tử; Đàm Văn Tình, thôn Đồng Bây, xã An Lạc nhiều năm nay sưu tầm chữ viết, truyền dạy ngôn ngữ cho thế hệ trẻ. Sự tâm huyết, trách nhiệm và đam mê ấy đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc.
Xây dựng vùng văn hóa đậm đà bản sắc
Tỉnh Bắc Giang (cũ) có khoảng 260 nghìn người dân tộc thiểu số gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Hoa... sinh sống chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao. Coi trọng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào, những năm qua, các cấp, ngành cùng chính quyền, người dân địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động.
Tỉnh Bắc Giang (cũ) có khoảng 260 nghìn người dân tộc thiểu số gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Hoa... sinh sống chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao. |
Theo Bảo tàng tỉnh và các địa phương, những năm gần đây, từ các nguồn kinh phí ngân sách cấp theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và dự án tài trợ, tại bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, bà con dân tộc Nùng đã tu sửa, bảo quản những nếp nhà trình tường và thành lập câu lạc bộ hát Sloong hao; đồng bào dân tộc Tày ở xã An Lạc gìn giữ nếp nhà sàn và thành lập câu lạc bộ hát Then phục vụ khách tham quan, du lịch. Nhiều lớp truyền dạy văn hóa dân gian; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp được tổ chức ngay tại cộng đồng, thu hút các bà, các mẹ, chị, em tham gia học tập. Từ đó giúp mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán.
Để lan tỏa văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng, các xã vùng cao, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số đã quan tâm đưa những loại hình hát dân ca vào chương trình biểu diễn trong ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa - nghệ thuật quần chúng hoặc sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ hát dân ca, thêu trang phục truyền thống… góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Trong ngành Giáo dục, nhiều trường học đã chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức tiết dạy tiếng dân tộc vào chương trình giảng dạy đối với một số địa bàn đặc thù.
Chị Trần Thu Hà, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch chia sẻ: "Tôi có dịp đến thăm và trở lại, qua đó cảm nhận rõ được vẻ đẹp độc đáo, nguyên sơ ở thôn Nà Ó, xã An Lạc; bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn; bản Ven, xã Xuân Lương; thôn Mậu, xã Tây Yên Tử; bản Khe Nghè, xã Lục Sơn… Những nơi này đang từng bước trở thành điểm đến của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển hơn, những nơi này cần được đầu tư thêm cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, sưu tầm các huyền tích, tên gọi phù hợp cho các đồ vật tại điểm du lịch; tổ chức kết nối với các doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp hơn".
Từ ngày 1/7, tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh thành lập tỉnh Bắc Ninh mới. Trong không gian phát triển mới và dòng chảy của xã hội hiện đại, việc quan tâm kế thừa, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vừa có ý nghĩa lưu truyền tinh hoa văn hóa dân tộc, mặt khác góp phần tạo điểm nhấn trong bức tranh văn hóa của địa bàn, xây dựng nền tảng vững bền và là động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch.
Đồng chí Lê Đức Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Yên Tử chia sẻ, xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Hiện đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng chiếm gần 30% dân số. Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử và 2 điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc đang hoạt động với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo được phục dựng, duy trì như: Lễ cấp sắc, lễ hội cầu mùa, lời ca, điệu múa… Tất cả hội tụ trong không gian phía Tây dãy núi Yên Tử, tạo thành vùng văn hóa đậm đà bản sắc mà không phải nơi đâu cũng có.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nơi đây trở thành trung tâm du lịch sinh thái -văn hóa cấp vùng, địa phương đang kêu gọi các nhà đầu tư tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kết nối đồng bộ các dịch vụ nhà hàng ăn uống, vui chơi, giải trí; khuyến khích người dân duy trì nghề thêu, ngôn ngữ, hát dân ca. Cùng với các địa phương, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư, đi sâu vào hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, tổ chức trình diễn phục vụ du khách... để nét đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số lan tỏa.
Ý kiến bạn đọc (0)