Cần tăng cường minh bạch thông tin về bảo vệ môi trường
Ngày 16/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các tập đoàn, tổng công ty về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh
Báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn từ năm 2022-2025, EVN đã rà soát ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu các đơn vị luôn bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật và của Tập đoàn về bảo vệ môi trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
![]() |
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát. |
Tất cả nhà máy điện đều lắp đặt đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường nước thải và khí thải, các hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục để thực hiện theo dõi, giám sát môi trường thường xuyên và công khai thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, EVN đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050; tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược chuyển dịch năng lượng của EVN, dự kiến hoàn thành năm 2026…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đề nghị EVN làm rõ một số nội dung còn hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường; khó khăn khi thực hiện các quy định mới; việc triển khai các chính sách chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính...
![]() |
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc. |
Nâng cao chất lượng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, vai trò của ngành điện, đặc biệt là EVN, càng trở nên quan trọng như huyết mạch năng lượng của quốc gia. Không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng, EVN còn phải là lá cờ đầu bảo vệ môi trường trong lĩnh vực năng lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngành điện vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ, việc xử lý tro xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, EVN phải quyết liệt hơn nữa, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển; chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh và đầu tư công nghệ tiên tiến; có lộ trình rõ ràng để tối ưu hóa hiệu suất, giảm phát thải tại các nhà máy hiện có và ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, phải quan tâm xử lý và tái sử dụng tro xỉ, biến chất thải thành tài nguyên, thể hiện tư duy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; tăng cường minh bạch thông tin về bảo vệ môi trường và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Giảm phát thải và thân thiện môi trường
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành hóa chất là nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp khác, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đặc thù sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hóa chất cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn đối với môi trường và sức khỏe con người, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn bao giờ hết.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải nguy hại và từng bước áp dụng công nghệ sạch hơn.
“Tuy vậy, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những thách thức còn tồn tại, đó là: việc sử dụng công nghệ cũ, phức tạp trong xử lý chất thải đặc thù và năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố còn nhiều bất cập.
Nếu không giải quyết triệt để, những vấn đề này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn làm cản trở sự phát triển bền vững của Tập đoàn trên thị trường quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan lưu ý.
![]() |
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Lê Hoàng báo cáo tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần nghiêm túc, chủ động tuân thủ mọi quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Hóa chất năm 2025, đặc biệt là các quy định về quản lý hóa chất, chất thải nguy hại và giấy phép môi trường. Đây vừa là trách nhiệm về pháp lý, vừa là yêu cầu bắt buộc để Tập đoàn phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động, Tập đoàn cần tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới; cần có lộ trình cụ thể để cải tiến, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, thay thế bằng các giải pháp hiệu quả năng lượng, giảm phát thải và thân thiện môi trường, với mục tiêu là sản xuất ít chất thải hơn, chứ không chỉ xử lý chất thải tốt hơn.
Tập đoàn cũng cần nâng cao toàn diện năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Với đặc thù của lĩnh vực hóa chất, mọi sự cố đều có thể gây thảm họa, Tập đoàn phải bảo đảm hệ thống cảnh báo, phương án ứng phó, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực sẵn sàng để kiểm soát mọi rủi ro.
Ý kiến bạn đọc (0)