Chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh trật tự tại tòa án
Thực tiễn xét xử ở các phiên tòa, phiên họp kiểm tra chứng cứ, hòa giải hiện nay do TAND từ tỉnh đến cấp huyện cho thấy, việc tuân thủ nội quy, quy định tại tòa của người tham gia chưa nghiêm, vẫn xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự. Nhiều trường hợp không chấp nhận phán quyết của tòa án, các đương sự đến trụ sở cơ quan công quyền chửi bới, to tiếng, thậm chí hành hung, gây án mạng.
![]() |
Đối tượng Dư Văn Thanh đầu thú sau khi gây ra vụ trọng án khiến một người tử vong và một người bị thương tại TAND huyện Lục Ngạn. |
Tiêu biểu như, ngày 30/10/2021, tại phòng làm việc của thẩm phán Phan Văn Thể (TAND huyện Lục Ngạn), diễn ra phiên công khai chứng cứ hòa giải vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa Dư Văn Thanh (SN 1983), trú tại thôn Chính, xã Hồng Giang và bố vợ là ông Lưu Văn L (SN 1961) ở thôn Chão, xã Giáp Sơn (cùng huyện Lục Ngạn). Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Lưu Thị H (SN 1989, vợ của Thanh). Tại đây, các bên không thỏa thuận được việc hòa giải, Thanh không ký vào biên bản, bỏ ra ngoài rồi bất ngờ quay lại phòng làm việc dùng dao đâm vợ tử vong tại chỗ và bố vợ trọng thương.
Trước đó, vào cuối năm 2018, tại TAND huyện Lục Ngạn cũng từng xảy ra vụ gây rối trật tự tại phiên tòa. Trong quá trình xét xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, bị cáo, người thân của bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo là không phạm tội và yêu cầu Hội đồng xét xử thả người tại phiên tòa nên đã hô hào, kích động, làm đổ bàn ghế của kiểm sát viên, luật sư; rồi nhảy lên bục xét xử, giằng co, chống đối lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp...
Cách đây không lâu, tại trụ sở TAND tỉnh có một phụ nữ trung niên đứng la o, chửi bới ầm ĩ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan công quyền.
Ông Bùi Tư Duy, Phó Chánh án TAND huyện Tân Yên cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên TAND cấp huyện không có phòng tiếp đương sự riêng biệt cho các thẩm phán. Quá trình xử lý án dân sự đều diễn ra tại phòng làm việc của thẩm phán phụ trách vụ án nên chỉ có thẩm phán, thư ký tòa và các bên liên quan chứ không có lực lượng bảo vệ tham gia. Vì thế, không ít phiên làm việc đã xảy ra xô xát, to tiếng giữa các đương sự ngay tại trụ sở cơ quan. Mặt khác, do những quy định xử lý các hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa chưa đầy đủ, xuất hiện ở nhiều văn bản luật dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện. Các cán bộ của tòa án chỉ có thể can ngăn hai bên và dừng buổi làm việc, không thể xử lý vi phạm hành chính. Thực tiễn xử lý phần lớn chỉ dừng lại ở việc cảnh cáo, nhắc nhở nên chưa có tính răn đe...
Lực lượng bảo vệ ở hầu hết các đơn vị tòa án trong tỉnh chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm trong kiểm soát người ra vào, giải quyết các vụ gây rối, ẩu đả xảy ra. Từ đó dẫn tới tình trạng người dân vào thẳng trụ sở tòa án la ó. Đáng lo ngại hơn, có trường hợp còn mang theo hung khí vào tòa án nhưng không có biện pháp kiểm tra, phát hiện để kịp thời ngăn chặn.
Để giảm thiểu tình trạng gây rối, mất an ninh trật tự tại TAND các huyện, TP và TAND tỉnh, đầu tháng 11, lãnh đạo TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Theo ông Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh, các tòa hình sự, dân sự, TAND cấp huyện cần tập trung chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình xét xử, giải quyết công việc của các đương sự. Các thẩm phán xử lý án cần nghiên cứu, xem xét các tình tiết liên quan nếu phát hiện yếu tố phức tạp, đương sự có biểu hiện chống đối cần đề xuất cơ quan công an bố trí lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ an toàn cho cán bộ cũng như đương sự.
Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng hòa giải, điều hành duy trì trật tự phiên tòa cho đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tới làm việc tại các cơ quan bảo vệ pháp luật. TAND các huyện, TP phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức xét xử điểm, lưu động các vụ án gây rối trật tự phiên tòa, phạm pháp hình sự tại các cơ quan nhà nước để nâng cao tính giáo dục, răn đe.
Có thể nói, bên cạnh củng cố lực lượng bảo vệ tại trụ sở TAND cấp tỉnh, cấp huyện thì việc xem xét đầu tư trang bị cửa từ, máy quét, thiết bị kiểm tra an ninh sẽ giúp lực lượng chức năng phát hiện các trường hợp giấu vũ khí, vật liệu nổ trong người... kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm pháp có thể xảy ra.
Ý kiến bạn đọc (0)