Chốt, điểm sơ cấp cứu ở Bắc Giang: Kịp thời giúp đỡ người bị nạn
BẮC GIANG - Với mục tiêu giảm thiểu thương vong cho người bị tai nạn, hơn 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã đứng ra thành lập, quy tụ tình nguyện viên (TNV), quan tâm tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu (SCC) cho đội ngũ này ở các chốt, điểm SCC trong tỉnh.
Nắng mưa không quản
Làm nghề xe ôm mưu sinh, hơn 10 năm qua ông Nguyễn Huy Lập (SN 1969) ở tổ dân phố Tiền Tiến, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) vẫn âm thầm cùng các thành viên chốt SCC khu vực gầm cầu vượt Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) hỗ trợ người qua đường không may bị va chạm, tai nạn giao thông. Ít ngày trước, khi đang chuẩn bị về nghỉ trưa thì ông Lập nhận được điện thoại thông báo tại khu vực đường gom cách điểm chốt khoảng 500 m có một thanh niên bị ngã xe máy. Ngay lập tức, ông cùng 3 thành viên của chốt vội vã lên đường. Nam thanh niên bị thương là công nhân quê huyện Lục Ngạn làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám (thị xã Việt Yên) đang trên đường về nhà. Việc SCC được các ông thao tác thành thục, nhanh chóng, vết thương ở đầu gối phải của nạn nhân được sát trùng sạch sẽ, băng bó gọn gàng trước khi đưa đến bệnh viện.
|
Tình nguyện viên chốt sơ cấp cứu phường Đa Mai (TP Bắc Giang) kiểm tra dụng cụ cứu thương. |
Cũng giống như ông Lập, khoảng 10 năm nay, những TNV chốt SCC ngã tư phố Bằng Nguộn, xã An Hà (Lạng Giang) luôn tích cực trong việc cứu người. Dù tai nạn xảy ra giữa đêm khuya, mưa rét hay vào lúc nghỉ trưa, nhất là vào mùa hè nắng nóng như đổ lửa, chỉ cần nhận được điện thoại thông báo, các TNV lại tức tốc có mặt. “Những lúc như thế chẳng có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, chỉ mong làm sao có thể giúp người bị nạn bớt đau đớn, nhanh chóng được đưa tới các cơ sở y tế” - bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Chủ tịch Hội CTĐ xã An Hà, Trưởng chốt SCC xã chia sẻ. Được biết chốt SCC ngã tư phố Bằng Nguộn thuộc khu vực đông dân cư. Là nút giao giữa đường liên xã và tỉnh lộ 292 nên nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông. Mỗi năm chốt SCC xã An Hà sơ cứu cho từ 10 - 15 trường hợp tai nạn giao thông.
Không chỉ giúp nạn nhân sơ cứu vết thương, TNV ở các chốt còn trực tiếp đưa nhiều trường hợp gặp nạn tới bệnh viện hoặc gọi xe hỗ trợ kịp thời, nhờ đó đã có nhiều người được cứu sống. Việc làm thiết thực và ý nghĩa của những TNV các chốt, điểm SCC đã khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, ngày một lan tỏa, thu hút nhiều người dân cùng chung tay giúp đỡ người bị nạn. Nhiều cá nhân tình nguyện tham gia chốt SCC và sẵng sàng nhận đặt điểm SCC tại nhà mình. Điển hình như bà Nguyễn Thanh Trong (SN 1959) ở tổ dân phố Mai Sẫu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang); ông Nguyễn Huy Tửu (SN 1954) ở tổ dân phố Xuân Tiến, phường Tự Lạn (thị xã Việt Yên)...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 300 vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến nhiều người thương vong. Với mong muốn giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người dân, năm 2014, Hội CTĐ tỉnh đã thành lập các trạm, điểm SCC nhằm kịp thời hỗ trợ người bị nạn. Theo bác sĩ Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), khi tai nạn xảy ra, nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời và đúng cách ngay tại hiện trường sẽ hạn chế tổn thương thứ phát, tăng khả năng cứu chữa, hồi phục khi nhập viện. Qua đó góp phần giảm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và kinh tế cho các gia đình và giảm tải công việc cho các bác sĩ.
Thành viên các chốt SCC là cán bộ hội CTĐ cơ sở, người dân ở gần điểm đặt chốt được vận động tham gia. Ông Đỗ Văn Oanh (SN 1966) ở tổ dân phố Dân Chủ, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Chốt SCC khu vực cầu chui Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ chính thức được thành lập 4 năm nay nhưng việc hỗ trợ người bị thương khi đi đường đã được làm cách đây gần chục năm. 100% TNV ở đây là những người làm nghề xe ôm nên ban đầu hầu hết không có nghiệp vụ SCC. Trước đây chúng tôi chỉ băng bó những vết thương ngoài da chứ không dám can thiệp đối với vết thương nặng như gãy xương. Từ khi chốt thành lập, năm nào chúng tôi cũng được tập huấn kỹ thuật SCC nên có thể nhận biết mức độ tổn thương để sơ cứu phù hợp, biết cách dùng nẹp cố định xương gãy”.
Bắc Giang là tỉnh có số lượng điểm SCC đạt chuẩn được Sở Y tế cấp phép hoạt động nhiều nhất trong cả nước (1 trạm và 158 điểm với gần 1 nghìn TNV). Các chốt, điểm SCC có biển niêm yết số điện thoại các thành viên, cờ chữ thập đỏ. TNV chốt SCC được trang bị đồng phục, dụng cụ cứu thương; hằng năm được tập huấn kỹ thuật SCC. |
Hiện Bắc Giang là tỉnh có số lượng điểm SCC đạt chuẩn được Sở Y tế cấp phép hoạt động nhiều nhất trong cả nước (1 trạm và 158 điểm với gần 1 nghìn TNV). Trong 5 năm qua, đội ngũ TNV đã SCC cho khoảng 5 nghìn người bị va chạm, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt; hỗ trợ đưa người bị thương đến các cơ sở y tế. Để có được kết quả đó, Hội CTĐ tỉnh đã chú trọng đào tạo đội ngũ, tập huấn viên, hướng dẫn viên và TNV với 80 lớp huấn luyện cho 3,5 nghìn lượt cán bộ, hội viên, TNV. Mỗi năm, Hội bố trí 350 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động của 100% chốt, điểm trong toàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các bệnh viện, đơn vị liên quan để thiết lập kênh thông tin, liên lạc, hỗ trợ xử lý các tình huống xảy ra.
Theo bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, hằng năm, Hội CTĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, hội thi nhằm nâng cao khả năng nhận định, xử lý tình huống, kỹ thuật SCC cho TNV. Để tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống trạm, chốt SCC, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh chỉ đạo Hội CTĐ các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa của việc làm nhân ái này, huy động sự vào cuộc của cộng đồng.
Đồng thời, Hội phối hợp với ngành y tế thường xuyên kiểm tra, đánh giá, mở lớp đào tạo kỹ năng cứu thương nâng cao cho các TNV lâu năm; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí bổ sung trang thiết bị, dụng cụ SCC cho các chốt, điểm. Từ đó hướng tới thành lập Trung tâm Huấn luyện SCC tỉnh để nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa thương tích cho người dân và có thể thực hiện hoạt động đào tạo SCC dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trong trường học, các KCN; nâng cao khả năng ứng phó với các trường hợp thiên tai, đại dịch hoặc sự cố nghiêm trọng.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)