Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp nhiều nội dung về phát triển KT-XH; phòng, chống dịch
Ưu tiên đầu tư y tế dự phòng
Thảo luận về công tác PCD Covid-19 thời gian qua, các đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch. Tuy nhiên, để công tác PCD hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
![]() |
Đại biểu Dương Văn Thái thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị: Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ngoại giao đối với chiến lược vắc- xin, đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vắc- xin trong nước. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là y tế dự phòng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong PCD dịch Covid-19. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ nhằm tri ân đối với lực lượng tuyến đầu thời gian qua, nhất là y tế. Qua đó khích lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, xả thân vì cộng đồng của lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.
Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, Chính phủ nên đổi tên Chiến lược tổng thể PCD Covid-19 trong tình hình mới thành Đề án tổng thể PCD Covid-19 trong tình hình mới. Bởi lẽ dịch Covid-19 đã xảy ra gần 2 năm, nếu ban hành chiến lược thì phải sớm hơn. Trong Đề án cần quan tâm đánh giá rõ tình hình, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, trong đó, tăng cường nguồn lực đầu tư một cách bài bản, nhất là hạ tầng phục vụ PCD, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ cấu lại hệ thống y tế; đào tạo đội ngũ y, bác sĩ.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận về các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PCD Covid-19. |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan, xem xét có giải pháp nhằm giảm chi phí xét nghiệm Covid-19 thông qua việc công khai minh bạch các chi phí trong quá trình xét nghiệm, tạo sự cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến xét nghiệm, kết nối thị trường nước ngoài bằng cách giảm thủ tục hành chính trong việc cấp phép, lưu hành vật tư y tế. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề xuất tập trung ưu tiên xây dựng, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội sau đại dịch.
Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương
Về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều nội dung. Theo đại biểu Dương Văn Thái, Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp theo tinh thần những gì địa phương làm tốt thì phân cấp cho địa phương; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và chịu trách nhiệm trước Trung ương. Qua đó sẽ tháo gỡ được những nút thắt, huy động mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển KT-XH, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng và đầu tư.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận về các giải pháp phát triển KT- XH. |
Nghiên cứu, giải quyết vướng mắc về cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ, cơ sở hết sức quan trọng để các địa phương triển khai các dự án. Đồng thời sớm sửa Luật Đất đai; thẩm định, đánh giá, phê duyệt quy hoạch đối với các tỉnh nhằm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch, giải pháp cụ thể hơn để phát triển nền kinh tế theo hướng giảm thâm dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai, lao động… nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời có các giải pháp căn cơ trước mắt và dài hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn; xử lý nước thải của các khu, cụm công nghiệp.
Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Buổi chiều, các ĐBQH tỉnh thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ. |
Thời gian qua đã xảy ra một số tranh chấp liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, do vậy đại biểu thống nhất kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần thiết phải đưa việc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh vào trong luật. Qua đó nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.
Đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các ĐBQH tỉnh tán thành với dự thảo luật gồm 5 chương, 31 điều đồng thời đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ các quy định về thẩm quyền, quyền hạn, việc huy động, điều động, phối hợp của cảnh sát cơ động nhằm bảo đảm tính khả thi. Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, hiện nay dự án luật đang trình 2 phương án, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một cách cẩn trọng, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Tin, ảnh: Công Doanh - Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)